Chủ nhật 28/04/2024 13:17

Cần sớm đưa ra phương án sửa mức giảm trừ gia cảnh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân.
Giải quyết thủ tục cho người dân tại bộ phận một cửa phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội                                                                           Ảnh: Công Phương
Giải quyết thủ tục cho người dân tại bộ phận một cửa phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Công Phương

Mức giảm trừ gia cảnh đang bị lạc hậu

Tại Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi 2012) và các quy định khác liên quan thì giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú.

Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần là giảm trừ đối với bản thân người nộp thuế và giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc của người nộp thuế.

Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi 2012) có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Việc xác định mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc thực hiện theo nguyên tắc mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế. Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024 của Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ theo Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân.

Cụ thể, Bộ Tài chính phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền ban hành; kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các chính sách miễn, giảm, gia hạn cần áp dụng trong thời gian tới. Nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân...

Căn cứ quy định tại Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 thì mức giảm trừ gia cảnh năm 2024 cụ thể như sau: mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Thuế thu nhập cá nhân dựa trên tiền công, tiền lương của người làm công ăn lương với 7 bậc đánh thuế, thấp nhất 5% và cao nhất 35%. Sau khi giảm trừ gia cảnh, mức thuế các bậc gồm: thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5 - 10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10 - 18 triệu đồng mức 15%; từ 18 - 32 triệu đồng nộp thuế 20%; từ 32 - 52 triệu đồng nộp thuế 25%; từ 52 - 80 triệu đồng nộp thuế 30% và trên 80 triệu đồng nộp thuế 35%.

Mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp hiện tại đã được điều chỉnh và áp dụng từ tháng 7/2020. Tuy nhiên, trên thực tế, mức giảm trừ gia cảnh này đang bị lạc hậu, bất cập trong tính thuế thu nhập cá nhân, khi chi tiêu và cuộc sống ngày càng đắt đỏ.

Đặc biệt ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mức giảm trừ gia cảnh cho chính bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc không thể nào đảm bảo được toàn bộ chi phí sinh hoạt, ăn uống, học hành, đi lại, khám chữa bệnh...

Người dân phải chi tiêu nhiều hơn

Theo khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê, năm 2023, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam đạt 7,1 triệu đồng mỗi tháng, tăng 459.000 đồng (6,9%) so với cùng kỳ 2022. Con số này cao gấp nhiều lần thu nhập bình quân đầu người công bố năm 2006 chỉ ở mức 636.000 đồng (tăng 31,3% so với năm 2004 - thời điểm soạn thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân).

Như vậy, thu nhập của người dân tăng hơn 7 lần trong vòng 16 năm. Trong khi đó, luật Thuế thu nhập cá nhân được áp dụng từ năm 2007, sau 2 lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế (từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và 11 triệu đồng/tháng vào năm 2020) thì mức tăng chưa đến 3 lần.

Ngoài ra, bình quân mỗi người dân chi tiêu năm 2008 khoảng 792.000 đồng/tháng thì tới năm 2022 lên gần 2,8 triệu đồng/tháng, tương ứng tăng gần 3,6 lần. Như vậy, để đảm bảo duy trì đời sống hiện nay như trước đây, người dân phải chi tiêu nhiều hơn, đồng nghĩa mức giảm trừ gia cảnh ít nhất phải được nâng lên tương ứng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cần sửa mức giảm trừ gia cảnh trong đóng thuế thu nhập cá nhân được người dân phản ánh trong nhiều năm qua. Nhiều người có thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng (nhìn thì ở mức khá) nhưng nuôi hai con ăn học, bố mẹ hết tuổi lao động không có lương hưu.

Chi phí sinh hoạt gia đình riêng và chi phí thăm khám, xe cộ đi lại, chữa bệnh cho bố mẹ ngày càng tăng cao, vẫn phải đóng thuế thu nhập hàng tháng. Vì thế việc sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh chưa có phương án khiến họ rất sốt ruột.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Luật Thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam đang ở mức quá cao trong khi xu thế các nước hạ thấp. Ví dụ ở Singapore đã giảm mức thuế thu nhập cá nhân về mức 20%, Indonesia 25%, trong khi Việt Nam hiện lên tới 35%. Người kiếm được hàng trăm triệu đồng/tháng thường là những người giỏi, tạo công ăn việc làm và đó chính là sự đóng góp cho xã hội chứ không phải đơn thuần thông qua đóng thuế.

Ngoài ra, ở Việt Nam, chủ yếu người phải nộp thuế thu nhập cá nhân là làm công ăn lương. Vì vậy, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với tốc độ trượt giá, chi phí sinh hoạt tăng.

Người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân có trách nhiệm nuôi dưỡng, bao gồm: con chưa thành niên; con bị tàn tật, không có khả năng lao động; các cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định, bao gồm con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề; vợ hoặc chồng không có khả năng lao động; bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; những người khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.
Nâng mức giảm trừ gia cảnh để giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế
Hướng dẫn việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động