Chậm tiến độ, chưa đủ cơ sở xem xét việc bổ sung quy hoạch ngành điện
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCông trường thi công DA hồ chứa nước Cánh Tạng. Ảnh: B.M |
Đội vốn, vướng mắc GPMB
DA xây dựng hồ chứa nước Cánh Tạng có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 3.118 tỷ đồng. Hợp phần xây dựng 890 tỷ do Ban quản lý Đầu tư xây dựng thủy lợi 1 (Ban 1) làm chủ đầu tư. Hợp phần GPMB hơn 1.100 tỷ do tỉnh Hòa bình làm chủ đầu tư. Hợp phần kênh dẫn nước hơn 1.100 tỷ, tỉnh HĐND tỉnh Hòa bình cam kết đầu tư khi Bộ NN&PTNT xây dựng xong hồ...
Tháng 3/2022 đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn về thị sát tại công trường, lúc này hợp phần xây dựng công trình đầu mối mà Bộ NN-PTNT trực tiếp chỉ đạo Ban 1 làm chủ đầu tư đã cơ bản xong và không còn nhiều khối lượng thi công. Nhưng vấn đề đặt ra là không chặn dòng được, không tích nước được vì chưa giải phóng được mặt bằng lòng hồ. Nguyên nhân là do quá trình khảo sát, đo đạc có vấn đề, mỗi lần báo cáo là một số liệu, gây khó khăn cho công tác đền bù.
Tổng mức đầu tư để hoàn thành hợp phần bồi thường, tái định cư của DA là 1.533 tỷ đồng (tăng 474 tỷ đồng so với phương án phê duyệt ban đầu). Nguyên nhân là do chi phí trồng rừng, chi phí xây dựng tăng. Cùng với đó, các mốc ngập đường viền lòng hồ chưa thể hiện hết diện tích ngập lụt và tài sản bị ảnh hưởng. Vì vậy phải rà soát đo đạc bổ sung, tăng khối lượng GPMB và tăng tiền giải GPMB...
Tổng diện tích thu hồi GPMB để triển khai dự án là 897,4ha (giảm hơn 340ha so với quy hoạch đã được phê duyệt). Tổng số hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng khi xây dựng công trình là 596 hộ. Trong đó có 574 hộ phải di dời đến nơi ở mới, 22 hộ còn lại tự tái định cư.
Về bồi thường nhà ở, đến thời điểm tháng 3/2022, huyện Lạc Sơn và các cơ quan liên quan đã phê duyệt phương án bồi thường GPMB nhà ở xong cho 574 hộ tại xã Yên Phú, Văn Nghĩa, Bình Hẻm, đang thực hiện chi trả tiền bồi thường cho các hộ. Tuy nhiên, thời điểm đoàn công tác của Bộ NN&PTNT về làm việc, địa phương vẫn chưa có kinh phí để chi trả cho 106 hộ (25,1 tỷ đồng).
Trao đổi công việc, ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa bình đánh giá, DA đã triển khai được 4 năm, khối lượng xây lắp đã hoàn thành được 70% nhưng mối quan hệ giữa xây lắp và GPMB lại không đi liền với nhau. Đập thì được đắp cao nhưng bên dưới vẫn có nhà dân, muốn chặn dòng thì dân phải đi. Muốn dân đi thì phải có tiền.
Nguyên nhân cuối cùng là do đơn vị tư vấn xác định số gia đình cần di chuyển, số tài sản đất đai phải bồi thường lúc đầu không chính xác, dẫn đến tiền bồi thường tăng lên so với phê duyệt DA ban đầu. Về việc bố trí thêm vốn để thực hiện hợp phần GPMB, tái định cư DA hồ chứa nước Cánh Tạng, UBND tỉnh Hòa bình sẽ có báo cáo để Phó Thủ tướng, Thủ tướng xem xét, chỉ đạo.
DA không cán đích như kì vọng
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tháng 4/2022, trong một văn bản của mình, Bộ NN&PTNT nhận định, DA hồ chứa nước Cánh Tạng, tỉnh Hòa Bình đang bị chậm tiến độ thi công do vướng mắc trong khâu GPMB.
Cũng trong tháng 4/2022, Bộ Công thương có văn bản gửi tới Bộ Xây dựng về việc lấy ý kiến đối với hồ sơ bổ sung quy hoạch DA thủy lợi kết hợp thủy điện Cánh Tạng, tỉnh Hòa Bình. Theo Bộ Công thương, DA dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Tuy nhiên, với những gì diễn ra tại hiện trường cũng như quan điểm của Bộ NN&PTNT thì DA khó có thể cán đích thời gian như kì vọng của Bộ Công thương cũng như tỉnh Hòa Bình.
Theo ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng: “Đối với hồ sơ bổ sung quy hoạch điện, nội dung về các giải pháp thiết kế sơ bộ công trình thủy điện, giải pháp bảo vệ môi trường kết hợp với sơ bộ quy trình vận hành liên hồ chứa thủy lợi, thủy điện đáp ứng các yêu cầu an sinh cho người dân hạ du trong quá trình khai thác, vận hành DA chính là những nội dung cần thể hiện để đánh giá tổng quan về tính khả thi và hiệu quả DA…”.
Tháng 5/2022, Bộ Xây dựng có văn bản hồi âm tới Bộ Công thương. Nội dung văn bản của Bộ Xây dựng thể hiện: “DA thủy lợi kết hợp thủy điện Cánh Tạng cũng cần được giải trình làm rõ về tính khả thi. Đồng thời, hồ sơ bổ sung quy hoạch bao gồm các bản vẽ thiết kế sơ bộ chưa đảm bảo các quy định về quy cách hồ sơ thiết kế (bản vẽ chưa hoàn chỉnh, tỷ lệ nhỏ, không có khung tên thể hiện chức danh tư vấn và chữ ký xác nhận); thiếu các bản vẽ thể hiện phương án đấu nối của DA vào lưới điện khu vực, nhà quản lý vận hành, hệ thống công trình phụ trợ và hồ sơ còn thiếu những nội dung nêu trên nên Bộ Xây dựng chưa đủ cơ sở để cho ý kiến đánh giá, xem xét việc bổ sung quy hoạch ngành điện của DA thủy điện nêu trên”.
Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ theo quy định.
DA hồ chứa nước Cánh Tạng là DA trọng điểm, thuộc nhóm A của Bộ NN&PTNT và của tỉnh Hòa Bình. Hồ có dung tích khoảng 95 triệu m3, bao gồm các hạng mục: Đập ngăn sông, tràn xả lũ, cống lấy nước và các công trình phụ trợ nằm trên địa phận xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn. DA được triển khai bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2017 - 2020. Cách đây không lâu, Kiểm toán Nhà nước đã công bố các nội dung kiểm toán về hoạt động xây dựng và việc quản lý DA hồ chứa nước Cánh Tạng. Bước thiết kế bản vẽ thi công, khảo sát địa chất nền móng hạng mục đầu và dốc nước tràn xả lũ còn chưa sát thực tế, dẫn đến phải khảo sát bổ sung và điều chỉnh bản vẽ thi công, bổ sung khối lượng xử lý địa chất móng công trình giá trị 5.669 triệu đồng. Thiết kế và dự toán bước thiết kế bản vẽ thi công, sai khối lượng một số công việc dẫn đến phải giảm trừ 6.175,219 triệu đồng (trong đó, giảm trừ chí phi đã nghiệm thu, thanh toán 1.162,46 triệu đồng, giảm giá trị hợp đồng còn lại chưa nghiệm thu, thanh toán 5.012,75 triệu đồng). |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại