Thứ sáu 22/11/2024 08:41

Cơ hội nào cho bất động sản công nghiệp?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp phát triển bền vững, Việt Nam cần có các chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh tái cấu trúc các khu công nghiệp hiện hữu, phát triển các khu công nghiệp mới gắn với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng...

Năm 2019, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường là nhờ định hướng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu, việc xúc tiến thành lập các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm, sự tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do.

Theo các chuyên gia, nhu cầu thuê đất ở các khu công nghiệp được dự báo cũng tiếp tục tăng trong năm 2020, bởi vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang tăng mạnh, trước làn sóng di chuyển các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Việc cho thuê nhà xưởng xây sẵn có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho các Cty phát triển Khu công nghiệp trong vài năm tới.

Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 không ảnh hưởng đến các nhà phát triển BĐS công nghiệp. Thậm chí nhu cầu thuê đất khu công nghiệp còn tăng cao vì sự chuyển dịch của các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc và các nước ASEAN vào Việt Nam. Chưa kể việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với lộ trình giảm thuế suất xuất nhập khẩu sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam xây dựng nhà máy. Giữa bối cảnh này, đây là cơ hội cho BĐS công nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), từng nhận định, Covid -19 không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam do các DN Trung Quốc chỉ chiếm một phần trong số các đơn vị muốn xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư, DN khi tham gia vào thị trường BĐS công nghiệp sẽ lựa nhìn nhận cơ hội đầu tư một cách dài hạn.

co hoi nao cho bat dong san cong nghiep
Nhà xưởng xây sẵn và nhà xưởng xây theo yêu cầu tạo cơ hội cho các nhà đầu tư và nhà phát triển công nghiệp bắt kịp đòi hỏi của thị trường công nghiệp và vận hành sản xuất, tập trung thu hút ở thời hạn thuê lâu dài hơn. Ảnh: N.Đăng

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định, sau đại dịch Covid-19, nhà đầu tư nước ngoài sẽ thận trọng hơn đối với quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư hoặc thể hiện rõ nét hơn mong muốn đa dạng hóa địa điểm đầu tư. “Việc nước ta sớm có chuyển biến trong đẩy lùi đại dịch Covid-19 có thể được nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận tích cực, không chỉ ở thời điểm mà còn ở năng lực điều hành của Chính phủ. Nếu tiếp tục duy trì những chuyển biến này, cùng với việc kịp thời xây dựng và chuyển dần sang thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế hậu Covid-19, chúng ta sẽ có cơ hội không nhỏ để thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng”, bà Minh đánh giá.

Bà Minh cho rằng, hiệu quả của khu công nghiệp không chỉ được đánh giá bởi tỷ lệ lấp đầy, quy mô DN, quy mô xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách Nhà nước... mà còn cần được nhìn nhận ở góc độ liên kết giữa các khu, để tận dụng được lợi thế của các địa phương. “Phát triển các khu công nghiệp sẽ khó có thể hiệu quả ở góc độ vùng và quốc gia nếu các khu ở các địa phương lân cận bắt chước nhau một cách máy móc”, bà Minh nói và nhấn mạnh từng địa phương và từng khu công nghiệp phải vượt qua được nỗi sợ khác người.

Để làm được điều này, Việt Nam phải gia tăng tính thị trường trong hoạt động quản lý, điều hành các khu công nghiệp, chỉ cần có quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, còn lại để thị trường quyết định. Nếu không, sẽ dẫn tới sự thiên lệch về tư duy khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cũng theo chuyên gia này, các khu công nghiệp mới nên được xây dựng theo mô hình hệ sinh thái với những đơn vị có quan hệ cộng sinh - DN chuyên trách xử lý nước thải, thu dọn rác công nghiệp, DN cung ứng thực phẩm, siêu thị giá rẻ, vườn hoa, công viên, khu vui chơi giải trí, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Ngoài ra, Chính phủ nên tiếp tục cam kết đầu tư công với mức cao vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn có tác động liên vùng, bao gồm: cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc TP HCM – Mộc Bài, cao tốc TP HCM – Vũng Tàu ở phía Nam. Còn ở phía Bắc, cần tiếp tục hoàn thiện mạng lưới cao tốc kết nối Hà Nội với biên giới Trung Quốc và đi Vân Đồn - Quảng Ninh. Đồng thời, mở rộng sân bay Cát Bi trở thành cụm cảng hàng không lớn hỗ trợ cho sân bay Nội Bài.

Bên cạnh đó, nên khuyến khích các chủ đầu tư BĐS công nghiệp thứ cấp cung ứng nhiều nhóm sản phẩm BĐS công nghiệp mới - nhà xưởng xây sẵn, nhà xưởng cao tầng, nhà xưởng nhỏ, kho thường, kho lạnh, kho cao tầng, nhà xưởng xây theo yêu cầu để đáp ứng nhu cầu đa dạng của DN. Đồng thời, tạo nền tảng cho quá trình hình thành một thị trường BĐS công nghiệp tiên tiến.

Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động