Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”: Từ bên kia chiến tuyến
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSự phản đối
Cuộc Hành quân Linebacker 2 nhằm vào các mục tiêu ở khu vực Hà Nội - Hải Phòng và lần đầu tiên được thực hiện bằng máy bay ném bom hạng nặng B.52 để buộc Bắc Việt Nam phải ký kết Hiệp định hòa bình Paris.
Chiến dịch hầu như hoàn toàn do Bộ chỉ huy không quân chiến lược Hoa Kỳ thực hiện là một thảm họa cho những người lái và phục vụ trên máy bay và là một tiền lệ nguy hiểm cho tương lai. Hậu quả của cuộc Hành quân Linebacker 2 là một số lớn máy bay B.52 bị bắn hạ một cách không cần thiết và những nhân viên lái và phục vụ trên máy bay này bị thương tật, chết hoặc bị bắt.
Cuộc leo thang bắn phá miền Bắc Việt Nam bắt đầu dữ dội từ ngày 18, nhưng đỉnh điểm là ngày 26-12, sau ngày nghỉ Giáng sinh (lễ Tạ ơn), như Ních-xơn thừa nhận, chính ông ta là người ra lệnh trận tấn công này với 116 lần xuất kích của B.52. Mỗi “con quái vật điện tử” B.52 với 8 máy phản lực, có thể mang theo khoảng 30 tấn bom mỗi chuyến, có thể ném bom từ độ cao 17.000m, thực sự là một sát thủ trong việc rải thảm các mục tiêu lớn.
Tuy nhiên, điều Ních-xơn nhận được là sự kiên cường chịu đựng của Hà Nội trong mưa bom bão đạn, là các con số thống kê thiệt hại B.52 tăng lên mỗi ngày, vượt ngưỡng 10% sức chịu đựng của Mỹ mà tướng Võ Nguyên Giáp đã tính toán và làn sóng phẫn nộ dâng cao trong lòng nước Mỹ.
New York Times, tờ báo chính trị-xã hội uy tín của Mỹ không ngần ngại dùng từ “khủng bố” trong trang xã luận của tờ báo nổi tiếng này: “Khi Tổng thống đưa máy bay B.52 đi đánh phá Hà Nội, ông đã không phải chỉ làm có việc thay đổi chiến thuật trong một cuộc chiến tranh không tuyên chiến, mà ông còn đặt ra một tiền lệ khủng khiếp. Ních-xơn đã sử dụng các công cụ khủng bố không phải để bảo vệ nước Mỹ hoặc lính Mỹ chống lại một cuộc chiến tranh, mà là để ép buộc đối phương phải chấp nhận những điều kiện của ông tại bàn thương lượng”.
Trong khi đó, nói với hãng tin Mỹ UPI ngày 1-1-1973, tướng Mỹ Tay-lơ mô tả: “Chúng tôi đã thấy cảnh tàn phá, đau thương và chết chóc với quy mô làm cho tất cả chúng tôi đau đớn và kinh hoàng không lời nào tả xiết. Chúng tôi đã thấy những bệnh viện, nhà cửa, khu dân cư bị tàn phá và san bằng, những ga xe lửa và sân bay bị phá hỏng”.
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Rô-bớt Clắc khẳng định: “Tôi tin rằng những cuộc ném bom này không nhằm đánh các mục tiêu quân sự mà nhằm trước hết hủy diệt dân thường”. 15 hạ nghị sỹ Mỹ tuyên bố với Tổng thống Ních-xơn: “Nếu ngài không thể hoặc không muốn đưa chúng tôi ra khỏi Việt Nam thì Quốc hội sẽ phải thi hành nghĩa vụ của mình để làm việc đó. Người ta không thể nói với nhân dân Mỹ và các đại diện của họ tại Quốc hội 2 tuần trước ngày bầu cử Tổng thống rằng: “Hòa bình ở trong tầm tay” rồi, sau đó 2 tháng lại nói rằng “Một hành động quân sự ồ ạt là cần thiết”.
Hạ nghị sỹ Mỹ, D.Ri-gân thẳng thừng: “Những ai ở đất nước này cảm thấy bị phản bội hãy tập hợp nhau lại để biểu thị bằng sự có mặt của chúng ta rằng, chúng ta không tha thứ sự lừa dối về chính trị ở Mỹ”. Phía Thượng viện, hàng loạt Thượng nghị sỹ đồng loạt lên tiếng về vấn đề này: Hơn bao giờ hết, giờ đây là trách nhiệm của cả hai Đảng trong quốc hội là dùng quyền lập pháp của mình để cắt hết kinh phí nhằm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Ních-xơn đã phát động một chiến dịch ném bom khủng bố chưa từng có xuống Hà Nội và Hải Phòng làm chết hàng trăm, thậm chí hàng nghìn dân thường Việt Nam. Thượng nghị sĩ Uy-li-am Sa-bê thì gọi những tuyên bố của Ních-xơn là “những lời biện bạch quanh co và lập luận giả dối”, gọi quyết định ném bom Hà Nội của Ních-xơn thể hiện “thái độ ngang ngược và vô trách nhiệm”. Còn thượng nghị sĩ Kai-dơ thì thẳng thừng: “Nếu cuộc ném bom vẫn tiếp diễn thì Quốc hội, trong phiên họp ngày 3-1-1973 sẽ có nghĩa vụ phải làm cho sự dính líu của Mỹ phải hoàn toàn chấm dứt, nếu cần thiết thì bằng cách cắt hết ngân sách dành cho cuộc chiến tranh này”.
Người dân Mỹ phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam mà đỉnh cao là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. |
Lời thú tội…
Không chỉ dư luận Mỹ, không chỉ giới chính trị gia Mỹ mà ngay từ Hà Nội, 30 phi công Mỹ bị bắt giữ khi tham gia tấn công tháng 12-1972 cũng khẩn thiết bày tỏ: “Chúng tôi kêu gọi mạnh mẽ các nghị sỹ Quốc hội sử dụng mọi quyền lực hợp pháp và tinh thần để đem lại hòa bình. Chúng tôi hiểu rằng chiến tranh kéo dài chỉ làm tăng thêm nỗi đau khổ, kéo dài sự giam cầm của chúng tôi và tăng thêm những tổn thất của nước Mỹ”.
Thiếu tá hoa tiêu Phéc-nan-đơ Aléc-xan-đơ, người Mỹ gốc Mexico đã bộc lộ rõ cá tính của mình qua lời phát biểu với báo chí ngay sau khi thực hiện nhiệm vụ đánh phá miền Bắc Việt Nam vào ngày 18-12-1972: Mọi sự tính toán của chúng tôi đã bị đảo lộn hết. Cấp chỉ huy và các kỹ sư điện tử của chúng tôi đã khẳng định như đang nắm trái ngọt trong tay: “Phương án bay và tất cả các máy điện tử đủ loại này rất tuyệt vời. Không một loại tên lửa và máy bay MIG của miền Bắc Việt Nam có thể bắn, bắt được B.52 của ta khi nhiễu điện tử đã phủ kín nó. Tin thế và khi gần đến vùng trời miền Bắc Việt Nam, tôi đã mở tất cả các máy điện tử và làm việc rất khẩn trương, đúng quy trình. Vậy mà đối phương đã không bị “bịt mù mắt” như tôi đã tin…”.
Khác với Phéc-nan-đơ bị bắt sống ngay đêm đầu tiên 18-12, Giêm Giôn-đơn, thiếu tá hoa tiêu bị bắt đêm 27-12 tại Hà Bắc “thấm đòn” ngay khi đang ở căn cứ nên đã mô tả tình hình nội bộ khá chi tiết với các cán bộ quân báo của ta: “Sân bay An-đơ-xơn ở đảo Guam là căn cứ chính của tập đoàn không quân số 8 thuộc Bộ Chỉ huy không quân chiến lược. Tập đoàn này do tướng không quân Gê-rôn Giôn-xơn chỉ huy.
Từ đêm 18-12-1972, chúng tôi đã rất ngạc nhiên vì phải đi ném bom vùng châu thổ Bắc Việt Nam. Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ. Ai cũng lo, vì được biết vùng đó được bảo vệ rất mạnh. Chúng tôi được biết ngay từ chuyến đầu tiên bay vào Hà Nội, nhiều máy bay B.52 bị bắn rơi không trở về căn cứ. Trước hôm tham gia chuyến bay cuối cùng trên một vài tờ báo của quân đội Mỹ có đưa tin một số máy bay B.52 đã bị bắn rơi từ đêm 18 đến 24-12. Chuyến bay nào cũng có máy bay không trở về.
Thật đáng sợ! Bao trùm căn cứ An-đơ-xơn là không khí căng thẳng. Không nói to, không cười đùa, không chạm cốc. Đó là ba điều vốn rất quen thuộc của căn cứ. Ai nấy đều lo lắng và sự lo lắng, căng thẳng này đã tăng lên từng ngày một…”.
Không chỉ các phi công Mỹ bị bắn rơi và bị bắt sống, những phi công đã may mắn không cùng số phận đó, cũng nhớ mãi cảnh tượng hãi hùng trong 12 ngày đêm này qua hồi ký của mình, như đại úy lái chính Đơ-ren Cao-xki đã viết trên tạp chí Quân lực Hoa Kỳ tháng 7-1977: “Chiếc máy bay B.52 mang mật danh “Char Coal” (Than củi) dẫn đầu tốp 9 chiếc B.52 của tôi đã bị trúng đạn tên lửa ngay khi rẽ ngoặt khỏi khu vực được báo hiệu là có “nguy cơ hiểm họa”.
Thân máy bay bốc cháy như một dàn hỏa thiêu làm sáng rực cả một khoảng trời. Thật hãi hùng! Tôi cứ nơm nớp lo sợ mỗi lần bước lên máy bay để bay đến Hà Nội. Cứ nghĩ đến hình ảnh chiếc Char Coal bị thiêu cháy ấy, nghĩ đến hình ảnh các bạn tôi đã phải ngồi gục đầu trước cuộc họp báo quốc tế ở Hà Nội chiều ngày 19-12. Tôi thấy mình thật may mắn. Còn nhiều bạn đã lo lắng như tôi và rồi họ đã không tránh khỏi cảnh ngộ đó. Có nhiều phi công còn tan xác cùng máy bay…”.
Với đại úy phi công Uôn-phơ không chỉ kể lại nỗi lo sợ như thế mà còn tỏ rõ chính kiến của mình về chủ định cuộc tập kích này: “Lần đâu tiên lực lượng B.52 được sử dụng đúng như vai trò chiến lược mà người ta đã quy định cho nó. Rất tiếc là “cú sút ồ ạt” ấy đã không mang lại kết quả mong muốn, dù tính toán trên các khía cạnh chính trị hay là về mặt kinh doanh. Người Mỹ đã phạm sai lầm nghiêm trọng là đoán sai phản ứng của Bắc Việt Nam, tưởng rằng Bắc Việt Nam cũng tính toán một cách máy móc và quản lý cách mạng như Mc-Namara quản lý Lầu Năm Góc. Mỹ tưởng rằng, ý chí thống nhất đất nước Việt Nam của họ có thể bị rã rời khi sự tàn phá và đau khổ tăng lên tới một mức độ nào chứ không nhận thấy sự thống nhất đất nước có một giá trị tuyệt đối đối với Hà Nội”.
Có thể thấy rằng mỗi người Mỹ một vẻ thể hiện sự thấm thía sau trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Việt Nam vào năm 1972, nhưng có lẽ sâu sắc và khái quát hơn cả là câu nói của một nhà văn Mỹ: “Thắng lợi của Việt Nam là một ví dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc…”. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại