Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 thêm 5,5%
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVới mức đề xuất tăng 5,5%, vùng 1 tăng lên 4,42 triệu đồng/tháng (tăng 240.000 đồng/tháng); vùng 2 lên 3,92 triệu đồng/tháng (tăng 210.000 đồng/tháng); vùng 3 lên 3,43 triệu đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng); vùng 4 lên 3,07 triệu đồng/tháng (tăng 150.000 đồng/tháng).
Theo ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, mức tăng 5,5% không những đáp ứng 100% mà còn vượt 0,3% mức sống tối thiểu theo đúng tinh thần của Nghị quyết 27 đề ra đến năm 2020 mức lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.
Trước đó tại phiên họp tháng 6-2019, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất 2 phương án. Phương án thứ nhất tăng 8%, tương ứng với mức tiền tăng từ 180.000 - 380.000 đồng tuỳ theo từng vùng lương. Phương án 2 đề xuất tăng từ 7,06%, tương ứng với mức từ 160.000 - 330.000 đồng, tùy từng vùng lương. Trong khi đó, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất tăng dưới 3%. Ngoài ra, phiên đàm phán cũng tiếp nhận ý kiến của bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương Quốc gia với đề xuất tăng 5,2%.
Khoảng cách giữa các bên đã dần được rút ngắn trong phiên đàm phán thứ 2 để đi đến thống nhất chung.
Khoảng cách giữa các bên đã dần được rút ngắn trong phiên đàm phán thứ 2 và đi đến thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 ở mức 5,5%. Ảnh: Lê Việt |
Phát biểu sau phiên họp Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Hoàng Quang Phòng cho biết, với mức tăng này sẽ đội chi phí của doanh nghiệp lên cao. Tuy nhiên việc thống nhất với đề xuất mức tăng nêu trên thể hiện sự chia sẻ của doanh nghiệp với những khó khăn của người lao động. “Doanh nghiệp phải nỗ lực rất nhiều trong thay đổi công nghệ, nâng cao tay nghề của người lao động, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh để tăng năng lực cạnh tranh”, ông Hoàng Quang Phòng cho biết.
Nhìn nhận việc tăng lương tối thiểu ít nhiều sẽ tạo ra những áp lực cho doanh nghiệp tuy nhiên theo ông Lê Đình Quảng, Phó ban quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tăng lương là động lực cho người lao động công hiến, tăng năng suất lao động và cuối cùng tạo nên sự tăng trưởng, phát triển cho doanh nghiệp.
Để đảm bảo cuộc sống cho người lao động, từ năm 2013 đến nay, hàng năm Bộ LĐ -TB&XH với vai trò là thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia đã phân tích, đánh giá thực tế, thương lượng, thống nhất phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và khuyến nghị với Chính phủ công bố mức điều chỉnh: năm 2014 tăng bình quân 15,2%; năm 2015 tăng bình quân 14,2%, năm 2016 tăng bình quân 12,4%; năm 2017 tăng bình quân 7,3%; năm 2018 tăng bình quân là 6,5%; năm 2019 tăng bình quân 5,3%.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại