Thứ sáu 08/11/2024 16:24

Cần xây dựng phương án PCCC, thoát hiểm cho mỗi người dân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thực trạng những nơi mà có dân cư đông đúc sống trong những ngôi nhà chật hẹp, xuống cấp, nằm trong các con ngõ nhỏ, sâu với nhiều đồ đạc, rất dễ cháy. Khi xảy ra hỏa hoạn, những khu này không đảm bảo cho việc phòng cháy chữa cháy (PCCC), cứu hộ cứu nạn, để lại hậu quả nặng nề...

Trên thực tế, các tuyến phố cổ thường là phố cũ nên phần lớn các công trình, nhà ở xây dựng theo hình ống, nhiều hộ gia đình sống chung một số nhà. Nhiều căn phòng chỉ có diện tích khoảng 10 - 25m2 cũng là nơi sinh hoạt của 4, 5 người trong một hộ dân, bao gồm cả việc đun nấu nên nguy cơ xảy ra cháy cao.

Không chỉ vậy, các nhà sử dụng chung hành lang, chung ngõ với nhiều hệ thống dây điện, dây cáp được đấu nối lỏng lẻo, dễ xảy ra chập cháy nếu không để ý.

Phần lớn các tuyến phố cổ đều nhỏ, ngắn, hình ô bàn cờ, vỉa hè lòng đường chật hẹp, mật độ tham gia giao thông cao, thường xuyên ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm.

Bên cạnh đó, ngõ ngách dẫn vào các ngôi nhà rất nhỏ, sâu, gần như không có lối thoát hiểm nếu xảy ra sự cố cháy nổ; lực lượng chữa cháy, cứu nạn khi tiếp cận hiện trường gặp nhiều khó khăn, điển hình như vụ cháy ở ngõ 31 phố Hàng Giấy, phường Đồng Xuân khiến 2 thanh niên tử vong. Ngoài ra nguy cơ cháy lan ra những căn nhà khác vì sát vách và liền kề cũng rất cao.

can xay dung phuong an pccc thoat hiem cho moi nguoi dan
Lực lượng chức năng làm công tác cứu hộ tại hiện trường. ẢNH TƯ LIỆU

Trước đó, khoảng 9g sáng ngày 5-11, một vụ cháy nghiêm trọng đã xảy ra tại số nhà 31 Hàng Giấy - Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khiến 2 thanh niên 17 tuổi bị thương phải nhập viện cấp cứu và tử vong sau đó.

Nhận được tin báo, lực lượng cứu hỏa cùng CA phường và dân quân tự vệ đã nhanh chóng tới hiện trường dập lửa. Tuy nhiên, do ngõ vào hiện trường khá hẹp khiến việc cứu người và chữa cháy gặp nhiều khó khăn.

Trung tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 1 (Cảnh sát PCCC Hà Nội) cho biết: “Ngay sau khi nhận được tin báo cháy, chúng tôi đã điều động xe cùng các chiến sỹ đến làm nhiệm vụ.

Khoảng 8 phút cảnh sát PCCC đã tiếp cận được hiện trường. Căn nhà nơi xảy ra cháy cao 3 tầng, 1 tum. Sau ít phút tiếp cận, đám cháy đã được dập tắt. Lực lượng cứu hỏa đã đưa 2 nạn nhân bị thương trong vụ cháy ra khỏi hiện trường, chuyển đi BV cấp cứu”.

Cũng theo Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 1, về điểm xuất phát cháy ban đầu được xác định từ tum sau đó cháy lan xuống tầng 3 của ngôi nhà. Khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được ngôi nhà thì phát hiện một thanh niên nằm ở tầng 3 và một người nữa nằm ở tầng tum.

Danh tính 2 nạn nhân được xác định là Mai Nguyễn C và Mai Văn D (cùng SN 2000, quê Thanh Hóa). Họ làm bốc vác thuê cho chủ nhà.

Theo thống kê của cơ quan Cảnh sát PCCC, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có hơn 1.700 ngõ nhỏ, trong đó có hàng chục tuyến phố xe chữa cháy không thể tiếp cận.

Ở khu vực này, nhiều hộ kinh doanh những mặt hàng dễ bắt cháy như giày dép, quần, áo, vải vóc, hàng nhựa... tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Chỉ cần người dân sơ ý, bất cẩn khi sử dụng nến, đèn dầu, bếp ga, các thiết bị điện; đốt vàng mã, thắp hương thờ cúng... là hỏa hoạn có thể xảy ra.

Trước những bất cập đó, trong nhiều năm qua, lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã có chỉ đạo quận Hoàn Kiếm và các phường trên địa bàn triển khai nhiều biện pháp thực hiện Luật PCCC.

Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn các hộ, cơ quan, tổ chức trong khu vực phố cổ thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ cháy nổ và xây dựng các phương án phòng chống cháy nổ; nhanh chóng xử lý ngay từ khi mới phát sinh nhằm giảm tối đa thiệt hại.

Lực lượng Cảnh sát PCCC đã phải cùng với cảnh sát khu vực tuyên truyền tới từng hộ dân, kết hợp với loa truyền thanh, vận động người dân tập huấn về PCCC. Thời điểm tổ chức tập huấn phải chọn vào buổi tối, từ 19g-21g để người dân có thể tham gia đông đảo.

Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra ở khu phố cổ, đòi hỏi các cấp chính quyền, lực lượng chức năng làm tốt hơn nữa công tác quản lý trật tự giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn. Không để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán kinh doanh, bảo đảm “đường thông ngõ thoáng” để xe chữa cháy dễ tiếp cận.

Cải tạo hệ thống điện; kiểm tra các trụ nước, bể nước, bảo đảm nguồn nước chữa cháy; tuyên truyền phổ biến kiến thức PCCC cho người dân, cho các chủ hộ ký cam kết PCCC, nhất là khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; xây dựng hoàn chỉnh các phương án chữa cháy và tiến hành thực tập nhuần nhuyễn tại những khu vực có nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ, nhất là tại các chợ, khu đông dân cư...

Tại những khu vực khó khăn về nguồn nước, cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn cho tổ trưởng dân phố, đội trưởng PCCC dân phòng thực tập phương án chữa cháy bằng máy bơm khiêng tay, dùng nguồn nước từ bể các gia đình, để chủ động dập tắt đám cháy ngay từ khi mới xảy ra; kiểm tra, đôn đốc các chủ hộ kinh doanh và các gia đình thực hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm trong công tác PCCC.

Hơn ai hết, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cần đề cao cảnh giác, xây dựng các phương án PCCC và thoát hiểm cho chính bản thân và gia đình, có như vậy mới giảm thiểu các vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.

Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động