Thủ tướng Chính phủ: Chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị |
Sáng 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Tín dụng tăng 4,73%, lãi suất bình quân giảm 1%
Nền kinh tế Việt Nam chịu tác động kép từ khó khăn bên ngoài và nội tại, tuy nhiên cũng có cơ hội đan xen. Mặc dù vậy, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã vượt khó đạt được các mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế… Để có được kết quả tích cực trên có sự đóng góp quan trọng của ngành ngân hàng.
NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng.
Về điều hành lãi suất, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất, với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm .
Với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới bằng VND của ngân hàng thương mại (NHTM) giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022. Các NHTM đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay, với mức giảm khoảng 0,5 - 3,0%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với khoản vay mới.
Về điều hành tỷ giá, NHNN đã bám sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Thị trường ngoại tệ trong nước và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. NHNN mua được ngoại tệ từ tổ chức tín dụng (TCTD) bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.
Đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Trong công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, NHNN tiếp tục triển khai quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 (Đề án 689).
NHNN đã tích cực hoàn thiện thể chế, hiện đang trình Quốc hội thông qua Luật các TCTD sửa đổi, tham mưu kịp thời theo thẩm quyền các cơ chế chính sách ngành ngân hàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Ngoài ra, NHNN cũng dẫn đầu trong các cơ quan trung ương về một số chỉ số, như 7 lần liên tiếp đứng đầu về cải cách hành chính; hệ thống các TCTD tiếp tục được củng cố, tăng cường, thể hiện sự trưởng thành trong khó khăn, hạn chế tiêu cực.
Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng cũng được tích cực đẩy mạnh.
Thủ tướng biểu dương các ngân hàng đã đưa ra nhiều sản phẩm, chính sách đặc thù… hỗ trợ doanh nghiệp, giúp niềm tin thị trường quay trở lại.
Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn đề nghị ngành ngân hàng mạnh dạn nhìn nhận một số hạn chế như dư nợ tín dụng vẫn thấp; mặt bằng lãi suất cho vay còn cao hơn so với mong muốn hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp…
Quang cảnh Hội nghị |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến động, gây ra những khó khăn, thách thức cho nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Cụ thể, lạm phát cao, tăng trưởng suy giảm, hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 còn kéo dài, cạnh tranh chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, xung đột Nga - Ukraine kéo dài đe doạ an ninh lương thực, an ninh năng lượng… Trong khi đó, các nước đang phát triển còn hạn chế khả năng thích ứng và cú sốc từ bên ngoài, trong đó có Việt Nam.
Trong thời gian tới, trước bối cảnh tình hình trong nước và thế giới dự báo vẫn còn nhiều khó khăn xen lẫn thời cơ, thuận lợi, Thủ tướng cho biết, Chính phủ ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tập trung 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Song song với đó là mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định chính trị, xã hội.
Nhấn mạnh ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, Thủ tướng đề nghị NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng có kiểm soát, phối hợp với nhịp nhàng với chính sách tài khoá mở rộng. "Điều hành chính sách làm sao để cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, giữa lãi suất và lạm phát, giữa cung và cầu, theo sát, nắm chắc tình hình bên trong và bên ngoài"- Thủ tướng lưu ý.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN tập trung điều hành tín dụng tăng trưởng hợp lý, chỉ đạo các NHTM hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, các đối tượng ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên vẫn cần theo quy tắc thị trường, cạnh tranh, cung cầu, có sự điều tiết của nhà nước khi cần. Phấn đấu giảm chi phí, cắt bỏ những hoạt động hành chính không cần thiết, tăng cường số hoá để có điều kiện, dư địa hỗ trợ khách hàng; đẩy mạnh gói hỗ trợ lãi suất 2%... Đặc biệt, Thủ tướng mong muốn, ngành ngân hàng sẽ phát huy “tâm - tài - trí - tín” để cùng doanh nghiệp, đất nước vượt qua khó khăn, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
10 giải pháp của ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2023
Về nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2023, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tập trung vào 10 giải pháp chính. Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước, quốc tế để tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tài khóa cùng các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Thứ hai, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các NHTM. Theo dõi, giám sát chặt chẽ việc triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02.
Thứ ba, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42... Tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh nhằm bảo đảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức an toàn.
Thứ tư, tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra; nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô. Trong đó, tập trung triển khai Kế hoạch thanh tra năm 2023; tiếp tục giám sát toàn diện hoạt động của các TCTD để kịp thời phát hiện, cảnh báo các rủi ro tiềm ẩn.
Thứ năm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, đặc biệt là việc phân tích, xử lý các báo cáo giao dịch đáng ngờ.
Thứ sáu, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững. Trong đó, tập trung hoàn thiện dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Bảo hiểm tiền gửi.
Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng...
Thứ tám, tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh... Tăng cường kỷ luật, kỷ cương điều hành trong mọi hoạt động về tiền tệ và ngân hàng.
Thứ chín, chủ động, kịp thời thông tin, truyền thông về các cơ chế, chính sách, giải pháp điều hành của NHNN.
Cuối cùng, tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả những nhiệm vụ, công tác khác của ngành.
Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác định giá đất |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại