Thứ hai 09/09/2024 12:00

Chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đó là những ý kiến của các chuyên gia quốc tế xoay quanh chủ đề “Phát huy giá trị di sản, thực tiễn, kinh nghiệm và định hướng nghiên cứu, phục dựng một số công trình kiến trúc tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long” tại Hội thảo quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội”.
Phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
Đại biểu tham quan khu khảo cổ thuộc Khu Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Mộc Miên)

Từ định hướng nghiên cứu bền vững

Ngày 9/9, Hội thảo quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội” tiếp tục phiên thảo luận với chủ đề “Phát huy giá trị di sản, thực tiễn, kinh nghiệm và định hướng nghiên cứu, phục dựng một số công trình kiến trúc tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, trọng tâm là không gian điện Kính Thiên và Chính Điện Kính Thiên”.

Đóng góp ý kiến, ông Emmanuel Cerise - Giám đốc PRX Việt Nam (đại diện của vùng Ile de France) tại Hà Nội gợi ý mô hình và quy hoạch không gian trưng bày khảo cổ và kiến trúc cho Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Hà Nội.

Phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
Ông Emmanuel Cerise - Giám đốc PRX Việt Nam (đại diện của vùng Ile de France) tại Hà Nội gợi ý mô hình và quy hoạch không gian trưng bày khảo cổ và kiến trúc cho khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Hà Nội

Ông Emmanuel Cerise nêu vấn đề thực tế, khảo cổ học đô thị hiện đang gặp rất nhiều những khó khăn, vướng mắc trong bảo tồn và phát huy giá trị. Di sản đô thị dễ bị hủy hoại, công tác bảo tồn và phát huy gặp nhiều trở ngại, hạn chế do sự phát triển đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông, nhà hàng, cửa hiệu…

Tại Khu khảo cổ Saint - Denis (Ile de France) là một mô hình khu khảo cổ được tích hợp trong dự án cải tạo đô thị, sử dụng cảnh quan và thiết kế đô thị để bảo tồn di sản và thể hiện các vết tích lịch sử trong quá khứ.

Các khu di sản Thánh Laurent và Mục sư đoàn ở Aosta (Italia) là một ví dụ về việc quản lý lâu dài đối với địa điểm khảo cổ đô thị cho các mục đích lịch sử, văn hóa và du lịch.

Từ mô hình khảo cổ học đô thị, ông Emmanuel Cerise chia sẻ cơ hội hợp tác giữa Hà Nội và Ile de France. Cụ thể, vùng Ile de France, cùng với PRX-Việt Nam, có thể hỗ trợ kết nối các di tích lịch sử của Hà Nội và các khu di sản ở vùng Ile de France; xây dựng hợp tác trao đổi và hỗ trợ kỹ thuật giữa thị trấn trung cổ Provins và Thành cổ Hà Nội; hỗ trợ của Bộ Văn hóa Pháp trong lĩnh vực đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ nói tiếng Pháp đang làm việc tại các khu di tích lịch sử.

Với các giải pháp như: Hợp tác trong một dự án cụ thể về thiết kế một đô thị đương đại nhằm bảo tồn và phát huy di sản; Hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực truyền thông và quảng bá; Hỗ trợ xây dựng mạng lưới các điểm di sản (tại Hà Nội và giữa các khu di sản của Hà Nội và của Ile de France); Giới thiệu các kiến trúc sư, nhà thiết kế đô thị và nhà thiết kế cảnh quan có chuyên môn cao đến làm việc tại các khu khảo cổ và lịch sử.

Trao đổi kinh nghiệm khôi phục kiến trúc từ di tích khảo cổ học, GS. Kunikazu Une - Giáo sư danh dự Đại học Nữ Nara (Nhật Bản) trình bày, các công trình kiến trúc cổ ở Nhật Bản được xây dựng bằng gỗ nên hầu như chúng đã bị phá hủy theo thời gian. Rất ít các công trình kiến trúc cổ còn tồn tại cho đến nay và tất cả đều là các kiến trúc Phật giáo. Trong quá trình khai quật, chúng tôi đã phát hiện nhiều di tích và dấu tích của các công trình cổ.

Từ kinh nghiệm phục dựng lại các công trình kiến trúc đã bị phá hủy chỉ còn lại dấu tích tại Nhật Bản như: Suzaku-mon (cổng chính), Daigoku-den (sảnh chính) và Tou-in (khu vườn phía đông trong “Heijou-kyu”: địa điểm cung điện Nara). Những công trình này được xây dựng từ giữa thế kỷ thứ VIII.

Phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
GS. Kunikazu Une - Giáo sư danh dự Đại học Nữ Nara (Nhật Bản) trao đổi kinh nghiệm khôi phục kiến trúc từ di tích khảo cổ học

“Trong quá trình phục dựng chúng tôi dựa vào kết quả từ các cuộc khảo cổ học. May mắn là chúng tôi hiện vẫn còn giữ được khoảng 60 kiến trúc cổ còn tồn tại đến ngày nay. Đây là nguồn tư liệu cung cấp nhiều thông tin về niên đại và và kết cấu các kiến trúc cổ”, GS. Kunikazu Une thông tin.

Cùng với việc phục dựng mô hình tại Nhật Bản với tỉ lệ 1/50 đến 1/100, chú trọng vấn đề thiết lập an toàn trong các công trình được phục dựng lại và bảo tồn các di tích khảo cổ trên nguyên tắc không bao giờ được phá hủy các hiện vật có giá trị nguyên gốc.

Đến giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Liên quan đến các vấn đề bảo tồn các giá trị nổi bật toàn cầu các Di sản thế giới, bà Nao Hayashi - Chuyên gia phụ trách văn hóa khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung tâm Di sản thế giới nhấn mạnh đến vai trò Công ước Di sản Thế giới ra đời năm 1972 với trách nhiệm bảo tồn một số khu di sản thiên nhiên hay văn hóa có giá trị nổi toàn cầu không chỉ thuộc về từng quốc gia mà là của toàn thể cộng đồng quốc tế.

Phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
Bà Nao Hayashi - Chuyên gia phụ trách văn hóa khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung tâm Di sản thế giới

Năm 2022, kỷ niệm 50 năm Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (1972-2022), Công ước đang phải đối mặt với nhiều thách thức nảy sinh từ sự thay đổi trong lối sống, trong quan niệm về di sản và ý nghĩa của nó trong bối cảnh chung của chương trình nghị sự phát triển bền vững.

Bảo tồn giá trị nổi bật toàn cầu đòi hỏi liên tục phải suy ngẫm, chiêm nghiệm và đổi mới để mang lại sự hài hòa giữa nhu cầu cuộc sống hiện đại, các giá trị di sản và khát vọng của người dân về một tương lai tốt đẹp hơn.

Nghiên cứu giải pháp thiết kế kiến trúc để bảo tồn và phát huy giá trị khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, ông Jean Francois Milou – chuyên gia Pháp, văn phòng Studio Milou Singapore nêu ý kiến về việc định hướng các khu khảo cổ trở thành Bảo tàng gắn với công viên văn hóa lịch sử với nhiều không gian xanh. Cùng kiến nghị bảo tồn, không thể phá vỡ địa chất vật lý.

Để tiếp tục quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới của Hoàng thành Thăng Long nhằm tiếp tục thực hiện theo 8 cam kết với UNESCO, ông Trương Minh Tiến, đại diện Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội đề xuất.

Phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
Ông Trương Minh Tiến, đại diện Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội đề xuất các vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới của Hoàng thành Thăng Long

Thứ nhất, Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long gắn với Trung tâm quyền lực quốc gia liên tục qua hàng ngàn năm, tức là có liên quan mật thiết tới các hoạt động của Cung đình – Hoàng gia qua nhiều triều đại. Vì vậy rất cần phải có sự tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu và từng bước phục dựng, tái hiện các giá trị văn hóa phi vật thể đã từng diễn ra trong không gian văn hóa cung đình đặc trưng ở các thời kỳ: Sinh hoạt Cung đình, triều nghi, thi cử, lựa chọn nhân tài, các quyết sách lớn ảnh hưởng tới phát triển quốc gia; Lễ hội quảng chiếu và các lễ hội lớn; Thiết triều, lễ Đăng quang, tế Nam Giao, Xã tắc... Những giá trị di sản văn hóa phi vật thể này là bộ phận quan yếu không thể tách rời, tạo nên giá trị riêng có của Hoàng thành Thăng Long và là nguồn tài nguyên quý giá để xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách .

Thứ hai, tiếp tục thực hiện đề án tổng thể về chuyển đổi số để vừa tư liệu hóa di sản, hiện vật, vừa góp phần đưa những giá trị của di tích đến với công chúng được nhanh hơn, hiệu quả hơn. Trước mắt sử dụng công nghệ thông tin hoặc thực tế ảo để hỗ trợ việc diễn giải, thuyết minh di sản và tăng sự thu hút hấp dẫn công chúng và khách tham quan.

Thứ 3, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu tư liệu lịch sử, khai quật khảo cổ học thì việc khôi phục không gian chính điện Kính Thiên và điện Kính Thiên cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ban đầu phục dựng dưới dạng bản vẽ, hình ảnh 3D, không gian “hiện thực ảo” bằng công nghệ số với tư cách là phương án gợi mở để trao đổi, thảo luận, phản biện để tiến tới sự đồng thuận trong cộng đồng. Mong muốn của nhân dân Thủ đô Hà Nội là không gian chính Điện Kính thiên và Điện Kính thiên sớm trở thành công trình hiện hữu trong di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Ghi nhận các ý kiến, đề xuất, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bày tỏ, kết quả của buổi thảo luận tại Hội thảo quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội” sẽ là cơ sở khoa học để Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đưa ra các phương án khôi phục và tái hiện các di sản kiến trúc cung điện trong thời gian tới.

Đặc biệt, bổ sung tư liệu và tham vấn các giải pháp khoa học, ứng dụng công nghệ trong quá trình thực hiện Đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên và bảo tồn nhà Cục Tác chiến dưới dạng di sản số.

Hà Nội nhận giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á” năm 2022
Từ nhát cuốc đầu tiên đến di sản văn hóa thế giới
20 năm Di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, định hướng trở thành công viên văn hóa lịch sử
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động