Trăng thượng huyền – tác phẩm đặc sắc của Nhà văn Bùi Ngọc Phúc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhà văn Bùi Ngọc Phúc – tác giả tập truyện “Trăng thượng huyền” |
Cuốn sách “Trăng thượng huyền” gây ấn tượng với bạn đọc ngay từ bìa sách với hình ảnh nhũ vàng dập nổi trên nền sách màu chàm. Được biết, chính tác giả là người tự thiết kế bìa sách của mình. Nhà văn Bùi Ngọc Phúc chia sẻ: “Hồi còn là sinh viên trường MTCN Hà Nội, tôi thường ghé bảo tàng Mĩ thuật để ngắm những tác phẩm hội họa tiêu biểu của nước nhà. Khi bắt tay vào thiết kế bìa cho cuốn “Trăng thượng huyền”, tôi đã lấy cảm hứng từ tác phẩm “Nhớ một chiều Tây Bắc” của họa sĩ Phan Kế An sáng tác năm 1955. Đương nhiên, ngôn ngữ đồ họa thiết kế mang tính khái quát và có chút khác biệt với ngôn ngữ hội họa. Bản thân màu bìa cũng gợi nhớ đến màu chàm quen thuộc, sắc màu truyền thống từ thiên nhiên được đồng bào dân tộc ưa sử dụng để nhuộm vải may quần áo”.
Trong truyện “Trăng thượng huyền” (được chọn làm tên cuốn sách), mỗi nhân vật đều có xuất thân, cuộc sống khác nhau, nhưng họ đã gặp nhau như sự sắp đặt của số phận. Nhân vật Mẩy dù chịu nhiều tai ương vẫn hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Khát vọng về cuộc sống bình dị dưới mái ấm gia đình khiến cho Mẩy nung nấu ý định thoát khỏi những xiềng xích vô hình lẫn hữu hình của cha con lão Thuần chột.
Tiếc một điều, khi Mẩy chạm tay được vào giấc mơ hạnh phúc, cô hiểu rằng, mình sẽ phải trả giá cho những việc đã làm, có lẽ chỉ ánh trăng thượng huyền nơi núi rừng Tây Bắc mới thấu tỏ nỗi lòng và sự khát khao của cô. Đối lập với Mẩy, cha con lão Thuần “chột” tự chọn việc ngụp lặn trong tội lỗi làm lẽ sống. Chính vì thế, kết cục bi thảm của lão Thuần “chột” cùng bản án nghiêm khắc của pháp luật dành cho nhân vật Khá là điều không tránh khỏi.
Bìa cuốn sách “Trăng thượng huyền” được chính tác giả Bùi Ngọc Phúc thiết kế |
Cùng mạch truyện về vùng cao, tác giả gửi đến bạn đọc truyện “Ngược sáng” với những mảnh đời bị cuốn vào cuộc chiến tình, tiền để rồi họ bước qua ranh giới thiện và ác. Vì muốn có thật nhiều tiền, lão Thuận “quan lang”, Hiền “mẹ cả” sẵn sàng buôn hàng quốc cấm bất chấp hậu quả cũng như gieo rắc sự đau khổ cho nhiều gia đình, giúp sức cho những việc làm phi pháp đó phải kể đến Lộc “thổ phỉ” và những kẻ biến chất khác. Tuy nhiên, một khi tay đã nhúng chàm, con đường hoàn lương đâu còn bằng phẳng, vòng xoáy tình, tiền giúp họ có tất cả, nhưng trong phút chốc lại mất sạch mọi thứ. Sự tỉnh ngộ nếu có được cũng là khi họ phải tra tay vào còng số 8, lúc này hối hận thì mọi việc đã muộn màng.
Ở chiều ngược lại, vợ chồng Hà, Liên đã không vượt qua được cám dỗ, họ tự biến mình thành kẻ tiếp tay cho tội lỗi khiến gia đình tan nát. Khi đối diện với sự phán xét nghiêm minh của pháp luật, sự dằn vặt lương tâm hay những giọt nước mắt đầy ân hận và xót xa không xóa nhòa được tội lỗi. Cái chết của những kẻ gây bao tội ác, xét cho cùng chính là điều họ tự chuốc lấy.
Thông điệp xuyên suốt trong tập truyện “Trăng thượng huyền” chính là triết lý nhân sinh về nhân quả báo ứng. Gieo nhân nào ắt sẽ gặt quả đó, mọi việc thiện lành hay tội ác đều có hồi quang phản chiếu. Chúc mừng tác giả Bùi Ngọc Phúc đã gửi đến bạn đọc thêm một tác phẩm đặc sắc với dấu ấn riêng trong bút pháp của anh.
Các tác phẩm đã xuất bản của Nhà văn Bùi Ngọc Phúc: - Miếu thành hoàng (2013). - Những hẻm phố Sài Gòn (2015) - Hồn quê trong phố tập 1 (2019) - Gái zalo (2020) - Lộc vương cửa thánh (2020) - Hồn quê trong phố tập 2 (2021) - Hồn trinh nữ (2021) - Đóa hoa vô thường (2022) |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại