Thứ hai 25/11/2024 16:36

Câu chuyện hòa giải: Những lần giữ cho “bát không xô, đũa không lệch”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mâu thuẫn phát sinh trong gia đình là điều khó tránh ở khu dân cư. Với hòa giải viên Đỗ Kim Chiến, mỗi khi vào cuộc hòa giải các vụ việc đó cũng chính là những lần giữ cho “bát không xô, đũa không lệch”, giúp duy trì hạnh phúc cho biết bao gia đình khiến ông cảm thấy vui vẻ.

“Chó dữ mất láng giềng”

Trở về địa bàn dân cư sau khi nghỉ hưu trong quân đội, ông Đỗ Kim Chiến, SN 1955, nhận thêm nhiệm vụ tổ trưởng tổ hòa giải Tổ dân phố H9, phường Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Với quân hàm Đại tá quân đội, cộng thêm lối sống lành mạnh, tác phong nhanh nhẹn, ông luôn được nhiều người dân tại tổ dân phố quý mến và thường gọi tên mỗi khi có vụ việc phát sinh mâu thuẫn. Tổ dân phố H9 là địa bàn có hơn 300 hộ với khoảng 1.500 người dân, trong quá trình sinh hoạt không thể tránh khỏi những va chạm, xích mích nhỏ.

Bản chất bà con nơi đây đa phần là nông dân trước đây từ xã lên phường, không còn đất nông nghiệp nên chuyển đổi sang sinh sống bằng các nghề kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ, trình độ dân trí không cao. Bên cạnh đó còn một bộ phận dân cư là cựu cán bộ, CCVC đã về hưu cũng sống trên địa bàn tổ dân phố. Những lần xảy ra mâu thuẫn, ông Chiến và tổ hòa giải đều tìm cách hóa giải hợp tình hợp lý để giúp các bên tìm được tiếng nói chung.

Hòa giải viên Đỗ Kim Chiến kể cho chúng tôi về câu chuyện xảy ra vào năm 2019, giữa gia đình ông Q và gia đình chị M. Ông Q vốn có một mảnh đất rộng và được chia thành từng lô để bán cho người cần. Vợ chồng chị M là người ở nơi khác đến đã ký hợp đồng và làm đầy đủ thủ tục để mua 1 mảnh đất của nhà ông Q và xây dựng nhà. Dù phân lô nhưng ông Q vẫn bớt lại một lối ngõ đi chung rộng khoảng 1,2m để đi. Chị M phản ánh, nhà ông Q có nuôi một con chó to và rất dữ. Do chị M là chủ mua đất ở đây đã quen nên không cắn, nhưng cứ có người thân, bạn bè của chị M đến chơi là ông Q lại thả chó ra để cắn

Việc này chị M đã trao đổi và nhắc nhở ông Q nhiều lần nhưng ông không nghe, còn nói đây là ngõ đi chung thì sao cấm ông thả chó ra được. Không chỉ vậy, do nhà làm may nên có những vụn vải thừa, ông Q còn cố tình gom lại thành đống ở trong ngõ rồi đốt, gây ô nhiễm môi trường cho cả ngõ và nặng nhất là nhà chị M. Không thể chịu đựng được, chị M đã gặp ông Chiến để nhờ can thiệp, trước khi gửi đơn ra phường.

Nắm bắt thông tin sơ bộ từ chị M, ông Chiến và tổ hòa giải đã đến gặp gỡ gia đình ông Q. Ông phân tích, ông Q đã vi phạm hai điều, thứ nhất là thả chó ra ngoài đường mà không rọ mõm, thứ hai là đốt rác và phế phẩm may mặc gây ô nhiễm môi trường. Nếu xét về lý, việc này báo cáo lên phường là ông Q sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt hành chính.

Tuy nhiên, ông Chiến khuyên, vì tình làng nghĩa xóm, hàng xóm còn ăn ở với nhau cả đời chứ không phải ngày một ngày hai. “Bản thân chị M lại đang mang bụng bầu sắp đẻ, nếu ông cố tình thả chó chạy rông ra đường và đốt rác gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi thì ai là người chịu trách nhiệm. Lúc đó, không chỉ là tôi mà còn là công an phường cùng lực lượng chức năng sẽ tới nói chuyện với ông để giải quyết đấy. Ông Q ban đầu cũng cứng đầu, nhưng sau khoảng 1 tuần vào nói chuyện, ông đã bắt đầu nhận thức được việc làm của mình là sai, tự nguyện sang xin lỗi gia đình chị M và hứa thực hiện việc xích chó dữ, không đốt rác trong ngõ nữa” – lời ông Chiến.

cau chuyen hoa giai nhung lan giu cho bat khong xo dua khong lech
Hòa giải viên Đỗ Kim Chiến, Tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố H9, phường Cổ Nhuế 1 cho rằng, để nâng cao hiệu quả hòa giải thì cần phải có uy tín, sự kiên trì và kiến thức pháp luật cần thiết.

Vợ ham lô đề còn nghi chồng ngoại tình

Một câu chuyện khác là trường hợp vợ chồng ông N và bà G. Cả hai đều đã ngoài 50 tuổi, hàng ngày vợ bán hàng rong còn chồng chạy xe ôm. Sẽ không nên chuyện nếu như bà G không có thói ham mê lô đề. Mỗi ngày bán hàng được 10 đồng thì gần như bà “nướng” hết số tiền lời lãi vào trò đỏ đen đó. Biết việc này, ông N rất giận nhưng vẫn ra sức khuyên giải vợ nên từ bỏ thói quen xấu này. Tuy nhiên, bà N không những không nghe lời mà còn tìm mọi lý do để trách ngược chồng.

Ở tổ dân phố, ông N được bà con đánh giá là rất chịu khó, cư xử hòa nhã với mọi người và rất tiết kiệm. Có những hôm dù bị ốm nhưng ông vẫn đi làm, tối muộn mới về nhà. Đặc biệt, dù đi làm vất vả nhưng ông N cũng tham gia phong trào văn hóa văn nghệ ở khu dân cư, mỗi khi có sự kiện gì là ông đều có mặt và góp vui với bà con. Và bà G đã vin vào chuyện này để nghi ngờ ông N đi là để “cặp bồ”.

Không thể giải thích được với vợ, ông N đến cầu cứu ông Chiến. Với kinh nghiệm của mình, ông Chiến đã áp dụng cả biện pháp mềm mỏng kết hợp cứng rắn với trường hợp này. Ông gặp trực tiếp bà G lúc thì tại nhà, khi thì tại quán bán hàng để phân tích việc chơi lô đề, cờ bạc là hành vi vi phạm pháp luật. Ông N là người tốt, chí thú làm ăn và đối tốt với vợ con như thế, tuyệt đối không có chuyện trai gái nào ở đây. Ông đem cả danh dự cá nhân ra để đảm bảo, không có chuyện ông N cặp bồ hay có người thứ hai ngoài vợ. Ngoài ra, cả hai đều đã lên ông lên bà cả rồi, con đã có cháu rồi mà suốt ngày cứ cãi nhau, to tiếng rồi ghen tuông vô cớ như thế, liệu có làm tấm gương tốt cho con cháu hay không?

Việc bán hàng mỗi ngày lời lãi chả là bao, nhưng nếu cố giữ thói quen lô đề thì chắc chắn, của cải trong nhà sớm muộn cũng “đội nón ra đi” theo trò đỏ đen đó mà thôi. Đời sống vợ chồng khó tránh khỏi lúc “bát xô đũa lệch”, nhưng cái chính là đôi bên phải cùng thấu hiểu, thông cảm cho nhau mới giữ được hạnh phúc gia đình. Mặt khác, ông Chiến cũng khuyên ông N ngoài công việc chạy xe ôm hàng ngày thì nên quan tâm đến vợ hơn. Chịu khó làm các công việc gia đình đỡ vợ, đến bữa thì mang cơm ra cho vợ ăn để vợ cảm nhận được nhiều hơn tình cảm của chồng.

“Vụ này chúng tôi phải mất đến hàng tháng vận động, khuyên giải thì bà G mới chịu nghe lời và dần dần từ bỏ lô đề. Ông N cũng từ đó quan tâm đến vợ hơn. Gia đình người con gái lại sinh thêm cháu nên tiếp tục gửi ông bà ngoại chăm để đi làm văn phòng. Cuộc sống của gia đình ông bà N giờ bận rộn hơn nhiều, thời gian chăm cháu ngoại cũng bận suốt ngày nên cũng góp phần cho bà G quên đi thói quen lô đề kia. Giờ cứ gặp tôi là ông N lại cười và phong cho tôi là "chuyên gia gỡ rối", ông Chiến kể.

Có những vụ việc liên quan đến chia đất đai không đều dẫn đến mâu thuẫn, ông và tổ hòa giải khoảng 5 người tiếp tục phân công, phân nhiệm để tìm hiểu sự tình. Có hai gia đình là anh em ruột mà chỉ vì bố mẹ chia đất ở không đều mà tức nhau từng tí một. Nhà người anh làm ống máng thoát nước từ mái đáng lý phải hướng xuống đất. Tuy nhiên, do lâu ngày nên đoạn ống bị nứt và gãy, cứ có mưa xuống là nước lại chảy tung tóe và bắn sang cả nhà người em ở bên cạnh. Dù đã nhắc nhở nhưng người anh cố tình không nghe và cho nước chảy ướt hết sang sân nhà em.

Tổ hòa giải phải dùng cả tình lẫn lý để hòa giải, vừa là tình anh em máu mủ ruột già, lại sống cạnh nhau cả đời mà suốt ngày kiếm chuyện gây gổ sẽ không hay. Nếu anh cố tình vi phạm thì chúng tôi sẽ mời phường xuống giải quyết, lúc ấy anh vừa có thể bị xử phạt hành chính và vừa xấu hổ với bà con xóm giềng.

Hoà giải viên nói có tình có lý, người ta cũng phải nghe và bớt gây mâu thuẫn hơn trước. Theo ông Chiến, để nâng cao được hiệu quả công tác hòa giải, người hòa giải viên cần trang bị cho mình những kiến thức pháp luật cần thiết để có thể áp dụng trong từng trường hợp cụ thể.

Hoà giải viên nói có tình có lý, người ta cũng phải nghe và bớt gây mâu thuẫn hơn trước. Theo ông Chiến, để nâng cao được hiệu quả công tác hòa giải, người hòa giải viên cần trang bị cho mình những kiến thức pháp luật cần thiết để có thể áp dụng trong từng trường hợp cụ thể.
Đình Tuệ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động