Thứ hai 25/11/2024 22:49

Cảnh giác với những combo du lịch giá rẻ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau một thời gian “ngủ đông”, ngành du lịch bắt đầu mở cửa với đủ các chiêu kích cầu. Tranh thủ đi du lịch để hưởng giá ưu đãi, cũng để “xả hơi” sau 2 năm mệt mỏi với “giặc” Covid-19, nhiều gia đình đã không tiếc dành thời gian vi vu tận hưởng thời gian nghỉ ngơi. Và nắm bắt được nhu cầu này, nhiều những chiêu lừa đảo nhằm trong lĩnh vực du lịch bắt đầu nở rộ.
Nội dung được đăng tải trên MXH về câu chuyện khách hàng bị bỏ rơi khi mua combo du lịch giá rẻ
Nội dung được đăng tải trên MXH về câu chuyện khách hàng bị bỏ rơi khi mua combo du lịch giá rẻ

Rộ thông tin lừa đảo khi mua combo du lịch giá rẻ

Tối 7/6, hàng loạt các facebook của giới kinh doanh combo du lịch Việt Nam đồng loạt chia sẻ thông tin về một vụ lừa đảo lớn. Theo đó, thông tin trên mạng xã hội (MXH) cho rằng, có tới 144 khách đi Phú Quốc (Kiên Giang) ra đến sân bay mới biết không có vé. Tính chân thực của sự việc ra sao không ai rõ, nhưng những sự việc lừa đảo này không hiếm.

Như câu chuyện của L.T.L (24 tuổi, Hà Nội) khi biết cô có nhu cầu đi SaPa, bạn bè đã tư vấn L. nên mua combo sẽ rẻ hơn. Nghe bạn, L quyết định mua combo Sa Pa 3 ngày 2 đêm trên một group thanh lý voucher, bán tour du lịch với giá 10 triệu đồng cho 3 người, bao gồm xe khứ hồi, khách sạn hạng sao và có kèm bữa sáng. Tuy nhiên, khi gia đình L. lên đến nơi nhưng khách sạn báo không tìm thấy tên khách đã đặt phòng. Lúc đó L đã liên hệ với người bán nhưng không liên lạc được. Không chỉ số điện thoại, facebook, zalo của người bán đã chặn tài khoản xã hội của cô.

Trước đó, ắt hẳn những người làm trong ngành du lịch cũng không quên vụ ầm ĩ liên quan đến combo du lịch cách đây 2 năm. Đó là vụ việc chủ phòng vé máy bay tại Núi Trúc (quận Ba Đình, Hà Nội) bỗng nhiên biến mất sau khi “nẫng” hàng chục tỷ đồng tiền mua combo du lịch của du khách. Vào tháng 7/2020, nhiều người dân đã phản ánh về một phòng vé có dấu hiệu lừa đảo tiền bán combo du lịch nghỉ dưỡng sau đó chủ phòng vé đã mất liên lạc.

Cụ thể, do có nhu cầu đi nghỉ dưỡng nên nhiều người đã tìm đến Phòng vé Anh Anh (địa chỉ tại 66X, ngõ Núi Trúc, phố Núi Trúc, quận Ba Đình, Hà Nội) giới thiệu bán combo du lịch Hà Nội- Nha Trang với giá “rẻ chưa từng thấy”. Sau đó, một số người đã chuyển khoản đầy đủ số tiền theo yêu cầu nhưng gần đến ngày bay mà vẫn không thấy bên bán combo gửi code vé máy bay cũng như mã phòng khách sạn. Khi đến địa điểm phòng vé tại Núi Trúc thì mọi người phát hiện phòng vé đã đóng cửa, không còn liên lạc được nữa. Sự việc xảy ra khiến hàng trăm khách hàng bức xúc do số tiền lừa đảo được cho là lên tới hàng chục tỷ đồng.

Thông tin này đã được chuyển lên các cơ quan chức năng. Ngay khi nhận được phản ánh, Sở Du lịch Hà Nội đã kiểm tra dữ liệu quản lý của Phòng vé Anh Anh thì phát hiện, phòng vé này không có kê khai; không đăng ký hoạt động trong lĩnh vực du lịch; không có thông báo, báo cáo đến cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh du lịch.

Cần cẩn trọng

Trở lại với câu chuyện xôn xao giới kinh doanh du lịch đầu tháng 6 vừa qua, chị B.H, quản lý một Cty chuyên cung cấp combo du lịch cho biết, hôm trước nhân viên của chị có báo có một đoàn khách check combo Phú Quốc. “Sau khi Cty báo giá, khách hàng có thắc mắc sao bên mình bán đắt gấp đôi chỗ khác thế. Sau đó khách hàng gửi ảnh báo giá của một người khác, bao gồm vé máy bay Vietnam Airline khứ hồi, ở Vinpearl đủ dịch vụ trong 3 ngày 2 đêm chỉ với… 3,7 triệu” – chị H kể. Với giá đó còn không đủ cả tiền khách sạn, chị H cho biết. Và sau đó thì thấy trên MXH rầm rộ vụ tố lừa đảo trên. “Không một năm nào mà ở sân bay không có một vài lần nháo nhào lên vì 1 vụ lừa đảo nào đó vì combo du lịch” – chị H cho biết.

Với kinh nghiệm của mình, chị H cho biết, việc mua combo du lịch đúng là giúp khách hàng tiết kiệm tiền so với mua lẻ vé riêng, khách sạn riêng. Tuy nhiên có rẻ hơn nhưng không rẻ quá như nhiều người vẫn rao bán trên MXH. Hơn nữa, những combo giá rẻ không quá nhiều, như Cty của chị, đôi khi một combo giá rẻ chỉ có vài đến hơn chục vé mà thôi. Việc lừa đảo mua combo du lịch giá rẻ này có phát sinh trên thực tế. Tuy nhiên nhiều người biết là bị lừa nhưng bởi số tiền không quá lớn, lại phần lớn do mình bất cẩn lại ngại phiền phức nên cũng không tố giác với cơ quan chức năng.

Về tính chất pháp lý trong câu chuyện này, luật sư Nguyễn Phương Tuyến, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc giao dịch về combo giá rẻ rồi “xù” hoàn toàn có dấu hiệu phạm pháp. Về chế tài, theo ông, tùy thuộc vào việc có hành vi bỏ trốn hay không mà đối tượng có thể bị xử lý về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Còn theo đánh giá của cơ quan CSĐT – CATP Hà Nội, thời gian qua các vụ lừa đảo combo du lịch chưa bị các cơ quan pháp luật xử lý nhiều, nguyên nhân chính do việc đặt combo du lịch, thanh toán tiền đều trên môi trường MXH.

Chính vì vậy, để thuận tiện cho việc tránh bị lừa đảo hoặc có chứng cứ khi bị lừa đảo, người mua cần lưu lại toàn bộ các thông tin liên quan trong quá trình mua combo như thanh toán, email, tin nhắn… Khi giao dịch, người mua phải yêu cầu bên cung cấp combo làm hợp đồng với các điều khoản chi tiết về chuyến bay, khách sạn, giá vé, các chi phí phát sinh khác (nếu có), trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng và các chế tài xử lý. Nếu có dấu hiệu bất thường, người mua cần sớm trình báo CQCA để được hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, thông qua công tác nắm tình hình cũng cần kiểm tra, xác minh tổ chức, cá nhân cung cấp combo du lịch giá rẻ bất thường để phát hiện, kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.

Nếu đặt với cá nhân trên MXH, hãy kiểm tra thông tin của người đó. Nếu đối tượng lừa đảo, thông tin của chúng sẽ có ít cập nhật và bạn bè. Trong trường hợp làm việc với Cty, nên làm việc với các bên có email chính thức của Cty, chứ không phải các loại email miễn phí.
3 thành phố của Việt Nam lọt top những điểm du lịch chi phí rẻ nhất thế giới
Khuyến cáo người tiêu dùng khi đặt mua các gói du lịch giá rẻ
Lừa bán tour du lịch giá rẻ, "nẫng" tiền tỷ
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động