Nhìn lại vụ Giám đốc Công ty Đăng kiểm Thái Bình nhận hối lộ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác bị cáo tại toà |
Hai nhân viên “qua mặt” sếp?
Theo đó, khép lại phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) xác định, cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật. Trên cơ sở ấy, HĐXX quyết định Lưu Minh Hải (Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty CP Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình) 3 năm 6 tháng tù; bị cáo Bùi Ngọc Diệp (Phó giám đốc) 3 năm tù và bị cáo Tô Hồng Dương (Đăng kiểm viên) 2 năm 6 tháng tù cùng về tội danh bị truy tố. Tòa cũng tuyên tịch thu sung công toàn bộ số tiền hơn 340 triệu đồng các bị cáo hưởng lợi bất chính.
Trước đó, quá trình xét xử cho thấy, Công ty CP Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình (viết tắt là Công ty Đăng Kiểm Thái Bình) được thành lập dựa trên cơ sở cổ phần hóa Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Thái Bình, thuộc Sở GTVT Thái Bình. Lĩnh vực hoạt động chính là kiểm định và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường các phương tiện cơ giới đường bộ...
Từ tháng 5/2020, bị cáo Lưu Minh Hải tiếp quản điều hành Công ty Đăng kiểm Thái Bình. Doanh nghiệp này có hai đăng kiểm viên là Bùi Ngọc Diệp và Tô Hồng Dương. Sau khi Hải nhận chức, Diệp đã báo cáo về việc bộ phận nghiệm thu xe cải tạo thường liên hệ dẫn khách về công ty và thu nhiều tiền hơn quy định để bỏ qua trình tự, thủ tục hoặc làm nhanh giấy chứng nhân cho chủ xe.
Bị cáo Hải đồng ý cho tiếp tục làm và yêu cầu khoản thu theo quy định thì hạch toán đầy đủ vào sổ sách kế toán, khoản thu thêm thì góp vào quỹ để cuối năm chia cho anh em trong công ty. Đối với những xe cải tạo yêu cầu có thiết kế, Hải đồng ý để Diệp tự liên hệ với đơn vị thiết kế trên Hà Nội làm dịch vụ và không yêu cầu thu khoản tiền làm hồ sơ thiết kế về công ty.
Đối với việc giám định tai nạn và kiểm tra xe cơ giới, Diệp báo cáo xin được phép thu gấp 3 lần mức thu tối thiểu theo quy định. Hải cũng đồng ý nhưng yêu cầu chỉ hạch toán viết hóa đơn với mức 1 lần, phần còn lại góp vào quỹ để cuối năm chia nhau…
VKSND xác định, từ năm 2020 đến năm 2022, bị cáo Lưu Minh Hải chỉ đạo bị cáo Diệp, Dương nhận tiền của các chủ phương tiện để giúp họ rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới. Tổng số tiền các bị cáo nhận để hoàn tất việc đăng kiểm xe cơ giới là 344 triệu đồng.
Trong đó, bị cáo Hải phải chịu trách nhiệm về số tiền 320 triệu đồng, bị cáo Diệp phải chịu trách nhiệm số tiền 341 triệu đồng và bị cáo Dương phải chịu trách nhiệm số tiền 215 triệu đồng. Cơ quan công tố cũng xác định, trong vụ án, Lưu Minh Hải giữ vai trò cầm đầu, còn Bùi Ngọc Diệp là người phân công nên giữ vị trí thứ 2 và Tô Hồng Dương là người thực hiện tội phạm, giữ vai trò thứ 3.
Tại tòa, bị cáo Lưu Minh Hải khai bản thân là Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc nhưng chỉ “phụ trách chung”, đã ủy quyền cho Phó giám đốc phụ trách việc đăng kiểm. Ông ta không nắm được nguồn thu từ hoạt động này và khẳng định: “Bị cáo không nhận hối lộ”. Bị cáo Hải cũng đề nghị HĐXX xem xét về khoản tiền hơn 105 triệu đồng trong tổng số tiền bị truy tố, do bị cáo này không liên quan và không hề hay biết.
Bị cáo Bùi Ngọc Diệp, cấp phó của Hải, xác nhận lời khai trên và cho hay đã nhận ủy quyền phụ trách lĩnh vực đăng kiểm. Bị cáo Diệp cũng trình bày, đối với số tiền thu 5 triệu/1 phương tiện, bị cáo này tự thu và chuyển cho Lưu, bị cáo Hải không biết.
Tranh cãi về tội danh và số tiền nhận hối lộ
Luật sư Nguyễn Thị Thu trình bày quan điểm tại toà |
Bào chữa cho bị cáo Lưu Minh Hải, các luật sư Nguyễn Thị Thu, Lâm Ngọc Ly cho rằng, thân chủ của mình không phạm tội “Nhận hối lộ”. Theo các luật sư, nếu có sai phạm thì hành vi của Hải sẽ thuộc trường hợp phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cụ thể, luật sư lập luận, bị cáo Hải không phải đăng kiểm viên nên không phải lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm theo quy định tại Nghị định 139/2018. Công ty Đăng kiểm Thái Bình cũng phân công bị cáo Hải phụ trách chung, còn bị cáo Diệp mới phụ trách các công tác kiểm định, nghiệm thu và cấp giấy chứng nhận cho phương tiện.
Cùng với đó, luật sư cho rằng "hành vi, phương thức phạm tội" được Diệp và Dương thực hiện từ trước khi Hải giữ chức vụ cao nhất của công ty. Do đó, Hải không phải là người chủ mưu, cầm đầu như cáo buộc của Viện kiểm sát.
Theo quan điểm luật sư, hành vi của Hải nguyên nhân chính là do tin tưởng cấp dưới, đồng thời nghĩ tiền chênh lệch là "dịch vụ làm ngoài" nên mới đồng ý cho thu khoản tiền nhiều hơn quy định. Và động cơ của bị cáo cũng chỉ là mong muốn "giữ khách" và tăng thêm thu nhập cho nhân viên.
"Bị cáo Hải không có chuyên môn nên mới phân công Diệp phụ trách lĩnh vực đăng kiểm. Hải không chỉ đạo và không biết việc bị cáo Diệp, Dương giúp chủ xe mua bản vẽ cải tạo; ký nghiệm thu phương tiện mà không kiểm tra hoặc nhờ người ký khống…" - luật sư nêu quan điểm.
Đặc biệt, các luật sư bào chữa cho rằng chỉ có cơ sở quy trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Hải số tiền hơn 215 triệu đồng, không phải là hơn 320 triệu đồng như cáo buộc. Bởi lẽ bị cáo Diệp là người duy nhất trực tiếp liên hệ, thống nhất với ông Bùi Văn Lưu cách thức lập hồ sơ thiết kế và thi công cho các xe cải tạo yêu cầu phải có bản vẽ thiết kế để nghiệm thu.
Đây là các khách hàng của bị cáo Diệp và mức giá với 5 triệu đồng/bộ. Sau khi hoàn thiện và nhận hồ sơ hợp lệ, Diệp trực tiếp thanh toán bằng tiền mặt và chuyển khoản số tiền tương ứng với số lượng hồ sơ… “Toàn bộ số tiền được nhận từ bị cáo Diệp, ông Bùi Văn Lưu nhận thức được là tiền do Diệp nhận trực tiếp của các chủ xe và Diệp nhận bao nhiêu, thời điểm nào thì ông Lưu không biết” – luật sư khẳng định.
Chứng minh về số tiền thu của khách, luật sư chỉ rõ cáo trạng cũng đã nêu, trong việc thuê ông Lưu vẽ thiết kế, bị cáo Diệp đã hưởng lợi 19,5 triệu đồng, bị cáo Dương hưởng lợi 1,5 triệu đồng. Số tiền nhận hối lộ còn lại là 105 triệu đồng mới thanh toán cho ông Bùi Văn Lưu theo thỏa thuận. “Từ các căn cứ trên cho thấy, bị cáo Lưu Minh Hải không chỉ đạo, không biết việc bị cáo Diệp, bị cáo Dương cùng ông Bùi Văn Lưu nhận hối lộ và chia nhau chiếm hưởng số tiền hơn 128 triệu đồng” – luật sư khẳng định.
“Chốt lại” phần bào chữa, các luật sư nhìn nhận, bị cáo Hải do tin tưởng vào chuyên môn, kiến thức trong hoạt động đăng kiểm của bị cáo Bùi Ngọc Diệp và các nhân viên nên đã "lơ là, không kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của của các đăng kiểm viên"... Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét chuyển tội danh và cho bị cáo Lưu Minh Hải được cải tạo ở ngoài xã hội.
Dẫu vậy, nêu quan điểm tranh luận và đối đáp, VKSND nhận định, bị cáo Diệp đã báo cáo đầy đủ cho bị cáo Hải về việc thu tiền ngoài, tiền cải tạo phương tiện. Với vai trò giám đốc nên bị cáo Hải giữ vai trò lớn nhất trong vụ án. Hai bị cáo còn lại giữ vai trò chỉ đạo và thực hành, giúp sức tích cực.
“Giám đốc công ty đăng kiểm đã chỉ đạo cấp phó và thủ quỹ, kế toán kê khai thu chi, phân chia cho những ai, chia bao nhiêu đối với số tiền thu ngoài này. Công tác đăng kiểm chỉ là quá trình để dẫn đến việc nhận hối lộ nên viện kiểm sát truy tố các bị cáo về tội nhận hối lộ là đúng pháp luật” – VKSND khẳng định và cho biết giữ nguyên quan điểm truy tố.
Bác kháng cáo kêu oan của cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại