Chương trình số 01-CTr/TU: Góp phần triển khai tốt nhiều nhiệm vụ mới và khó
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến chủ trì thảo luận tại hội nghị. |
Đây là đánh giá qua tham luận của các đại biểu tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị TP trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh CCHC” khoá XVII, giai đoạn 2021 - 2025 do Thành uỷ Hà Nội tổ chức, sáng 19/4.
Phương thức lãnh đạo được đổi mới mạnh mẽ
Tại hội nghị, Bí thư huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên nêu ý kiến, công tác lãnh đạo của Đảng bộ TP Hà Nội huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong nửa nhiệm kỳ qua, TP đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của TP thông qua các chủ trương, đường lối cụ thể.
Theo đó, Bí thư huyện ủy Đông Anh tâm đắc nhất là phương thức lãnh đạo thông qua ban hành chủ trương đường lối qua các Nghị quyết; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII bằng 10 chương trình công tác của Thành ủy rất sớm, cụ thể, đồng bộ, kịp thời. Bám sát 10 chương trình công tác của Thành ủy, huyện xây dựng 6 chương trình công tác trọng tâm và 3 khâu đột phá. Trong đó, khâu đột phá đúng và trúng của huyện là đồng bộ đầu tư hạ tầng xã hội trong quá trình xây dựng từ huyện lên quận; đổi mới mạnh mẽ các bước công tác cán bộ theo hướng chặt chẽ quy trình từ đánh giá, luân chuyển đến sử dụng và khâu đột phá thứ 3 là đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm.
Chia sẻ về kinh nghiệm của Đảng bộ quận Hoàn Kiếm trong việc thực hiện chuyển đổi số và đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho biết: Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương và TP về đổi mới phong cách và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Quận ủy Hoàn Kiếm tiếp tục được đổi mới về phương pháp, phong cách công tác, lề lối làm việc theo hướng tập trung, sâu sát, kiên quyết, hiệu quả, rõ trách nhiệm.
Trong từng giai đoạn, trên từng lĩnh vực cụ thể, xác định rõ những nội dung “trọng tâm, trọng điểm”, những khâu mấu chốt, vấn đề có nhiều khó khăn, phức tạp để tập trung chỉ đạo thực hiện với những giải pháp cụ thể, tính khả thi cao. Đồng thời chú trọng công tác kiểm tra, giám sát cũng như sơ, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để qua đó tạo chuyển biến trên nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, quận Hoàn Kiếm đã tăng cường hoạt động chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, góp phần hiện đại hóa, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua môi trường số. Song song với đó đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính công tác xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế xã hội, an ninh - quốc phòng.
Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định trình bày tham luận tại hội nghị. |
Trong 3 năm gần đây, với việc ứng dụng các thành quả chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính đã đem lại kết quả rõ rệt được TP ghi nhận, đánh giá cao thông qua chỉ số CCHC tăng dần hàng năm. Năm 2020, quận xếp thứ 4/30 quận, huyện và đến năm 2022 đã vươn lên xếp thứ nhất trong tổng số 30 quận huyện, thị xã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp
Trong năm 2023, quận Hoàn Kiếm dự kiến triển khai thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công cấp phường trên cơ sở ghép các bộ phận “một cửa” của các phường có địa giới hành chính gần nhau nhằm tập trung nhân lực, vật lực phục vụ người dân tốt hơn. Đây cũng là thí điểm bước đầu cho phương hướng thực hiện thủ tục hành chính phi địa giới hành chính.
Kịp thời giải quyết phát sinh từ cơ sở
Bí thư quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến nhận định, từ đầu nhiệm kỳ, việc triển khai Chương trình số 01-CTr/TU trong hoàn cảnh đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tác động nhiều đến thực hiện nhiệm vụ của TP. Nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, TP đã vượt qua khó khăn, bảo đảm được sự bình yên và phục hồi kinh tế. Ngoài ra, triển khai tốt nhiều nhiệm vụ mới và khó như triển khai thí điểm chính quyền đô thị, phân cấp, phân quyền, phục vụ các sự kiện quốc gia, TP.
Đối với quận Ba Đình, về công tác phát triển và quản lý đảng viên, Ba Đình có 54 tổ chức cở sở đảng, trong đó 75% đảng viên đã nghỉ hưu nên công tác phát triển đảng có khó khăn riêng và công tác quản lý có đặc thù riêng. Năm 2021, quận đã ban hành đề án về nâng cao chất lượng đảng viên và quản lý đảng viên với chỉ tiêu nâng cao tỷ lệ đảng viên trong các khối cơ quan, trường học, doanh nghiệp… bảo đảm nề nếp sinh hoạt chuyên đề; không có tổ chức cơ sở đảng không hoàn thành nhiệm vụ.
Bí thư Quận uỷ Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng trình bày tham luận tại hội nghị. |
Hàng năm, Quận ủy ban hành kế hoạch riêng về kết nạp đảng viên với nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức cơ sở đảng, giao chỉ tiêu cụ thể từng đơn vị. Đồng thời, chú trọng tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới, từng bước đổi mới quy trình nội bộ.
Theo Bí thư Quận uỷ Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng: Quận Tây Hồ cũng đã tiếp thu tinh thần đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Đảng bộ quận. Ban Thường vụ Quận ủy đã xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 10-ĐA/QU “Tăng cường công tác Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Quận Tây Hồ". Định kỳ hàng năm xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong đó quan tâm cập nhật, bồi dưỡng tập huấn cho cán bộ Đảng viên…
Quận Tây hồ cũng rất quan tâm lựa chọn đội ngũ giảng viên, báo cáo viên là những chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm thực tiễn không chỉ làm rõ những vấn đề mới cần có nhận thức thấu đáo mà quan trọng là cung cấp phương pháp tư duy khoa học, gợi mở tầm nhìn và khát vọng cống hiến, lòng tự trọng, bổn phận, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ công chức.
Cùng với việc tổ chức các lớp học, việc bồi dưỡng nghiệp vụ công tác được các đồng chí lãnh đạo UBND Quận, trưởng các phòng ngành duy trì thường xuyên qua các hội nghị giao ban định kỳ, giao ban chuyên môn giữa các đồng chí là trưởng các phòng, ban, ngành của Quận và UBND các phường, qua đó cập nhật kỹ năng, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở.
Quang cảnh hội nghị. |
Nửa đầu nhiệm kỳ, toàn Đảng bộ Quận Tây Hồ có 169 lượt cán bộ được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm từ quận xuống phường, từ phường lên quận, từ khối chính quyền sang khối Đảng, đoàn thể, từ khối Đảng, đoàn thể sang khối chính quyền và từ khối phòng ban sang khối phòng ban. Đây cũng chính là biện pháp rất tốt để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tránh sức ỳ, chủ quan khi đảm nhiệm vị trí công tác quá lâu, đồng thời giúp cán bộ được rèn luyện qua thực tiễn công tác ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau.
Sau 3 - 6 tháng ở vị trí công tác mới, cán bộ được luân chuyển, điều động, điều chuyển vị trí công tác đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trên cương vị công tác mới, kích thích tinh thần đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm trong công việc của cả đội ngũ cán bộ công chức, viên chức từ quận tới cơ sở.
Qua đó, giúp quận Tây Hồ hoàn thành toàn diện nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội trong nửa đầu nhiệm kỳ, nâng chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của quận lên vị trí thứ 4/30, chỉ số hài lòng của người dân giữ vị trí 3/30 quận huyện của TP.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại