Thứ sáu 29/03/2024 21:20

Cần xử lý nghiêm những hành vi quảng cáo sai sự thật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Quảng cáo sai sự thật là một hành vi lừa dối khách hàng. Mặc dù đã có những quy định xử phạt, thậm chí hành vi quảng cáo gian dối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên việc quảng cáo sai sự thật vẫn luôn tồn tại. Vậy nên nhất thiết cần cần xử lý nghiêm hơn nữa vi phạm này.
Cần xử lý nghiêm những hành vi quảng cáo sai sự thật
Những quảng cáo "nổ" của Hoàng Hường về công dụng sản phẩm

“Thị trường” quảng cáo luôn rôm rả với mọi sự cạnh tranh về những cái “nhất” trong sản phẩm của mình. Sản phẩm “con đẻ” mình tạo ra nhà sản xuất nào chẳng cho là nó tốt nhất, tối ưu nhất và tất nhiên việc càng đưa đến tay nhiều người thì lợi nhuận càng lớn, nên nó có không “nhất” thì cũng không thể là nhì trong các bài quảng cáo.

Thế nhưng câu chuyện “con đẻ” của nhà sản xuất là tốt nhất đấy là chủ quan, nhưng khi đưa thông tin đến người dùng thì nó lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Việc quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm, hô biến từ thực phẩm chức năng thành thuốc chữa bệnh hoặc biến từ một thứ thuốc Đông y pha trộn thảo dược với Coticoid thành thần dược thực tế lại là những chiêu trò thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu lừa dối khách hàng. Và việc đó hoàn toàn chứng tỏ các doanh nghiệp đang vì lợi nhuận mà bất chấp đạo đức kinh doanh và trách nhiệm với xã hội.

Các video quảng cáo “ba đời” một thuở

Cách đây hơn 1 năm, những quảng cáo về thần dược Đông y với chiêu bài “ba đời nhà tôi” nhan nhản phát, chiếu công khai trên mạng xã hội. Những bài thuốc được sản xuất công nghiệp với công thức chung là trộn thảo dược cùng hoạt chất coticoid để ra những viên thuốc được bán thẳng đến các nhà phân phối. Tại các cơ sở phân phối, sau khi nhận những lô “thuốc” này, người ta đóng gói, dán nhãn mác và với các chiêu trò hô biến nó thành những thứ thuốc trị bách bệnh, từ đau xương khớp, mất ngủ, tiểu đường cho đến yếu sinh lí.

Và phục vụ cho sản phẩm xuất hiện đình đám trên thị trường và đưa đến tay những người dùng nhẹ dạ cả tin, cả một ê- kíp từ diễn viên quần chúng, bác sĩ giả đến dược sĩ không qua trường lớp thay nhau đứng lên khẳng định về công dụng của sản phẩm. Những video clip được dựng công phu về một “lang y gia truyền” cũng từ đó xuất hiện… Các sinh viên mới ra trường, những lao động thất nghiệp nhanh chóng được chiêu mộ để “hô biến” thành bác sĩ, dược sĩ để tư vấn mua những liệu trình 4 – 5 triệu đồng.

Tất nhiên, nhiều người đã nhập viện cấp cứu vì tin tưởng uống những liệu trình “thần dược” đó. Bệnh đã chẳng khỏi lại được tặng thêm vài ba căn bệnh cấp tính khác! Sau một thời gian báo chí, truyền thông cùng các cơ quan chức năng quyết liệt ngăn chặn, những chiêu trò quảng cáo đó dần biến mất trên mạng xã hội.

Nhưng rồi chẳng được bao lâu, những bài thuốc, những viên thực phẩm chức năng này lại rục rịch trở lại bằng những cách khác. Có tinh vi hơn trước, nhưng cũng nguy hiểm hơn vì những cơ sở, ông chủ bà chủ sau này lại tận dụng sự lan tỏa của mạng xã hội cũng như bỏ tiền ra để lên có thể xuất hiện trên cả các báo chí, truyền hình quốc gia để lấy lòng tin của người dùng…

Cần xử lý nghiêm những hành vi quảng cáo sai sự thật
Những quảng cáo "ba đời" một thuở

Những quảng cáo “tung trời” về TPCN

Nổi đình nổi đám mới đây là Hoàng Hường và những bài quảng cáo “nổ” tung trời về các sản phẩm Hoàng Hường sản xuất. “100 người chỉ 1 người đặt được hàng, 99 người không có hàng để đặt”, câu quảng cáo kích thích người ta hành động được Hoàng Hường sử dụng triệt để. Sau khi bị “tố” vì cơ sở nha khoa không giấy phép, năm 2021, Hoàng Hường cho ra mắt thị trường nước súc miệng Hoàng Hường Care Medic với những quảng cáo “tung trời” về công dụng.

Mặc dù không phải là thuốc chữa bệnh, nhưng bà Hoàng Hường thường xuyên khẳng định có thể “điều trị các bệnh hôi miệng lâu năm, hôi "từ kiếp trước sang kiếp này", thậm chí điều trị viêm lợi" trong các video livestream cá nhân.

Sản phẩm này cũng được quảng cáo qua các trang mạng xã hội Facebook, YouTube, fanpage tên Nha khoa quốc tế Hoàng Hường, Nhà thuốc Hoàng Hường, Dược phẩm Hoàng Hường, Hoàng Hường số 1 nha khoa đẹp…

Sau sản phẩm nước súc miệng, súc họng gây tranh cãi, Công ty dược phẩm Hoàng Hường tiếp tục tung ra loại viên xương khớp “thần kỳ”.

Tại một livestream giới thiệu sản phẩm viên xương khớp Hoàng Hường, bà Hường nói: “Tất tần tật, những gì đau liên quan đến xương khớp từ đầu xuống chân, em giải quyết được hết. Em không khẳng định là uống 1 liều sẽ hết nhưng chỉ cần uống trong 1-2 tuần sẽ khỏi đến 50 - 60%. Ai nặng lắm thì 2 tháng là hết… dù xương khớp đau đến cỡ nào”.

Ngày 13-4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố vi phạm về quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên xương khớp Hoàng Hường, do quảng cáo gây hiểu lầm tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Quảng cáo mà không có hoặc ghi không đúng hoặc không đọc rõ hoặc không thể hiện trong quảng cáo khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Tuy nhiên, không chỉ sản phẩm xương khớp Hoàng Hường mà tất cả các bài viết giới thiệu về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của dược phẩm Hoàng Hường như: viên ngủ ngon Hoàng Hường, dạ dày Hoàng Hường… đều không có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” trong các bài viết.

Sau khi xử phạt, Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu các cơ sở bị xử phạt về quảng cáo phải tháo gỡ, xóa nội dung quảng cáo vi phạm.

Tuy nhiên, những cơ sở như Hoàng Hường không hiếm. Càng không thể chắc rằng sau khi xử phạt Hoàng Hường, cơ sở này cũng như bà chủ Hoàng Hường sẽ dừng lại các chiêu trò để tiếp tục “chuốc mê” khách hàng trong mê cung của công dụng.

Quảng cáo sai sự thật có thể bị xử lý hình sự

Quảng cáo sai sự thật là hành vi bị cấm đã được quy định trong các bộ luật, thông tư và nghị định – luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho biết. Theo đó, Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 sửa đổi, bổ sung 2018 có quy định về các hành vi bị cấm, trong đó có: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.”

Việc quảng cáo sai sự thật có thể bị phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng, theo khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP với các hành vi: Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ…;

Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo.

Bên cạnh đó, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ Luật hình sự 2015: “Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm” – luật sư Hùng cho biết.

Cơ sở pháp lý đã có, tuy nhiên theo Luật sư Hùng, để điều trị tận gốc không phải một sớm một chiều. Việc quảng cáo sai sự thật với các doanh nghiệp như vậy là đã vi phạm đạo đức kinh doanh. “Mặc dù, Luật Quảng cáo năm 2012 đã quy định rõ các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam, phóng đại, phản cảm, thiếu thẩm mỹ… nhưng vi phạm về đạo đức trong quảng cáo vẫn diễn ra liên tục. Nguyên nhân là do hình thức xử phạt hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe, chủ yếu là phạt tiền và xử lý hành chính. Vậy nên, cần xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật là thực sự cần thiết” – luật sư Hùng bày tỏ.

Dược phẩm Hoàng Hường cùng nhiều Cty khác bị xử phạt vì toàn “tự ý công bố công dụng sản phẩm”
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên sủi KOWACHI “nổ” là thuốc chữa bệnh
Sản phẩm Bảo Nhãn Vương Cảnh và Viên uống Tauna bị cảnh cáo vì quảng cáo “nổ”
Cảnh báo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xuyên Tâm Liên Phạm Gia quảng cáo sai sự thật
Sản phẩm Shioka lại tiếp tục quảng cáo “nổ”
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động