Cần làm rõ có đồng phạm hay không?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCơ quan ANĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến trục lợi bảo hiểm |
Mua 19 hợp đồng bảo hiểm
Mới đây, Cơ quan ANĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến vụ một khách hàng mua 19 hợp đồng bảo hiểm (HĐBH). Trước đó, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) và 9 DN bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ gồm: Liberty, Prudential, Aviva, MB Ageas, FWD, Generali, Dai-ichi, VBI, Cathay đã có văn bản gửi Bộ Công an tố giác anh Nguyễn Văn Khánh, SN1987, trú tại TP Hải Phòng, có dấu hiệu gian dối trong kê khai mua bảo hiểm nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm.
Theo đó, ngày 29-4, trong văn bản số 61/HHBH/2021, IAV với vai trò bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên đã tố giác khách hàng tên Nguyễn Văn Khánh lên Cơ quan ANĐT Bộ Công an. Tại công văn này, IAV cho biết, có những bằng chứng cho thấy khách hàng Nguyễn Văn Khánh đã biết trước mình bị ung thư tuyến giáp. Trước đó khách hàng này lấy tên là Khanh đến khám tại BV Trung ương Quân đội 108 và nhận được kết quả chẩn đoán là bị ung thư tuyến giáp.
Sau đó, từ tháng 10-2019 đến tháng 2-2020, anh Nguyễn Văn Khánh mua 19 HĐBH sức khỏe mức cao nhất (mỗi năm đóng trên 200 triệu đồng tiền phí bảo hiểm) tại 13 Cty bảo hiểm nhân thọ lẫn phi nhân thọ (trong đó có Bảo hiểm Bảo Việt, Liberty, VBI, Prudential, Dai-ichi, Aviva, FWD, MB Ageas, Cathay, Generali) mà không khai báo việc mình đã có bệnh nhằm mục đích yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm khi đã hợp pháp hóa hồ sơ bệnh án bằng cách đi khám và điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội.
Sau khi mua bảo hiểm hơn 3 tháng, anh Nguyễn Văn Khánh đã được Prudential, MB Ageas, Bảo hiểm Bảo Việt và VBI chi trả tiền bảo hiểm số tiền gần 4 tỷ đồng. Theo IAV, nếu không kịp thời điều tra làm rõ hành vi gian dối, trục lợi bảo hiểm của khách hàng này để ngăn chặn thì tới đây, các Cty bảo hiểm còn lại sẽ phải tiếp tục chi trả số tiền bảo hiểm ước có thể lên tới 20 tỷ đồng.
Có đồng phạm hay không?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trục lợi bảo hiểm được hiểu là hành vi gian dối, lừa dối có mục đích cố ý, nghĩa là ngay từ khi khai báo hồ sơ yêu cầu bảo hiểm đã che giấu thông tin của mình, hành vi này nhằm chiếm nhận số tiền bồi thường bảo hiểm của Cty, DN mà lẽ ra họ không được nhận.
Với trường hợp kể trên, luật sư Thái cho rằng, nếu như Hiệp hội Bảo hiểm là bên tố giác cho biết đã cung cấp thông tin và bằng chứng cho thấy anh Nguyễn Văn Khánh đã biết trước mình bị ung thư tuyến giáp, bằng cách giả mạo thông tin nhân thân để khám tại bệnh viện và nhận được kết quả chẩn đoán là bị ung thư tuyến giáp. Nếu đúng, đây sẽ là một trường hợp của trục lợi bảo hiểm.
Luật sư Thái cũng lưu ý, trong sự việc này CQĐT cần làm rõ có hay không “bàn tay” tư vấn của tư vấn viên hay đại lý bảo hiểm trong việc giấu bệnh, khai và điền hồ sơ yêu cầu bảo hiểm không trung thực của khách hàng.
“Không loại trừ khả năng, đại lý bảo hiểm hoặc tư vấn viên tư vấn sự nguy hiểm của bệnh tật, đánh vào lòng tham, hướng cho khách hàng cần mua bảo hiểm và sẽ được nhận tiền chi trả bồi thường đối với khách hàng khi tham gia bảo hiểm, che giấu bệnh tật. Đồng thời, cố ý làm sai lệch thông tin hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, giả mạo tài liệu, thỏa thuận ăn chia, hoặc nhận phần trăm tiền thưởng… Nghĩa là với vai trò chủ mưu trong trường hợp này hoặc là đồng phạm, có tổ chức”, luật sư Thái nêu quan điểm.
Cũng theo luật sư Thái, BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã hình sự hóa đối với hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm. Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm được quy định, hướng dẫn tại Điều 213, BLHS năm 2015. Theo đó, mức phạt tù cao nhất là 7 năm đối với cá nhân, còn pháp nhân thì xử phạt mức tối đa là 7 tỷ đồng và cấm kinh doanh đến 3 năm.
Theo luật sư Thái, có nhiều nguyên nhân dẫn tới hành vi trục lợi bảo hiểm như sự thiếu hiểu biết pháp luật. Các quy định pháp luật về chế tài còn lỏng lẻo, người dân chưa nhận thức được bản chất của trục lợi là tội phạm, thậm chí không sợ phạm tội. Trục lợi bảo hiểm còn xuất phát từ lòng tham, đặc biệt là trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Về phía DN, hiện vẫn chưa có hoặc không có sự hợp tác hoặc cung cấp để chia sẻ thông tin giữa các DN. Trong khi đó, quy định về quy trình quản lý nghiệp vụ của các DN bảo hiểm còn lỏng lẻo, nhiều kẽ hở, dễ bị lợi dụng.
Với các tổ chức giám định, sửa chữa cung cấp vật tư, các cơ sở y tế chưa có ý thức đề phòng vụ lợi, dễ bị mua chuộc để làm giả, làm sai lệch hồ sơ yêu cầu bồi thường nhằm trục lợi, thiếu quan tâm hỗ trợ DN phát hiện các đối tượng trục lợi bảo hiểm. Ngoài ra, các cơ quan công quyền thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu phối hợp, thiếu hỗ trợ, thậm chí gây khó khăn cho các Cty bảo hiểm trong việc điều tra, xác minh các khiếu nại đáng ngờ về hành vi trục lợi.
“Thực tế, hầu như các Cty bảo hiểm khi ký HĐBH với khách hàng chỉ thực hiện khám sức khỏe tổng quát, không thể thực hiện khám chuyên sâu do chi phí để khám chuyên sâu rất lớn lên tới vài chục triệu đồng. Vì vậy, các Cty bảo hiểm phụ thuộc hoàn toàn vào lời khai của khách hàng. Đã có không ít khách hàng lợi dụng kẻ hở này để trục lợi và ở thời điểm hiện tại rất khó để lấp kẽ hở này. Vì vậy cần một hệ thống cơ sở dữ liệu chung cho ngành bảo hiểm, nhằm hạn chế các hành vi gian lận bảo hiểm trên”, luật sư Thái đề xuất.
Đại diện một trong số 9 DN trong vụ việc một khách hàng mua 19 HĐBH thừa nhận, có hàng loạt vụ việc gian dối khi mua bảo hiểm nhân thọ để trục lợi như cố tình che giấu bệnh tật, không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ các thông tin sức khỏe... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại