Thứ sáu 22/11/2024 21:51

Chuyện chưa kể về “chú lính chì” Lê Văn Công

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đằng sau tấm huy chương Bạc danh giá tại Thế vận hội thể thao người khuyết tật mùa hè vừa diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản (Paralympic Tokyo 2020), đối với đô cử Lê Văn Công còn là sự nỗ lực vượt qua chấn thương đau đớn để kiến tạo chiến thắng lịch sử.

Biến nỗi đau thành động lực thi đấu đỉnh cao

Trò chuyện với đô cử Lê Văn Công dịp này, được biết anh đã hoàn tất thời gian cách ly y tế cùng đội tuyển thể thao người khuyết tật Paralympic Tokyo 2020 sau khi trở về từ Nhật Bản.

Hiện, anh cùng đồng đội đã lên Trung tâm thể dục, thể thao quốc gia bước tiếp vào hành trình tập luyện để chuẩn bị cho giải Vô địch Cử tạ dành cho người khuyết tật thế giới 2021, dự kiến tổ chức vào tháng 11-2021. Cùng với đó, chuẩn bị cho Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (ASEAN Para Games 11) sắp diễn ra tại Việt Nam.

Trở về với tấm huy chương Bạc lịch sử và cũng là người tạo “hat-trick” 2 kỳ Thế vận hội liên tiếp giành được huy chương danh giá (Huy chương Vàng Paralympic Rio 2016 và huy chương Bạc tại Paralympic Tokyo 2020), đô cử Lê Văn Công chia sẻ: “Tấm huy chương này là phần thưởng xứng đáng sau quá trình điều trị chấn thương, tập luyện của tôi. Sau 4 tuần tập luyện tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh và 1 tuần chuẩn bị ở làng vận động viên tại Nhật Bản, tôi đã vượt qua được những khó khăn để đem về vinh quang cho Tổ quốc”.

Ít ai biết rằng, trước giờ thi đấu chính thức tại Paralympic Tokyo 2020, Lê Văn Công vẫn phải nén chịu những cơn đau đớn từ chấn thương vai. Đây là chấn thương xảy ra từ năm 2019 với các tổn thương đa dạng ở vai và xương cánh tay như viêm khớp cùng đòn trái, viêm gân trên, gân dưới vai, phù tủy xương và nang xương dưới sụn chỏm xương tay.

Do chấn thương nghiêm trọng, Lê Văn Công vừa phải điều trị, vừa tập luyện, nên không thể đạt phong độ tốt nhất. Thậm chí, đô cử phải xịt giảm đau trước khi bước vào cuộc so tài với 8 đối thủ khác.

Đồng thời, tâm lý thi đấu giữa mùa dịch, tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại Nhật Bản đã tạo áp lực thi đấu riêng.

Với tinh thần thi đấu vì màu cờ sắc áo Việt Nam, đô cử Lê Văn Công đã giành huy chương Bạc cử tạ hạng cân 49kg nam tại Paralympic Tokyo 2020 đạt thành tích 173kg.

Chuyện chưa kể về “chú lính chì” Lê Văn Công
Đô cử Lê Văn Công đã giành huy chương Bạc cử tạ hạng cân 49kg nam tại Paralympic Tokyo 2020 với thành tích 173kg.

Mặc dù có chút tiếc nuối khi nâng mức tạ ngang bằng với lực sĩ Omar Sami HamadehQarada (Jordan) nhưng vẫn đứng thứ 2 trong xếp hạng chung cuộc, do trọng lượng cơ thể nặng hơn đối thủ đúng… 1 lạng (47,31kg so với 47,21kg). Song đối với người hâm mộ, Lê Văn Công trở thành “người hùng” mang vinh quang về cho Tổ Quốc. Điều đó khẳng định ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa có vận động viên nào xô đổ thành tích kỷ lục Paralympic (183kg) và kỷ lục thế giới 183,5kg mà Lê Văn Công thiết lập trước đây.

May mắn không đạt thành tích cao nhất nhưng tấm huy Bạc được kỳ vọng “quý như vàng” bởi trong suốt 2 năm vừa qua, Lê Văn Công và các vận động viên khác không có điều kiện thi đấu cọ xát quốc tế.

Chuyện chưa kể về “chú lính chì” Lê Văn Công
Cách đón nhận niềm vui chiến thắng của đô cử Lê Văn Công tại Paralympic Tokyo 2020

Điều đặc biệt còn được kể đến khi Lê Văn Công là vận động viên duy nhất “mở hàng” huy chương đầu tiên cho đoàn thể thao tại 2 cuộc thi đấu Thế vận hội vừa qua. Hình ảnh lá quốc kỳ bay cao trên bục huy chương khẳng định cho vị thế thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Với thành tích ấn tượng, vận động viên Lê Văn Công được Bộ VH,TT&DL có Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước về việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc.

Đón nhận vinh dự này, đô cử Lê Văn Công cho biết đó là nguồn động viên, khích lệ lớn để anh giữ vững tinh thần thi đấu, chuẩn bị cho những “trận chiến” khác.

Sau vinh quang là nỗi lo rất thực tế

Đô cử Lê Văn Công nêu đề xuất rằng, sau giai đoạn khó khăn về tình hình dịch bệnh Covid-19, mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngành thể thao quan tâm, đầu tư trọng điểm thể thao người khuyết tật để họ có cơ hội được tỏa sáng trên trường đấu quốc tế.

Sau mỗi giải đấu là các vận động viên trở về với nhịp sống đời thường với nhiều lo toan “cơm, áo, gạo, tiền”, trường hợp đô cử Lê Văn Công cũng không ngoại lệ.

Đến nay, Lê Văn Công tạo dựng tên tuổi trong làng thể thao khi xếp thứ tự 22 trong bảng xếp hạng đô cử khuyết tật thế giới, là vận động viên trọng điểm đội tuyển quốc gia, thuộc biên chế Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Số tiền thưởng từ những tấm huy chương được cho là niềm động viên, khích lệ tinh thần thể thao. Những năm qua, thu nhập chính của anh đến từ cửa hàng kinh doanh sửa chữa điện tử tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.

Vậy nhưng, nhiều tháng nay, tình hình dịch diễn biến phức tạp nên cửa hàng điện tử vắng khách, hoạt động cầm chừng, số tiền thuê mặt bằng Lê Văn Công phải “khất” chủ nhà cho nợ.

Anh Công cũng hi vọng rằng, số tiền thưởng 140 triệu đồng khi sở hữu huy chương Bạc tại Paralympic Tokyo 2020 theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ngày 7-11-2018 của Chính phủ sẽ giúp anh trang trải vơi bớt nỗi khó khăn.

Chuyện chưa kể về “chú lính chì” Lê Văn Công
HLV Lê Quang Thái và VĐV Lê Văn Công nhận khen thưởng từ Đoàn thể thao Việt Nam

Thời điểm này, chấn thương vẫn là trở ngại lớn trên sàn tập, nhưng với quyết tâm cao, tinh thần lạc quan, đô cử Lê Văn Công kỳ vọng sẽ phục hồi chấn thương sớm nhất có thể, trở lại tập luyện theo đúng kế hoạch của ban huấn luyện. “Tôi muốn truyền cảm hứng đến những người chơi thể thao rằng: Hãy cố gắng tập luyện, đừng bỏ cuộc, vinh quang sẽ đến với các bạn!”, đô cử Lê Văn Công nói.

Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động