Chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ sở còn hạn chế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo đại biểu Tô Văn Tám, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những hạn chế, bất cập, số lượng đơn, thư vẫn gia tăng. Có nơi tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Kon Tum là do chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ sở còn hạn chế. Một số nơi chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã. Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa quan tâm xem xét, giải quyết từ gốc (tức là từ cơ sở), thậm chí có hiện tượng cán bộ thách thức người dân khiếu kiện nên có nhiều việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Đại biểu đề nghị, báo cáo của Chính phủ cần đánh giá thêm về vấn đề này.
Đại biểu cũng nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế sẽ dẫn đến việc thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa sẽ dẫn tới áp lực thu hồi đất nói chung và đất nông nghiệp nói riêng, tác động trực tiếp đến lợi ích và sinh kế của người dân. Cùng với sự suy thoái của một số bộ phận công chức trong thực thi công vụ là những vấn đề phát sinh nhiều khiếu kiện.
Do đó, việc báo cáo của Chính phủ nhận định tình hình khiếu kiện của người dân trong thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp là một dự báo đúng và các giải pháp của Chính phủ chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện việc giải quyết khiếu nại trong năm 2019 là các giải pháp đồng bộ và xác thực.
Góp ý về giải pháp, đại biểu Tô Văn Tám khẳng định vai trò quan trọng của đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; đặc biệt là trong giải quyết khiếu nại nhất là về vấn đề đất đai.
“Người dân thường thiếu thông tin hay cập nhật thông tin không kịp thời và trong điều kiện phức tạp của mạng xã hội hiện nay thông tin có lúc có nhiều sai lệch hoặc chưa nhận thức đầy đủ các quy định pháp luật. Qua đối thoại sẽ mang lại cho họ thông tin đầy đủ và chính xác hơn. Đồng thời, cũng hiểu rõ hơn thái độ thiện chí của các bên, góp phần quan trọng trong việc tìm ra giải pháp có tính đồng thuận cao để giải quyết một cách thuyết phục và khả thi nhất”, đại biểu nói.
Theo đại biểu, đối thoại phải được coi như một nguyên tắc trong quá trình giải quyết chứ không chỉ là giai đoạn đầu mà phải được tôn trọng, thực hiện một cách nghiêm túc và cầu thị, chứ không phải làm theo kiểu chiếu lệ, cho xong chuyện.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum). Ảnh: Quochoi.vn |
Đồng tình, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết: Tâm lý của người đi khiếu nại, sau khiếu nại xong, trước khi ra quyết định giải quyết người khiếu nại rất mong muốn được gặp Chủ tịch huyện hoặc cao hơn là gặp tỉnh, Chủ tịch tỉnh để đối thoại.
Gặp một lần dù thua cũng được, nhưng rất tiếc nhiều địa phương hầu như lần đối thoại để ra quyết định là ủy quyền cho cấp phó, thậm chí ủy quyền cho thanh tra là người giải quyết, ủy quyền cho tài nguyên môi trường. Cho nên người dân đôi lúc không hài lòng về quyết định của mình khi bị bác đơn.
Đại biểu Dương Minh Tuấn đề nghị Thanh tra Chính phủ cần có tham mưu Chính phủ quy định chặt chẽ, kỹ càng hơn và kết thúc công tác tập huấn cho cán bộ tiếp dân. “Tập huấn phải cầm tay chỉ việc, tức là phải có những video clip chỉ những hình mẫu, biểu diễn những đợt tiếp công dân, cách tiếp công dân, hình thức nào và diễn đạt sâu, kỹ hơn. Chứ hiện giờ mình đang tập huấn dưới góc độ triển khai văn bản rồi sau đó tiếp thu và triển khai”.
“Phải thay đổi cách tập huấn về tiếp công dân để cán bộ tiếp công dân có đầy đủ kỹ năng hơn, có nhiều sáng tạo hơn, những cách xử lý linh hoạt với những người dân quá khích, những người dân có thái độ tiếp tục cù nhầy trong khiếu nại, tố cáo”, đại biểu đề xuất.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại