Chi cục trưởng Chi cục Dân số say xỉn, túm cổ áo CSGT: Kiến nghị xử lý hình sự để tạo tính răn đe
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgày 21-1, đại diện UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, lãnh đạo tỉnh đã nắm được thông tin về sự việc ông Lại Quốc Đạt, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang) điều khiển xe ô tô BKS 22A - 059.88 trong tình trạng say xỉn và có hành vi cản trở, túm cổ áo CSGT. Các cơ quan chức năng đã và đang xác minh làm rõ, xử lý các hành vi vi phạm của ông Đạt.
Trước đó, UBND tỉnh đã có chỉ thị yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm quy định không uống rượu, bia, đồ uống có cồn khác trong giờ làm việc; không uống rượu, bia, đồ uống có cồn khác ngoài giờ làm việc nhưng làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ trong giờ làm việc. Các hội nghị khi tổ chức bữa ăn trưa của ngày làm việc không sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác.
Hình ảnh ông Lại Quốc Đạt túm cổ áo CSGT |
Cũng liên quan đến vụ việc này, đại diện Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang cho biết thêm, Sở đã có báo cáo đến Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các cơ quan và quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang là sẽ xử lý nghiêm cả về mặt Đảng và chính quyền. Lãnh đạo Sở cho hay, đang chờ kết luận chính thức về vụ việc của CQCA để đưa ra hình thức kỷ luật, xử lý đúng quy định hiện hành của Đảng và pháp luật.
Trước đó, khoảng 14g ngày 11-1, phát hiện xe ôtô nhãn hiệu Toyota Prado BKS 22A - 059.88 phóng nhanh, lạng lách trên đường, lái xe có dấu hiệu sử dụng rượu bia gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, người dân đã đuổi theo, ghi hình và thông báo cho lực lượng CSGT TP Tuyên Quang.
Đội CSGT TP Tuyên Quang có mặt, dừng phương tiện trên. Thời điểm đó, người điều khiển xe là ông Lại Quốc Đạt nồng nặc mùi rượu, chân đứng không vững. Các cán bộ CA đã yêu cầu ông Đạt về đội CSGT TP Tuyên Quang để tiến hành đo nồng độ cồn theo quy định, tuy nhiên ông Đạt bất ngờ túm cổ áo một trung úy CSGT nhằm quật ngã. Ông Đạt còn giằng co và có lời lẽ coi thường, xúc phạm người thi hành nhiệm vụ. Được biết, khi tiến hành đo nồng độ cồn, ông Lại Quốc Đạt vi phạm ở mức phạt kịch khung, trên 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Sau vụ việc trên, lãnh đạo CATP Tuyên Quang thông tin, ông Lại Quốc Đạt đã có hành vi túm cổ áo, giằng co với chiến sĩ CSGT. Do vậy, ông này chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cản trở việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng và hành vi vi phạm nồng độ cồn theo quy định. Cụ thể, CQCA đã ban hành quyết định xử phạt ông Đạt 3 triệu đồng về hành vi cản trở CSGT kiểm tra, xử lý vi phạm. CATP Tuyên Quang cũng hoàn thiện hồ sơ, đề nghị CA tỉnh Tuyên Quang trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt ông Đạt trên 35 triệu đồng; tước Giấy phép lái xe gần 2 năm theo quy định.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Quang Xá (Cty luật XTVN - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, ông Đạt không chỉ có hành vi cản trở CSGT kiểm tra, xử lý vi phạm mà còn điều khiển phương tiện giao thông khi hơi thở có nồng độ cồn ở mức cao nhất theo Nghị định 100. Do vậy, ông Đạt sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 hành vi này.
Do cá nhân vi phạm còn là công chức, trong khi đó theo Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng (trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này) thuộc một trong các trường hợp: Vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức; có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ… nên có thể tiếp tục bị xem xét xử lý về hành vi này.
Ngoài ra, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia cũng nêu rõ, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức,… không được phép uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ. “Đây cũng là một căn cứ để người vi phạm có thể bị xem xét xử lý kỷ luật ở mức nặng hơn”, luật sư Phạm Quang Xá nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư Phạm Quang Xá, với việc không tuân thủ hiệu lệnh của CSGT, túm cổ áo cán bộ và có lời nói xúc phạm người đang làm nhiệm vụ, hành vi “túm cổ áo” và “có lời lẽ xúc phạm, chửi bới cán bộ làm nhiệm vụ” có dấu hiệu xâm hại hoạt động công vụ, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây dư luận xấu trong xã hội.
Viện dẫn Điều 330 Bộ luật Hình sự, luật sư Phạm Quang Xá phân tích, pháp luật quy định hành vi dùng vũ lực cản trở hoạt động công vụ của người thi hành công vụ là vi phạm pháp luật. Đối chiếu với trường hợp của ông Lại Quốc Đạt, luật sư cho biết, CSGT đang thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn thì bị Chi cục trưởng dùng vũ lực để cản trở hoạt động công vụ. “Hành vi của ông Đạt có thể gây tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ CSGT nên thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm”, luật sư Phạm Quang Xá nêu quan điểm.
Luật sư Phạm Quang Xá cho hay nếu cơ quan chức năng đủ căn cứ xác định chi cục trưởng vi phạm pháp luật về hình sự thì theo khoản 1 Điều 330, người vi phạm có thể bị phạt bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại