Chi pu- Làm sao để "Cho ta gần nhau hơn"?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMV được nhận định có sự tiến bộ hơn MV trước song lượng like và dislike vẫn ngang ngửa.
Tranh cãi về việc một hot girl có thể đi hát không chưa hề nguội lạnh, chưa kể, việc làm MV hoàn toàn xu hướng Hàn có vẻ cũng “không ăn thua”, vì khán giả đang thích những gì “độc, rất Việt” hơn xu hướng “vay mượn” đã qua từ vài năm trước.
Ngay khi “tung” teaser cho MV “Cho ta gần hơn”, Chi Pu đã nhận “gạch đá” do “dư chấn” bởi lần ra mắt MV đầu tiên “Từ hôm nay” có giọng hát quá… tệ.
Như biết được hạn chế về chất giọng, MV nào của Chi Pu cũng chú ý chỉn chu cho phần hình ảnh: Rất bắt mắt, màu sắc và… hiện đại.
Sự bắt mắt ấy không chỉ vì Chi Pu xinh đẹp sẵn mà cô thực hiện MV với sự hậu thuẫn của cả một ê-kíp của Hàn Quốc. Đó là bộ đôi producer Krazy Park và Eddy S Park đảm nhận hoàn toàn khâu sáng tác và sản xuất cho sản phẩm.
Cũng vì thế, xu hướng MV của Chi Pu không khác một sản phẩm của ca sĩ, nhóm nhạc Hàn Quốc là bao, dù rằng tất nhiên, ca sĩ Hàn Quốc họ hát hay hơn hot girl trong nước. Thậm chí, cả nam diễn viên đóng cùng Chi Pu cũng là một hot boy… Hàn Quốc.
MV mới của Chi Pu tiếp tục nhận “gạch đá”, dù được xây dựng theo hướng hiện đại, rất giống các MV của Hàn Quốc. ẢNH: CHI PU OFFICIAL |
MV “Cho ta gần hơn” mới ra mắt cho thấy: Âm nhạc và hình ảnh kết hợp đã có sự ăn ý, tạo dựng nên hình ảnh của một Chi Pu giải trí khá “hot trend”.
Lời ca khúc “Cho ta gần hơn” thực ra không quá khó hiểu khi nói về một chuyện tình yêu đã có kết thúc tốt đẹp là một đám cưới, là những năm tháng đầu tiên trong hôn nhân, ai cũng vẫn có thể sống trong mộng mơ pha chút “trái tính, trái nết” của những cá thể khác biệt cùng chung một nhà. Cuộc sống ấy, hiểu đơn giản là: Biết ra sao ngày sau, nhưng hãy cứ yêu và sống vì... yêu.
Tuy nhiên, với khả năng thanh nhạc của mình, Chi Pu lúc hát giọng thật, lúc hát giọng giả thanh và có những câu hát nghe không rõ, chưa kể ca từ của ca khúc được trình bày ở cả lời Việt và Anh pha trộn, đan xen nên khiến người nghe có thể... không hiểu lắm cô muốn bày tỏ thông điệp gì qua tác phẩm. Riêng lời Việt được viết bởi Trang Pháp và đây cũng là chi tiết được “soi” ngang với giọng hát của Chi Pu thời điểm này.
Có người xem đã thẳng thắn nhận định về sản phẩm mới của Chi Pu rằng: “Đừng để Trang Pháp viết lời bài hát nữa. Nhạc ổn, hình ảnh có đầu tư, giọng cũng không đến nỗi ghê rợn nghe không được. Vấn đề xuất phát từ phần lời mà ra. Mấy bài của Trang Pháp viết lời một là không nghe được, hai là nghe được mà không hiểu gì. Làm hư hết cả bài hát”.
Điểm chấm tích cực duy nhất của MV là phần hình ảnh – rất giống Hàn Quốc. Nhưng suy cho cùng đây cũng không phải là xu hướng gì mới mẻ cả vì kiểu MV đậm chất Hàn Quốc của ca sĩ Việt đã bắt đầu từ vài năm trước với những cái tên khá nổi bật như: Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, nhóm Lip B, Bảo Thy… và điều đáng nói là xu hướng này đã dần nguội lạnh đối với khán giả thích nhạc Việt.
Vì vài lý do như sau: Ngay cả ở Hàn Quốc, các ca sĩ, nhóm nhạc cũng phải chật vật để tạo ra “một cái gì rất mới, rất riêng” khi nền âm nhạc nước này đang rơi vào trạng thái: Mọi thứ giống nhau. Nhiều ban nhóm, nhiều phong cách nhưng chung chung là: Vũ đạo, rap, cách kết hợp bài hit, họ đang tạo ra quá nhiều MV giống nhau, nên phải tự đổi mới mình.
Các ca sĩ trong nước hiện nay đang có xu hướng làm MV thật giàu tính “gợi nhớ”, theo hướng là thứ cảm xúc “thân quen” mà khán giả cảm thấy gần gũi. Điển hình là hiện tượng “Em gái mưa” của Hương Tràm.
Cách kể chuyện, dựng MV không mới, nhưng gần gũi với nhiều người, nên được đón nhận nồng nhiệt, thậm chí, đoạn lời hát mở đầu mà Hương Tràm sử dụng mang tên “Tình đơn phương” của Đan Trường còn được khán giả “lục” lại để xem sau khoảng 20 năm im ắng. Đó là tâm lý thích những điều gần gũi, giản dị, hợp văn hóa khán giả trong nước, gợi nhớ ký ức về thời gian xưa cũ.
Đó cũng là nguyên nhân mà MV “Đừng hỏi em” của Mỹ Tâm gây sốt ngay từ khi mới ra mắt và đến nay chưa hạ nhiệt. MV này Mỹ Tâm gây ấn tượng bởi sự mộc mạc, câu chuyện xưa giản dị, nhiều xúc động về tình yêu.
Hoặc phải là một xu hướng độc, những vẫn pha trộn vào đó những nét văn hóa riêng Việt như: Trúc Nhân với “Người ta nói” hay “Ngồi hát đỡ buồn”, hoặc chạy một MV lyric (MV chỉ có lời bài hát) hoàn toàn tập trung vào giọng hát kiểu chất chứa cảm xúc như Soobin Hoàng Sơn với “Phía sau một cô gái” hay “Xin đừng lặng im”.
Âm nhạc bao giờ cũng có thời điểm nhất định, khi người nghe còn xô bồ, quay cuồng trong các xu hướng (thường ở những quốc gia mà thị hiếu âm nhạc cũng như nền âm nhạc chưa mấy phát triển), người ta dễ chấp nhận những giá trị “vay mượn”, thiếu thẩm mỹ và lẫn lộn giá trị.
Nhưng đến một lúc nào đó, khi thị hiếu nghe được nâng tầm, mỗi khán giả biết chắt lọc gu riêng (thường ở những nền âm nhạc phát triển) thì khán giả sẽ phân tầng và sàng lọc cao hơn. Nghĩa là họ có xu hướng đòi hỏi âm nhạc không chỉ là giọng hát, còn thông điệp, còn dấu ấn ca sĩ, còn cảm xúc đồng điệu và giá trị văn hóa sau sản phẩm ấy nữa.
Chi Pu đi hát, khoan bàn tới chuyện hát hay hay không, vì đó tùy cảm nhận của mỗi người. Việc cô đầu tư một sản phẩm âm nhạc chỉn chu về hình ảnh là rất đáng khích lệ, nhưng đầu tư tiền cho một xu hướng giống Hàn đã qua thời được ưa chuộng thì cũng nên xem lại. Đó là sự thiếu ý tưởng hay vì đón đầu thị hiếu chưa chuẩn?
Thực ra, với âm nhạc Việt, ai xưng danh ca sĩ cũng “dễ” cả, cứ hát vài bài, ra một, hai MV là thành ca sĩ hết. Nhưng để làm ca sĩ được khán giả yêu mến lại rất khó. Không phải cứ làm cho giống một ai đó mà thành ca sĩ được.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại