"Choáng" với số lượng đối tượng tham gia đường dây làm giả GPLX
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác đối tượng trong đường dây làm giả GPLX tại cơ quan công an. |
Theo CATP Hà Nội, Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS), Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ thuộc CATP triệt phá các ổ nhóm làm giả tài liệu của các cơ quan, tổ chức.
Bước đầu, CATP Hà Nội đã ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và tạm giữ đối với 31 đối tượng để điều tra về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, quy định tại điều 341 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Các đối tượng cầm đầu được xác định là: Phạm Văn Vũ (SN 1997), Phạm Văn Sỹ (SN 1991), Nguyễn Văn Trình (SN 1991), Lưu Công Hữu (SN 2000), Phạm Văn Phong (SN 1996), Đỗ Văn Phúc (SN 1998), Lưu Công Chí (SN 1993), cùng trú tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.
Trước đó, ngày 29-3, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo CATP Hà Nội, Phòng CSHS đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của CATP đồng loạt triển khai 12 tổ công tác tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Nam Định tiến hành bắt giữ các đối tượng, khám xét tại 12 địa điểm.
Đến nay, CATP Hà Nội đã triệu tập, đưa về trụ sở tổng số 44 đối tượng có liên quan đến việc làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức như bằng lái xe máy, ô tô và hồ sơ kèm theo.
Tiến hành kiểm tra, khám xét tại nơi ở, các phòng thuê để đặt các thiết bị in ấn, sản xuất bằng lái xe giả, lực lượng chức năng đã tạm giữ được số đồ vật có liên quan gồm: gần 400 bộ hồ sơ giấy phép lái xe ôtô, xe máy (trong mỗi bộ có: giấy khám sức khỏe, kết quả thi sát hạch ...) và bằng lái ô tô, xe máy giả do các đối tượng vừa sản xuất chưa kịp chuyển đi cho khách hàng; 10.800 miếng nilon dán mặt trước và mặt sau của thẻ nhựa giấy phép lái xe; 04 tập tem tròn có in chữ “Tổng cục đường bộ Việt Nam ”; 7 máy in giấy màu; 4 máy in thẻ nhựa; 9 bộ máy tính cây và 1 laptop; 25 thùng giấy (bên trong có khoảng 50 nghìn phôi nhựa bằng lái xe máy giả); 3 máy ép, 1 máy cắt dập; 45 điện thoại di động các loại.
Theo điều tra, về phương thức thủ đoạn hoạt động, các đối tượng thường đăng quảng cáo việc làm bằng lái xe trên mạng Internet và qua mạng xã hội Zalo, Facebook. Sau đó, các đối tượng nói với khách hàng muốn làm bằng là có chỗ làm chui, khách hàng sẽ không phải đi học, đi thi. Nếu khách hàng đồng ý làm thì từ 5 đến 7 ngày sẽ có bằng (gồm bằng lái xe và bộ hồ sơ).
Khi có khách hàng đặt vấn đề, các đối tượng yêu cầu khách hàng cung cấp ảnh chứng minh thư, ảnh 3x4, số điện thoại, địa chỉ nhận hàng. Giá bằng lái xe máy từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng; giá bằng lái xe ôtô từ 2 triệu đến 6 triệu đồng tùy theo hạng bằng lái xe A1, A2, B1...
Bên cạnh đó, căn cứ tài liệu thu thập được và lời khai của các đối tượng, bước đầu cơ quan công an xác minh được các đối tượng thường tìm trên mạng Internet và mua được ổ cứng bên trong có chứa các file dữ liệu để in giấy tờ, bằng lái xe giả, con dấu ... của tất cả các tỉnh thành. Sau đó, các đối tượng mua máy tính, mua loại máy in màu, máy in thẻ nhựa, máy dập, cắt, máy ép nhiệt và mua thẻ nhựa cứng để in “phôi ” bằng lái xe giả. Sau khi in xong bằng lái xe và hồ sơ giả, các đối tượng đóng vào bì thư và chuyển phát nhanh qua đường bưu điện, các công ty chuyển phát.
Các đối tượng sẽ lên mạng Internet để tìm mua tài khoản ngân hàng mang tên người khác (tài khoản giả) để sử dụng và tìm mua ảnh chứng minh thư của người khác để tạo một “app giả”; để sử dụng nhận tiền từ bưu cục sau khi khách hàng trả tiền. Khi chuyển hồ sơ và bằng giả, các đối tượng sẽ thuê xe ôm mang hàng đến bưu cục đê nhân viên bưu cục lên đơn hàng và chuyển cho khách.
Sau khi khách hàng kiểm tra hàng và trả tiền cho nhân viên bưu tá, thì bưu cục sẽ tự chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng vào “app giả” đã tạo trước đó. Để phục vụ việc in bằng lái xe giả, các đối tượng thuê riêng các căn hộ ở chung cư để để đặt máy in và thường xuyên thay đổi địa điểm để tránh sự phát hiện.
CATP Hà Nội đang tiếp tục điều tra, làm rõ, đồng thời củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định pháp luật.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại