Chia sẻ của Nhà văn Bùi Ngọc Phúc về tiểu thuyết “Hồn trinh nữ”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhà văn Bùi Ngọc Phúc – tác giả của nhiều cuốn sách “hot” đang được đông đảo bạn đọc “săn lùng” |
- Cuốn tiểu thuyết “Hồn trinh nữ” mới xuất bản với “màu sắc” văn chương mới. Xin anh cho biết, ý tưởng nào dẫn dắt anh viết cuốn tiểu thuyết ?
- Bắt nguồn từ thực trạng có rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ thờ ơ, thậm chí quay lưng lại với môn lịch sử, tôi mong muốn, bằng tình yêu văn học, các bạn trẻ sẽ đọc và hiểu rõ hơn về lịch sử của đất nước. Từ đó hiểu rằng, để có được giang sơn gấm vóc như ngày hôm nay, các thế hệ tiền nhân đã phải hy sinh thân mình như thế nào.
Tuy nhiên, nếu chỉ chú tâm đến dòng sự kiện, chắc chắn tiểu thuyết “Hồn trinh nữ” chỉ phản ánh lịch sử một cách khô khan và không đủ sức hấp dẫn. Do vậy, tôi kết hợp thêm yếu tố tâm linh để tạo sự lôi cuốn đối với độc giả.
- Được biết, trong quá trình viết, nội dung cuốn sách đã được anh đưa lên Fanpage cá nhân. Vậy anh đã nhận phản hồi như thế nào từ bạn đọc?
Trước hết, phải nói ngay, đề tài lịch sử thường kén người đọc, bởi thế nhiều tác phẩm có hơi hướng lịch sử ít được độc giả đón nhận. Trong khi đó, lịch sử là mỏ vàng về tư liệu cần người viết khai thác và truyền tải. Khi những phần đầu tiên được đăng công khai phục vụ bạn đọc, sự đón nhận một cách hồ hởi khiến tôi có động lực viết tiếp các phần sau. Hầu hết bạn đọc có chung nhận xét, học lịch sử qua tác phẩm văn học có sự thú vị riêng, do tác phẩm không đóng khung trong các sự kiện, ngày tháng khô khan.
Dù phản ánh trung thực những giai đoạn gian khó khăn của đất nước, nhưng yếu tố tâm linh và chút liêu trai khiến cho tác phẩm “Hồn trinh nữ” mang màu sắc riêng, nó đủ sức hấp dẫn khiến cho độc giả đọc không bỏ sót từ nào, nhiều người cảm giác như biết thêm được lịch sử hào hùng của dân tộc qua những tấm gương trung nghĩa đã vị quốc vong thân.
- Từ lâu nay, bạn đọc biết anh sở trường viết dòng văn học hiện thực và trào phúng. Các tác phẩm đã xuất bản của anh đã tạo dấu ấn trong lòng nhiều bạn đọc. Khi viết thể loại truyện đề tài lịch sử pha “màu sắc” liêu trai, anh có gặp khó khăn gì không?
“Hồn trinh nữ” là cuốn tiểu thuyết thuộc thể loại lịch sử kết hợp với tâm linh được viết theo lối vừa hư vừa thực. Bằng việc kết hợp những sự kiện và các nhân vật lịch sử có thật, tác giả tái hiện dòng chảy lịch sử suốt chặng đường hơn 200 năm từ thời Vua Lê, Chúa Trịnh cho đến thời hiện đại bây giờ. Cuộc tranh giành kho báu giữa các dòng họ trong truyện phản ánh lòng tham vô độ của con người, qua đó vạch trần mọi âm mưu thủ đoạn, thậm chí là tàn khốc để đạt được mục đích của mình.
Cốt truyện xoay quay dòng họ Lã, họ Vương và họ Phạm, sự thăng trầm của mỗi dòng họ đều gắn liền với từng giai đoạn thịnh suy của đất nước, mọi việc làm dù không người nào biết, nhưng đều có trời biết, đất biết và chịu sự nhân quả báo ứng. Dù sở trường viết dòng hiện thực và trào phúng, nhưng tôi là người yêu thích lịch sử của nước nhà, do vậy, không gặp khó khăn khi triển khai ý tưởng.
- Xin anh cho biết về dấu ấn đặc sắc của tiểu thuyết “Hồn trinh nữ”
Đọc xong bảy chương của cuốn tiểu thuyết “Hồn trinh nữ”, chắc chắn người đọc sẽ có cảm giác vừa hư vừa thực, bởi đó là điểm nhấn làm nên sự khác biệt của tác phẩm, cuốn tiểu thuyết có nhiều dữ liệu lịch sử chân thực, nhưng bên cạnh đó lại có những đoạn mang tính tâm linh, sự kết hợp giữa lịch sử và tâm linh, nó chính là chất keo gắn kết độc giả cùng tác phẩm.
- Thông điệp mà anh muốn gửi đến bạn đọc từ cuốn tiểu thuyết “Hồn trinh nữ” là gì?
Xuyên suốt 320 trang của cuốn tiểu thuyết, tôi muốn phơi bày sự tham lam cũng như các âm mưu đen tối của những kẻ có dã tâm, tất cả đều phải nhận lấy những kết cục không mấy tốt đẹp, điều này được dân gian đúc kết bằng câu “quả báo nhỡn tiền”. Hai câu thơ dùng thay cho lời kết của tác phẩm chính là lời gửi gắm đối với những người còn vướng bận vào tham, sân, si: “ Nhân sinh như giấc mộng dài/ Tỉnh mộng mọi thứ hóa hư không…”
Cảm ơn Nhà văn Bùi Ngọc Phúc vì cuộc trao đổi thú vị. Chúc anh luôn mạnh khỏe, nhiều ý tưởng sáng tác để gửi đến bạn đọc thêm nhiều tác phẩm đặc sắc hơn nữa.
Các tác phẩm đã xuất bản của Nhà văn Bùi Ngọc Phúc: - Miếu thành hoàng (2013). - Những hèm phố Sài Gòn (2015) - Hồn quê trong phố tập 1 (2019) - Gái zalo (2020) - Lộc vương cửa thánh (2020) - Hồn quê trong phố tập 2 (2021) - Đóa hoa vô thường (2021) - Hồn trinh nữ (2021) |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại