Thứ năm 21/11/2024 22:51

"Ngày hội văn hóa vì hòa bình" – 70 năm lịch sử hùng tráng của quân và dân Thủ đô

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 6/10, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức “Ngày hội văn hóa vì hòa bình” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024); 25 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999 – 16/7/2024). Chương trình có khoảng 10.000 người tham gia.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội tới dự "Ngày hội văn hóa Vì hòa bình''.

Tham dự Ngày hội có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các lãnh đạo Trung ương, các bộ, ngành và thành phố Hà Nội.

Đến dự Ngày hội văn hoá vì hòa bình còn có đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam, đại sứ quán các nước tại Việt Nam và đông đảo người dân Thủ đô.

Các đại biểu đã thực hiện nghi lễ dâng hương tại Tượng đài vua Lý Thái Tổ, tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng Thủ đô. Tiếp theo là lễ chào cờ đặc biệt, tái hiện lại buổi lễ chào cờ đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 10/10/1954, sau khi Thủ đô được giải phóng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường và các đại biểu dâng hương tại Tượng đài vua Lý Thái Tổ. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường và các đại biểu dâng hương tại Tượng đài vua Lý Thái Tổ. Ảnh: TTXVN

Khai mạc ngày hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ôn lại lịch sử cách đây 1014 năm, vào mùa Thu năm 1010, tiếp nối sự nghiệp dựng nước của các Vua Hùng, các bậc tiên liệt, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn với tầm nhìn chiến lược, đã quyết định dời Đô từ Hoa Lư về Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của nước Đại Việt.

Từ mốc son lịch sử đó đến thời đại Hồ Chí Minh, trải qua hơn một thiên niên kỷ, với bao biến cố thăng trầm, Thăng Long - Hà Nội vẫn trường tồn cùng tuế nguyệt, vững vàng, khí phách hiên ngang, xứng đáng là trái tim của nước Việt Nam độc lập, tự do và hạnh phúc.

Trải qua lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, cùng công cuộc kiến thiết và bảo vệ nền hòa bình, độc lập, tự do của nước nhà; Hà Nội đã được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế tôn vinh, phong tặng những danh hiệu cao quý như “Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu khai mạc chương trình.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu khai mạc chương trình.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, “Ngày hội văn hóa vì hòa bình” nhằm lan tỏa thông điệp về giá trị của văn hóa, hòa bình và sức sáng tạo của con người Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ.

Phát huy truyền thống lịch sử văn hiến và anh hùng; với vị trí, vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hà Nội đã và đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện và hoàn thành sứ mệnh của Thủ đô với “Tầm vóc mới - Vị thế mới”; Xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; Thành phố kết nối toàn cầu; điểm đến “An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn” với bạn bè quốc tế. Đặc biệt hơn nữa, sự kiện này thực sự là ngày hội của người dân Hà Nội vì được thực hiện bởi hàng nghìn quần chúng, Nhân dân Thủ đô.

Với 3 chủ đề chính: “Hà Nội ngày về chiến thắng”; “Hà Nội - dòng chảy di sản” và “Hà Nội Thành phố hòa bình - Thành phố sáng tạo”, chương trình tái hiện lại những mốc son lịch sử của Thủ đô qua các thời kỳ; giới thiệu, trình diễn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các lễ hội và các làng nghề tiêu biểu của Thủ đô. “Ngày hội văn hóa vì hòa bình” còn là dịp để tôn vinh nền văn hiến, bản sắc văn hóa vì hòa bình của Thủ đô Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam, tỏa sáng lương tri và phẩm giá con người.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu và đông đảo nhân dân tham dự Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu và đông đảo Nhân dân tham dự ''Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình''. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt là màn thực cảnh tái hiện thời khắc lịch sử trọng đại của Thủ đô và đất nước; Ngày 10/10/1954, khi đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô trong rợp trời cờ, hoa và niềm hân hoan chiến thắng; kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, ác liệt với biết bao hy sinh, mất mát và tinh thần anh dũng, bất khuất của nhân dân ta trước một kẻ thù hùng mạnh; viết lên bản anh hùng ca trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta.

“Bên cạnh đó, Ngày hội văn hóa vì hòa bình còn là dịp để chúng ta tôn vinh nền văn hiến, bản sắc văn hóa vì hòa bình của Thủ đô Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam, tỏa sáng lương tri và phẩm giá con người”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội bày tỏ trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự ủng hộ, giúp đỡ hiệu quả của các địa phương và bạn bè quốc tế trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội.

Đoàn diễu hành mô tả hình ảnh đoàn quân tiến về Hà Nội trong thời khắc lịch sử ngày 10/10/1954. Ảnh: TTXVN
Đoàn diễu hành mô tả hình ảnh đoàn quân tiến về Hà Nội trong thời khắc lịch sử ngày 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Khẳng định, kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô; 25 năm ngày thành phố Hà Nội được tặng danh hiệu “Thành phố vì hoà bình”, cũng là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định những phẩm chất cao quý và truyền thống tốt đẹp: Văn hiến, Anh hùng, Hòa bình, Hữu nghị của Thủ đô và dân tộc Việt Nam…

Chủ tịch UBND TP nói thêm: “Đó cũng chính là lẽ sống, là đạo đức và phong cách ứng xử, là truyền thống văn hóa, là khát vọng hòa bình của người dân Hà Nội, của dân tộc Việt Nam. Đó còn là di sản vô giá các thế hệ cha ông ta để lại. Chúng ta trân trọng, có trách nhiệm gìn giữ, phát huy, lan tỏa và truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau”…

Tái hiện ký ức lịch sử ngày Giải phóng Thủ đô tại Ngày hội văn hoá vì hoà bình
Hà Nội tuyên truyền “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Chương trình "Ngày hội văn hóa vì hòa bình" tại Hà Nội: hoạt động ý nghĩa tôn vinh di sản Thủ đô
Hào hùng, sôi động chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”
Mây Hạ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động