Chỉ 17,2% người lao động hài lòng với tiền lương, thu nhập của mình
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐây là thông tin được PGS, TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết tại Hội nghị công bố kết quả khảo sát tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp. Hội nghị do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức chiều 12-7 tại Hà Nội.
Người lao động vẫn phải tằn tiện chi tiêu
Số liệu nêu trên được tổng hợp từ kết quả khảo sát trong 3 tháng tại 25 tỉnh, thành phố, ngành Trung ương có đông lao động công nghiệp, dịch vụ, đại diện các loại hình doanh nghiệp và vùng lương. Trước đó, Viện Công nhân công đoàn phối hợp với Ban Quan hệ lao động đã tổ chức trao đổi thông tin, thu thập báo cáo, lấy ý kiến 30.008 phiếu hỏi đối với người lao động tại 150 doanh nghiệp. Trung bình mỗi doanh nghiệp lựa chọn khảo sát 20 lao động, đảm bảo cơ cấu về giới tính, độ tuổi, vị trí việc làm, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến việc làm, tiền lương, chi tiêu, những khó khăn, vướng mắc, bức xúc và kiến nghị của người lao động.
Qua tổng hợp kết quả khảo sát, thì tiền lương cơ bản hàng tháng của người lao động nhận được trung bình là 4.670 nghìn đồng, tăng 4,24% so với kết quả khảo sát năm 2017. Lương cơ bản trung bình theo khảo sát năm 2018 đã cao hơn lương tối thiểu 39,8%, vùng I cao hơn 36,6%, vùng II cao hơn 27,9%, vùng III cao hơn 39,3% và vùng IV cao hơn 44,7%. Tuy nhiên, qua khảo sát cũng còn một bộ phận người lao động nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, cụ thể vùng I là 2,35%, vùng II là 10,87%, vùng III là 3,34% và vùng 4 là 4,45%.
PGS, TS Vũ Quang Thọ: "Bên cạnh tiền lương, người lao động cần phải làm thêm để tăng thu nhập mới đủ sống" |
So sánh thu nhập với chi tiêu của người lao động và gia đình, kết quả cho thấy: 17,4% người lao động có dư dật và tích lũy; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống.
“Tiền lương đã tăng thêm nhưng người lao động vẫn còn rất khó khăn để trang trải cuộc sống. Tỷ lệ người lao động phải chi tiêu “tằn tiện, kham khổ” tăng lên 5,8%. Nhiều người lao động buộc phải làm thêm để có thêm thu nhập trang trải” - PGS, TS Vũ Quang Thọ cho biết.
Đề xuất tăng lương tối thiểu 8%
Thông tin về việc điểu chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2019, ông Ngọ Duy Hiểu- Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Tổng liên đoàn đại diện cho người lao động đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu là 8%.
Đề xuất này căn cứ trên cơ sở pháp lý và đạo lý. Cụ thể, Nghị quyết 27/NQ-TW của Ban Chấp hành T.W Đảng về thực hiện Đề án cải cách tiền lương của Hội nghị TW7 trong đó đã nêu rõ “Thực hiện điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế- xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.
Về tình hình kinh tế, xã hội năm 2018,ngay từ quý I/2018, tăng trưởng kinh tế đã đạt 7,38% - mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Nhận định của Chính phủ tại phiên họp mới đây về tình hình kinh tế xã hội cũng rất tích cực. Theo đó năng lực nội tại nền kinh tế tốt hơn với nhiều doanh nghiệp được thành lập mới, bức tranh kinh tế sáng sủa hơn. Chính phủ cũng đang thực hiện cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực, triển khai 8 giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp sẽ giảm thiểu nhiều chi phí chính thức, không chính thức, doanh nghiệp sẽ có thể quay lại chia sẻ lợi nhuận hỗ trợ người lao động. Đây là những tín hiệu tích cực cho việc điều chỉnh lương tối thiểu. Ngoài ra một thực tế nữa là hiện nay, nhiều doanh nghiệp không tuyển được người lao động phải có chính sách tiền lương để thu hút người lao động.
Đặc biệt, việc đề xuất tăng lương tối thiểu 8% dựa trên những khảo sát mới nhất về đời sống người lao động sau khi áp dụng Nghị định 141/2017/NĐ-CP về thực hiện mức lương tối thiểu năm 2018. Theo đó, tiền lương cơ bản chiếm khoảng 85 % tổng thu nhập của người lao động. Đa số người lao động được hỏi đều đánh giá thu nhập cơ bản chỉ đáp ứng được chi phí hàng ngày, cuộc sống còn khó khăn và chưa thực hiên được nhiều tích luỹ.
Nhấn mạnh việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm nay đặt trong bối đã có nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban quan hệ lao động cho biết, Nghị quyết 27 đã xác định rõ lộ trình “đến 2020 điều chỉnh tăng tiền lương làm sao để lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Từ lộ trình này, xác định mức sống tối thiểu hết sức quan trọng.
Theo ông Lê Đình Quảng hiện khoảng cách chênh lệch giữa đại diện người lao động và người sử dụng lao động là 8%. Đại diện người sử dụng lao động đề xuất không tăng lương nhằm "bồi dưỡng" sức doanh nghiệp, dồn sức để đào tạo và nâng cao tay nghề của người lao động trong doanh nghiệp. Qua đó đáp ứng yêu cầu công việc cũng như sự cạnh tranh của thị trường. Đề xuất này theo ông Lê Đình Quảng là không có cơ sở.
Về việc Bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương quốc gia (gồm nhóm các chuyên gia được cử ra từ 3 bên: Bộ LĐ-TB&XH, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng LĐLĐ Việt Nam) đề xuất mức tăng 5,3% còn Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất 8% thì theo nhận định của ông Lê Đình Quảng là do sự khác biệt trọng cách xác định mức sống tối thiểu. Mức sống tối thiểu dựa trên kết quả điều tra mức sống dân cư do Tổng cục Thống kê cung cấp và chỉ số giá tiêu dùng hằng năm. Hiện chưa có kết quả điều tra này.
Còn việc xác định mức sống tối thiểu của Bộ phận kỹ thuật theo ông Lê Đình Quảng cần có sự tính toán lại để sát thực tế. “Tôi băn khoăn với việc xác định rổ hàng hoá. Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương lấy ở mức 700.000 đồng cho năm 2018, nhưng năm 2019 lại chỉ có 660.000 đồng? Trong khi đó, tới thời điểm này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm 2018 tăng khoảng 4 % so với 2017. CPI tăng thì nhất thiết rổ hàng hóa cần phải tính thêm chứ sao lại tính lùi? Hơn nữa, “theo cách tính của Bộ phận kỹ thuật thì nay đã đáp ứng nhu cầu rồi còn cần gì Nghị quyết 27 phải xác định lộ trình đến năm 2020”, ông Lê Đình Quảng băn khoăn.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhiều người lao động vẫn cho rằng mức tiền lương còn thấp và không có hoặc có ít các khoản phụ cấp để nâng cao thu nhập bảo đảm cuộc sống. Các nội dung khác, tuy tỷ lệ có bức xúc không cao, nhưng cũng thể hiện sự không hài lòng của người lao động với các nội dung liên quan. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động vẫn còn xảy ra. Theo đó trong những tháng đầu năm 2018, cả nước có 131 cuộc đình công, trong đó các doanh nghiệp FDI là 103 cuộc, chiếm 78,6%, ngành dệt may 48 cuộc, chiếm 36,6%; giày da có 27 cuộc, chiếm 20,6%, điện tử 20 cuộc, chiếm 15,3% |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại