“Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgày 27-3, tại Hà Nội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc đã tổ chức phát động Cuộc thi thiết kế Bộ nhận diện các sản phẩm truyền thông cho Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Theo bà Rah Mi Hye, bạo lực trên cơ sở giới là vấn đề mà tất cả các nước trên toàn thế giới đang phải đối mặt và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Cả phụ nữ và nam giới đều có thể là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới nhưng phần lớn nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái. Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc, cứ 3 phụ nữ thì có một phụ nữ đã bị bạo lực thể chất hoặc tình dục trong đời. đó là còn chưa kể các hình thức bạo lực tâm lý, kinh tế hoặc lời nói.
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gây thiệt hại lớn đối với cộng đồng, quốc gia và xã hội về lợi ích cộng đồng, sức khỏe và an toàn, thành tích học tập, năng suất, thực thi pháp luật, các chương trình và ngân sách công. Tác động của bạo lực trên cơ sở giới có thể kéo dài suốt đời đối với phụ nữ và trẻ em, có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các nghiên cứu cho thấy rằng những trẻ em đã chứng kiến hoặc bị bạo lực có nhiều khả năng trở thành nạn nhân hoặc thủ phạm gây ra bạo lực trong tương lai.
"Để đảm bảo rằng phụ nữ được hưởng đầy đủ các quyền của họ và phát huy tối đa các tiềm năng của họ, cần phải có các hình thức bảo vệ về mặt pháp lý. Tuy nhiên, luật pháp thôi là chưa đủ mà chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để đáp lại những tiếng khóc vì công lý của phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới", bà Rah Mi Hye nhấn mạnh.
Đồng tình, bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển trong thập kỷ qua, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là một vấn đề nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an toàn của phụ nữ và trẻ em gái.
Dẫn một khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH và tổ chức Action Aid vào năm 2016 tại 5 tỉnh thành bà Astrid nhắc lại con số 51% phụ nữ thừa nhận rằng họ đã bị quấy rối tình dục ít nhất một lần.
“Gần đây qua các phương tiện truyền thông, chúng ta đã chứng kiến các cuộc tấn công gây sốc đối với phụ nữ và trẻ em gái như trường hợp một phụ nữ trẻ ở Điện Biên bị bắt cóc, cưỡng hiếp và giết chết bởi một nhóm đàn ông trong dịp Tết nguyên đán, Vụ quấy rối tình dục 9 học sinh tiểu học bởi 1 thầy giáo ở tỉnh Bắc Giang… Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là một đại dịch toàn cầu, hầu hết nạn nhân đều là phụ nữ và nguy cơ cao hơn trong nhóm vị thành niên và thanh niên”.
“Để có một tiếng nói và hình ảnh thống nhất trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới, chúng ta cần đổi mới việc thiết kế bộ nhận diện chiến dịch truyền thông theo hướng sáng tạo để nâng cao nhận thức của công chúng. Huy động sự tham gia của cộng đồng nhằm thúc đẩy quyền cơ bản của mọi trẻ em và phụ nữ nhằm hướng tơi một cuộc sống không có bạo lực”, bà Astrisd nói.
Theo gợi ý của của bà Astrisd, “gói truyền thông của Chiến dịch nên được đổi mới để thay đổi suy nghĩ và hành vi, đặc biệt là nam giới theo hướng bình đẳng giới; thách thức các chuẩn mực văn hóa truyền thông và định kiến giới, trong đó củng cố các thái độ và hành vi bạo lực của nam giới; tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ cho phụ nữ Việt Nam đứng lên và đưa ra tiếng nói của mình, khiến các thủ phạm cảm thấy xấu hổ và lo sợ khi gây ra bạo lực với bạn tình, đồng nghiệp, phụ nữ và trẻ em trên đường phố”.
Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Ngọc Tiến phát biểu khai mạc tại Lễ phát động |
Cuộc thi chính thức được phát động vào ngày 27-3-2019 và hết hạn vào ngày 15-5-2019. Tổng giá trị giải thưởng lên đến 60 triệu đồng. Trong đó có một giải thưởng trị giá 50 triệu đồng và 2 giải phụ mỗi giải trị giá 5 triệu đồng để khuyến khích các ý tưởng sáng tạo và sự tham gia của các nhóm yếu thế.
Đối tượng chính tham gia cuộc thi là tất cả công dân Việt Nam, cá nhân hoặc tập thể từ 18 tuổi trở lên. Số lượng bài dự thi của mỗi thí sinh là không giới hạn, tuy nhiên mỗi bài dự thi phải bao gồm đầy đủ các sản phẩm và định dạng theo yêu cầu.
Cụ thể, về yêu cầu thiết kế, bộ tài liệu mẫu phải làm nổi bật logo đang được sử dụng của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Trong đó kết hợp màu cam đã được Liên hợp quốc lựa chọn là màu biểu tượng cho chiến dịch toàn cầu về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái và ruy băng màu trắng là biểu tượng của chiến dịch truyền thông của nam giới nhằm kêu gọi xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới. Cuộc thi cũng yêu cầu mẫu thiết kế dễ sử dụng trên các các chất liệu khác nhau, đặc biệt khuyến khích sử dụng trên các vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường.
Phát biểu tại lễ phát động, ông Phạm Ngọc Tiến – Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, “truyền thông là một trong những công cụ quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Vì vậy hy vọng qua cuộc thi sẽ có được một bộ nhận diện các sản phẩm truyền thông cho Tháng hành động đầy đủ, thống nhất, chuyên nghiệp, đẹp, hấp dẫn, có khả năng truyền tải thông điệp và đặc biệt là dễ sử dụng trong các sự kiện của Tháng hành động và các tài liệu liên quan đến bình đẳng giới trên cả nước”.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Cuộc thi được tổ chức nhằm kêu gọi phát triển các ý tưởng sáng tạo trong thiết kế và xây dựng một bộ sản phẩm truyền thông mẫu để sử dụng cho các tài liệu truyền thông và các sự kiện hưởng ứng Tháng hành động. Cuộc thi cũng nhằm lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng động về xây dựng cuộc sống bình đẳng và không bạo lực. Đồng thời huy động cam kết của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc phối hợp triển khai các hoạt động và sử dụng thống nhất bộ nhận diện các sản phẩm truyền thông của Tháng hành động. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại