Cần linh hoạt trong việc điều hành chính sách tiền tệ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phạm Thanh Hà phát biểu tại diễn đàn. |
Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ban, ngành
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho rằng, từ suy thoái sâu trong đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu nhanh chóng chuyển trạng thái thành lạm phát cao kỷ lục, lên mức hơn 8% tại Mỹ và hơn 10% tại châu Âu, hơn 80 quốc gia lạm phát từ 2 con số trở lên trong năm 2022. Lạm phát tăng cao nên xu hướng thắt chặt tiền tệ là không tránh khỏi. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất với tần suất và mức độ nhanh nhất trong lịch sử, tăng 5% chỉ trong 14 tháng.
Làm sao để vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu tăng cao; thứ hai, vừa giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất; thứ ba, vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.
Nhiệm vụ đặt ra vô cùng thách thức nhưng được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã chủ động, linh hoạt, thích ứng nhanh với tình hình trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để chung tay, góp sức, đồng hành cùng cộng đồng DN, người dân khắc phục các khó khăn, đạt được các mục tiêu vĩ mô đặt ra.
Để giải quyết các vấn đề trên, theo TS. Võ Trí Thành, Việt Nam cần sớm có kịch bản riêng để mọi việc không trở nên xấu đi, bên cạnh việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, đầu tư công, tạo công ăn việc làm, bơm vốn trong nền kinh tế. Nội tại nền kinh tế đang đối mặt với nhiều bài toán khó khăn trên nhiều lĩnh vực, như chậm giải ngân đầu tư công, vướng mắc pháp lý và sự suy yếu của thị trường bất động sản, áp lực điều chỉnh thị trường trái phiếu DN…
Đặc biệt, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ban, ngành, địa phương, cùng tham gia xây dựng gói giải pháp chung tổng thể, nhằm tăng cường tính liên kết giữa các chính sách nói chung và giúp gia tăng hiệu quả chính sách tiền tệ nói riêng…
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, cần phối hợp chặt chẽ hơn chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính. Cụ thể, chính sách tiền tệ cần đa mục tiêu hơn, thêm trọng tâm ổn định tiền tệ - tài chính. Chuyển trạng thái từ chặt chẽ, thận trọng... sang nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng. Giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, chính sách cơ cấu lại nợ. Hỗ trợ thanh khoản, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng...
Bên cạnh đó, đối với chính sách tài khoá, tiếp tục là chủ lực, nới lỏng, có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục chính sách giãn hoãn, giảm thuế, phí (Nghị định 12/NĐ-CP ngày 14/4/2023, giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT); đẩy nhanh hoàn thuế VAT; phối hợp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, Chương trình phục hồi 2022 - 2023.
Về phía ngân hàng thương mại, ông Bùi Thành Trung, Phó Tổng GĐ phụ trách Khối Kinh doanh tiền tệ và đầu tư, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chia sẻ, DN khó ngân hàng cũng khó, ngược lại ngân hàng khó, DN càng khó, đồng hành cùng các chỉ đạo quyết liệt của NHNN và chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, OCB đã có rất nhiều chương trình, chính sách để cùng tháo gỡ khó khăn cho động đồng DN như gói hỗ trợ khách hàng bán lẻ với lãi suất ngắn hạn và dài hạn phụ thuộc vào điều kiện kinh doanh của khách hàng.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm nhiều thách thức với điều hành chính sách tiền tệ tới từ diễn biến phức tạp của cả kinh tế thế giới lẫn trong nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến vĩ mô, thị trường, các vụ việc liên quan đến khó khăn, đổ vỡ một số ngân hàng quốc tế, điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại