Thứ sáu 29/03/2024 05:04
Góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội

Cần tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nên bổ sung việc “Đẩy lùi đại dịch Covid-19” là điểm nhấn nổi bật khi là kết quả của khối đại đoàn kết, tinh thần “chống dịch như chống giặc” và các giải pháp quyết liệt, triệt để Đảng - Nhà nước ta đã đề ra.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Tầm nhìn, 16 Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội góp ý.

Cũng theo bà Nguyệt, cùng với sự thắng lợi của cả nước trong công cuộc phòng, chống “giặc” Covid-19, Thủ đô cùng với các quyết sách trong thời điểm vừa qua chưa bao giờ khiến nhân dân yên lòng, bình tâm đến thế. Tuy nhiên, sau Covid-19, những khó khăn, thách thức đặt ra khiến không chỉ chính quyền Hà Nội đau đầu.

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và lan rộng ra hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội gặp vô vàn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã phải co hẹp kinh doanh, đóng cửa, hoạt động cầm chừng.

Mà cũng chẳng cần chờ đến Covid-19, trước đó, doanh nghiệp khối tư nhân đã có những rào cản, những khó khăn cần các cấp chính quyền, các nhà hoạch định kinh tế tháo gỡ. Thực tế, kinh tế tư nhân đang chiếm một lực lượng đông đảo, theo VCCI, khu vực kinh tế này hiện đang đóng góp 40% GDP (cao hơn DN nhà nước và DN FDI), đóng góp khoảng hơn 40% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển bán lẻ và dịch vụ, khoảng 60% tổng lượng hàng hoá vận chuyển.

can tang kha nang tiep can von cua doanh nghiep
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Tầm nhìn

Mặt khác kinh tế tư nhân còn chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong đầu tư phát triển toàn xã hội. Kinh tế tư nhân có xu hướng vượt qua khu vực kinh tế nhà nước để trở thành thành phần kinh tế thực hiện vốn đầu tư của toàn xã hội lớn nhất.

Dù được đánh giá là chủ thể của nền kinh tế nhưng khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa phát triển bứt phá do nhiều nguyên nhân. Nhiều rào cản khiến các doanh nghiệp tư nhân rút khỏi thị trường. Cụ thể, môi trường kinh doanh có nhiều rủi ro về mặt thể chế. Doanh nghiệp Việt, bên cạnh các rủi ro thông thường, phải đối mặt rủi ro pháp lý. Điều này đến từ hệ thống pháp luật không cụ thể, không rõ ràng, không minh bạch, không hiệu quả.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp có hoài bão lớn nhưng trong quá trình phát triển vẫn đang gặp phải những khó khăn nhất định từ những rào cản cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, thuế, vốn…

Và cái quan trọng nhất theo tôi, đó là những định kiến và quá nhiều thủ tục chưa hợp lý đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn vay, khó tiếp cận bảo lãnh tín dụng.

Trong chương II, mục 1.1 có mục: Tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng và chất lượng, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Hỗ trợ hình thành một số tập đoàn tư nhân lớn, có khả năng cạnh tranh quốc tế, dẫn dắt và thúc đẩy phát triển hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng ngành nghề.

Vậy nên, Dự thảo ngoài phát triển cần có những giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn; xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý, minh bạch và thủ tục vay vốn đơn giản; khuyến khích đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Tháo gỡ khó khăn về mặt chính sách, tạo môi trường đầu kinh thông thoáng, hỗ trợ cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển trong tương lai, nhất là giai đoạn khó khăn sau dịch bệnh.

Điều này chắc chắn sẽ gia tăng lòng tin và cảm giác an tâm của doanh nghiệp đối với các chính sách điều hành kinh tế hiện nay.

Ngọc Dung (ghi)
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động