Thứ hai 20/05/2024 11:44

Chuẩn bị thi THPT quốc gia 2018: Cảnh giác với công nghệ cao, không để lộ, lọt đề

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chỉ còn gần một tuần nữa, kỳ thi THPT quốc gia chính thức bắt đầu trên cả nước, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, kỳ thi THPT quốc gia với mục đích “2 trong 1” vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển ĐH, CĐ được tổ chức 3 năm qua đã đạt được những thành công nhất định, đặc biệt là kỳ thi năm 2017 được dư luận xã hội đánh giá cao.

Tuy nhiên cũng còn một số bất cập, hạn chế cần được khắc phục trong kỳ thi năm 2018. Bộ cũng đặc biệt lưu ý các địa phương cảnh giác với gian lận công nghệ cao.

Tuyệt đối không để “lộ, lọt” đề thi

Ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, các thiết bị thông minh sử dụng để gian lận thi cử có thể ngụy trang bằng nhiều cách, đó có thể là vỏ máy tính nhưng bên trong là thiết bị ghi âm, ghi hình; cải trang qua thẻ ATM, hoặc tai nghe rất nhỏ, khó phát hiện.

“Năm trước, chúng tôi phát hiện thí sinh sử dụng tai nghe nhỏ xíu như hạt đỗ, phải dùng nam châm hút ra” – ông Nguyễn Huy Bằng cho hay.

Tuy nhiên, khi sử dụng các thiết bị đó, thí sinh nhất định có dấu hiệu bất thường. Như máy tính, nếu sử dụng bình thường, đúng chức năng, thí sinh chỉ cần để trên bàn; nhưng nếu là thiết bị ngụy trang, có thể chụp ảnh thì phải cầm nâng cao lên; hoặc nếu sử dụng thiết bị tai nghe không dây truyền tin, thí sinh phải đọc lẩm nhẩm, nếu giám thị quan sát kĩ có thể thấy ngay bất thường.

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho rằng, chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao, vai trò số một là giám thị. Do đó, việc tập huấn kĩ cho đội ngũ này được nhấn mạnh; ngay trước khi thi, các điểm thi cần lưu ý, hướng dẫn giám thị về điều này.

Để làm tốt việc chống gian lận trong thi cử, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với A83, Bộ Công an, chỉ đạo PA83 ở các địa phương tập huấn cho cán bộ coi thi về nội dung này. Hai bên cũng phối hợp trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi để xử lý nhanh những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng của Bộ GD&ĐT, ủy viên thường trực Ban chỉ đạo thi quốc gia cũng nhấn mạnh điều này khi dẫn đầu đoàn kiểm tra của BCĐ kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại cụm thi tỉnh Lạng Sơn. Đoàn kiểm tra đặc biệt yêu cầu Hội đồng thi phải phổ biến, quán triệt các cán bộ coi thi tại các điểm thi hết sức chú ý phòng, chống hành vi gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao, thiết bị điện tử tinh vi, không để thí sinh mang vào phòng thi.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến về công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý cần làm tốt công tác chuẩn bị, công tác phối hợp giữa các địa phương và các trường ĐH, CĐ để kỳ thi diễn ra an toàn, hiệu quả, hạn chế tới mức thấp nhất những sai sót không đáng có, trong đó quan tâm tới công tác in sao đề thi, bố trí cán bộ coi thi, tuyệt đối không để xảy ra sơ suất, “lộ, lọt” đề thi.

canh giac voi cong nghe cao khong de lo lot de
Công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia nghiêm túc, đúng quy chế, Bộ yêu cầu các điểm thi cảnh giác với thiết bị gian lận công nghệ cao. Ảnh: P.T

Chuẩn bị càng thuận lợi, càng không được chủ quan

Tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2018 có 925.792 em. Trong đó xét công nhận tốt nghiệp là 879.705 em, tổng số thí sinh sẽ tham gia xét tuyển sinh ĐH, CĐ là 688.466 em, tăng hơn 48.000 em so với năm 2017. Cả nước có 2.144 điểm thi với 39.689 phòng thi.

Về cơ bản kỳ thi THPT quốc gia 2018 được giữ ổn định như năm 2017 và có một số vi chỉnh về mặt kỹ thuật. Bộ GD&ĐT đã điều động các trường ĐH, CĐ với địa phương phối hợp tổ chức thi ở các khâu: In sao đề, coi thi, chấm thi, phúc khảo... Dự kiến có khoảng 45.000 cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia phục vụ kỳ thi.

Yêu cầu tuân thủ nghiêm túc, đúng, đầy đủ hướng dẫn thực hiện quy chế thi được lãnh đạo Bộ GD&ĐT đặc biệt nhấn mạnh. Công tác chuẩn bị kỳ thi càng thuận lợi thì càng phải cẩn thận, không được chủ quan để xảy ra những sự cố đáng tiếc, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị, thời gian tới các trường ĐH, CĐ chủ động phối hợp với các địa phương trong công tác tổ chức thi, cử đủ cán bộ, giảng viên về coi thi tại các địa phương; tổ chức phổ biến kĩ, nghiêm túc quy chế, tập huấn nghiệp vụ coi thi; phối hợp với các địa phương kiểm tra và chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các trường ĐH, CĐ quán triệt quan điểm kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp chứ không phải là kỳ thi ĐH. Vì thế tất cả các phương thức tổ chức phải phục vụ cho mục đích này chứ không phục vụ cho việc tuyển sinh ĐH. Sự tham gia của các trường ĐH, CĐ vào việc tổ chức kỳ thi không chỉ cần thiết, liên quan tới chất lượng đầu vào của chính các trường ĐH mà còn là trách nhiệm xã hội.

“Chúng ta phải tăng vai trò tham gia của các trường ĐH, CĐ không dừng lại ở phối hợp. Mỗi cán bộ, giảng viên được coi như cán bộ của Trung ương cử xuống địa phương để giám sát việc tổ chức kỳ thi. Kỳ thi tổ chức khách quan, trung thực sẽ là cơ sở để các trường ĐH, CĐ, được giao quyền tự chủ ngày càng cao, làm tham khảo, phục vụ cho công tác tuyển sinh…

Tổ chức kỳ thi không chỉ là việc của ngành giáo dục mà của toàn xã hội, từ các lực lượng tham giao bảo vệ an ninh, an toàn kỳ thi đến những tấm gương tình nguyện giúp đỡ học sinh, phụ huynh trong những ngày thi. Qua đó không chỉ giúp các thí sinh có được một kỳ thi tốt mà những hành động cao đẹp, cảm động cũng giúp nhân lên giá trị, đạo đức tốt đẹp trong cuộc sống”, Phó Thủ tướng nói.

Phan Thủy 
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động