Chủ nhật 05/05/2024 18:10

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội tăng 10 bậc

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Sáng 3-7, báo cáo tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hà Nội khóa XV, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trong 6 tháng nỗ lực của TP đã có kết quả rõ nét: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của Hà Nội tăng 10 bậc so với năm 2015, cao nhất từ trước tới nay. Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) xếp thứ 3 cả nước và tăng 6 bậc so với năm 2015.

Tốc độ kinh tế tăng trưởng đạt khá

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội về tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy, kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội 6 tháng đầu năm 2017 ước tăng 7,37% (cùng kỳ năm 2016 tăng 7,34%), trong đó dịch vụ tăng 7,42%; công nghiệp-xây dựng tăng 7,55%; nông nghiệp tăng 2,25%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,42%.

Trong 6 tháng đầu năm 2017 Hà Nội đã đón 11.850.888 lượt khách, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 2.332.506 lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước (khách du lịch quốc tế đến có lưu trú ước đạt 1.666.076 lượt khách, tăng 12% so với cùng kỳ); khách du lịch nội địa ước đạt 9.518.382 lượt khách, tăng 6% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 35.262 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2017 ước thực hiện là 102.490 tỷ đồng, đạt 50,1% dự toán (tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016); Chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm ước thực hiện là 26.883 tỷ đồng, đạt 34,4% dự toán (tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2016). TP đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chi ngân sách các cấp; quản lý, điều hành chi ngân sách bám sát dự toán được HĐND TP giao, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm.

Đồng thời, TP là đơn vị đầu tiên của cả nước triển khai thực hiện mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung với danh mục 13 loại tài sản, dịch vụ. Rà soát xe ô tô phục vụ công tác tại các Sở, ngành và xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, quy chế quản lý, sử dụng xe công tại các Sở, ngành, quận, huyện. Triển khai thí điểm phương án thực hiện khoán xe công tại 8 cơ quan, đơn vị của TP. Rà soát, ban hành, danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN của TP đối với 9 lĩnh vực theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.

Công tác thu hút vốn đầu tư phát triển tiếp tục được đẩy mạnh. TP đã thực hiện tích cực, đồng bộ các giải pháp thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Kết quả, vốn đăng ký ngoài ngân sách Nhà nước ước đạt 190.922 tỷ đồng, tăng 74,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Khó khăn trong sản xuất kinh doanh được quan tâm tháo gỡ; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký kinh doanh, kê khai thuế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong lĩnh vực này. Tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 70%, tỷ lệ DN kê khai thuế điện tử đạt 98,04%; tỷ lệ DN sử dụng 10 lao động trở lên thực hiện giao dịch điện tử đạt 96,02%.

“Nỗ lực của TP đã có kết quả rõ nét: Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của Hà Nội đạt 60,74 điểm (tăng 1,74 điểm), xếp ở vị trí thứ 14/63, tăng 10 bậc so với năm 2015, cao nhất từ trước tới nay. Năm 2016 là năm thứ 4 liên tiếp chỉ số PCI của Hà Nội tăng hạng, cũng là năm đầu tiên Hà Nội bước vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt (vượt ngưỡng 60 điểm). Chỉ số CCHC (PAR Index) xếp thứ 3 cả nước và tăng 6 bậc so với năm 2015”, ông Toản nhấn mạnh.

ong Toan
Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP: Hà Nội xếp thứ 2 về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT. Ảnh: NH T.A

Dịch vụ công trực tuyến: Hơn 90% hồ sơ giao dịch qua mạng

Trong thời gian qua, công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước được triển khai đồng bộ. TP đã hoàn thành thí điểm số hóa dữ liệu hộ tịch tại quận Long Biên để làm cơ sở triển khai diện rộng trong năm 2017. Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đến 168 phường, 12 quận và 10 sở.

Đến nay, 46/96 dịch vụ công đã đưa vào vận hành chính thức; 35/96 dịch vụ công vận hành thử nghiệm và đang tiếp tục hoàn thiện các dịch vụ công còn lại để triển khai trong năm 2017. Thí điểm 2 dịch vụ công trực tuyến mức 4 thực hiện trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích của Bưu điện Hà Nội. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến hiện nay đã có 4.681 cán bộ được cấp tài khoản tham gia, có gần 5 triệu lượt truy cập, tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng là 82.580 hồ sơ/91.798 hồ sơ (đạt trên 90%).

Việc ứng dụng CNTT trong giáo dục được đẩy mạnh. Triển khai hệ thống sổ điểm điện tử, học bạ điện tử cho 2.753 trường, cập nhật được 1,7 triệu học sinh, cấp hơn 70.000 tài khoản cho cho người sử dụng và đã có trên 18 triệu lượt truy cập hệ thống. Thực hiện tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lóp 1, lớp 6 năm học 2017-2018.

Bên cạnh đó, TP cũng thí điểm thành công ứng dụng giao thông thông minh, tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua ĐTDĐ (iParking) trên 2 tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm với 17 điểm đỗ, sức chứa 248 xe; Đã hoàn thành xây dựng, cung cấp thông tin về hệ thông quan trắc môi trường không khí tại 10 điếm, hệ thống quan trắc chất lượng nước Hồ Tây, hệ thống quan trắc lượng mưa và bản đồ úng ngập trên cổng Giao tiếp điện tử TP. Triển khai mô hình Trung tâm giám sát, điều hành CNTT của TP Hà Nội, xây dựng và triển khai hệ thống Giao thông thông minh, du lịch thông minh và các ứng dụng trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Công tác đảm bảo an toàn thông tin tiếp tục được quan tâm. Các hoạt động trao đối, hợp tác với các Tập đoàn CNTT hàng đầu trên thế giới và trong nước được đẩy mạnh.

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và truyền thông, Hội Tin học Việt Nam, năm 2016, Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, TP về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-truyền thông (tăng 1 bậc so với năm 2015); nằm trong top đầu về các chỉ số như: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ; Trang/Cổng thông tin điện tử; số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT; Nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT.

TP thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng. Chuẩn bị tốt Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày thương binh-liệt sĩ và đề án Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ cấp quốc gia; Hội nghị biếu dương người có công tiêu biểu, các tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công và làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Hoàn thành kế hoạch hỗ trợ xây đựng nhà cho người có công với cách mạng (7.566 hộ)…

Tổ chức rà soát, thống kê số lượng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật sử dụng xe 3 bánh tự chế tham gia giao thông; xây dựng chính sách hỗ trợ thương, bệnh binh, người khuyết tật đảm bảo cuộc sống, thay cho việc sử dụng xe 3 bánh làm công cụ kinh doanh. Giải quyết chế độ ưu đãi người có công cho 12.900 trường hợp.

Công tác CCHC tiếp tục được xác định là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, khâu đột phá, được tổ chức, triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các nội dung tại các cơ quan, đơn vị, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo sự đột phá về kỷ luật, kỷ cương hành chính, hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ. Kết quả chỉ số CCHC của TP năm 2016 xếp thứ 3/63 (tăng 6 bậc so với năm 2015).

Cải cách thể chế và cải cách TTHC tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện hết mức cho DN, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ đầu tư; đồng thời cải thiện mức độ hài lòng của người dân và DN trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công. Các đoàn kiểm tra công vụ đã kịp thời chấn chỉnh lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan hành chính Nhà nước.

TP đã ban hành Quyết định công bố TTHC (mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ) thuộc các ngành, lĩnh vực: Y tế, xây dựng, quy hoạch, công thương, tài nguyên và môi trường, du lịch, giáo dục, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tính đến nay, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc TP là 1.840. Tiếp tục triển khai quy định thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức tại các cơ quan hành chính Nhà nước, 100% các cơ quan, đơn vị có TTHC giao dịch với tổ chức và công dân đã xây dựng và ban hành quy trình giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa; thực hiện tốt các nội dung quy định về công khai (TTHC, thời gian làm việc, kết quả giải quyết, kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị...). Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn toàn TP là 99,86%.

“Năm kỷ cương hành chính 2017” có chuyển biến rõ nét; Quản lý đô thị có nhiều tiến bộ, chỉnh trang đường phố được đổi mới, vi phạm về lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện trái phép giảm rõ rệt, vệ sinh môi trường được duy trì; xây dựng nông thôn mới tiếp tục triển khai tích cực; an ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo, đối ngoại được mở rộng…, ông Nguyễn Doãn Toản nhận định.

Sáng ngày 3-7, kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã chính thức khai mạc. Theo chương trình, kỳ họp sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 5-7. Tại kỳ họp này, HĐND TP xem xét, thảo luận về 19 báo cáo thường kỳ thuộc nhiều lĩnh vực công tác, thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017 như: Tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; thực hiện dự toán thu, chi ngân sách; công tác phòng chống tham nhũng; tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tình hình, kết quả đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất…
HĐND TP cũng dự kiến xem xét thông qua 12 NQ, trong đó có nhiều nghị quyết quan trọng như: NQ thông qua Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030"; NQ về biện pháp xử lý các công trình không đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy được đưa vào sử dụng trước khi có Luật Phòng cháy, chữa cháy; NQ về kết quả giám sát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn Hà Nội.
Phiên chất vấn tại kỳ họp sẽ diễn ra vào ngày 5-7. HĐND TP sẽ dành trọn một ngày để tái chất vấn việc thực hiện các kết luận của Chủ tọa tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 3 HĐND TP; tiếp tục chất vấn đối với UBND TP và các cơ quan liên quan, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, bức xúc nổi cộm đang được cử tri, nhân dân Thủ đô và dư luận quan tâm.

Thịnh An / PL&XH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động