Cạm bẫy của “thị trường” hẹn hò online
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐối tượng cầm đầu Hoàng Văn Hà và Ngô Thị Oanh trong vụ lừa đảo anh N.V.U dẫn đến cái chết của nạn nhân. Ảnh: CACC |
Cạm bẫy của “thị trường” hẹn hò online
Gần một tháng trôi qua nhưng vụ việc anh N.V.U (SN 2003, quê ở Nghĩa Hưng, Nam Định) sau khi đi đến nơi hẹn với bạn gái hẹn hò online đã tử vong và thi thể được tìm thấy ở cầu Nhật Tân vẫn còn khiến nhiều người bàng hoàng.
Theo người nhà của nạn nhân, ngày 14/12, anh U nói sang Gia Lâm chơi với bạn. Đến khoảng 21h30 cùng ngày, anh U nhắn tin cho người bạn cùng phòng nhờ chuyển 30 triệu đồng. Đến nửa đêm, thấy anh U chưa về, người bạn này gọi điện nhưng không liên lạc được. Sau khi mở máy tính của anh U ở phòng trọ, người này thấy anh U thường xuyên nhắn tin qua lại với một tài khoản facebook tên là “An Yêuu” với nội dung tình tứ trai gái, hẹn hò. Tài khoản “An Yêuu” này đã hẹn anh U và gửi kèm vị trí để anh U tới đó rồi mất tích.
Sau khi không liên hệ được với anh U, người nhà anh U đã lần theo đầu mối còn lại trên máy tính của anh U để tìm kiếm nhưng vô vọng. Và đến chiều ngày 18/12, khi người nhà tiếp tục gọi vào số điện thoại của anh U thì thấy đổ chuông và có một người lạ nghe máy, họ nói có một người vớt được một thi thể của nam thanh niên, trong người nam thanh niên có chiếc sim này.
Gia đình của anh U đã vội đến và xác nhận đó chính là thi thể của anh U. Gia đình cùng người vớt được xác nạn nhân đã đến Công an phường Nhật Tân trình báo, làm khám nghiệm và lấy lời khai những người liên quan và sau đó gia đình đưa nạn nhân về quê mai táng.
Ngày 11/1, Công an TP Hà Nội thông tin, đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và tạm giam 7 đối tượng trên về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến anh U.
Theo cơ quan công an, nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản để tiêu xài, các đối tượng Hoàng Văn Hà (đối tượng cầm đầu), Hoàng Văn Kiên, Ngô Thị Oanh, Ngô Văn Huy, Bùi Thị Hồng, Ngô Văn Quyết và Ngô Văn Hiệp (cùng trú tại huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng) đã bàn bạc thuê một căn nhà 2 tầng tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh làm nơi hoạt động.
Để thu hút “con mồi”, Oanh đã lập một tài khoản Facebook "An Yêuu" và chủ động kết bạn, làm quen, hẹn hò yêu đương với anh U. Sau đó, Oanh dụ dỗ nạn nhân đến nhà ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh để các đối tượng “dàn trận” lôi kéo anh U đánh bạc. Anh U đã sập bẫy bạc bịp và bị thua toàn bộ tiền mặt và cầm đặt chiếc xe máy đang đi, tổng số tiền là 80 triệu đồng.
Sau khi bị thua hết tiền, anh U được các đối tượng đưa cho 500.000 đồng để đi taxi về. Đến khu vực cầu Vĩnh Tuy thì anh U xuống xe đi bộ, lúc đó khoảng 23h35 ngày 14/12/2023 và không rõ đi đâu, đến ngày 18/12/2023, người dân phát hiện thi thể anh U.
Trước đó không lâu, dư luận từng dậy sóng vụ 2 nữ sinh ở Bắc Ninh bị một đối tượng đâm dẫn đến tử vong. Theo đó, Huỳnh Ngọc Thiện (SN 2004, ở huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), đang học ngành công nghệ IT ở Huế, quen và có quan hệ yêu đương qua mạng xã hội với nạn nhân là N.N.A (SN 2007, ở TP Từ Sơn, Bắc Ninh) từ năm 2021 đến tháng 10/2023 thì chia tay.
Níu kéo tình cảm không thành, ngày 3/12/2023, Thiện mua dao trên mạng rồi đi từ Huế ra Bắc Ninh với mục đích gặp mặt N.A. một lần rồi tự tử.
Ngày 4/12, Thiện hẹn N.A tại chùa Đông Lai (phường Trang Hạ) để nói chuyện. N.A. cùng 5 người bạn đến gặp Thiện. Tại đây, Thiện đã dùng dao đâm nữ sinh N.A và 2 người bạn đi cùng là nữ sinh N.N.C.A (SN 2007) và Đ.M.K (nam, SN 2007) rồi dùng dao tự đâm vào ngực và cắt cổ tay. Hậu quả khiến 2 nữ sinh N.A và C.A tử vong.
Không chỉ gây ra những vụ án mạng đau lòng mà việc quen biết rồi yêu nhau qua các app hẹn hò cũng khiến nhiều người rơi vào tình cảnh bị lừa với số tiền rất lớn.
Trước đó, từ tháng 8/2019 đối tượng Đào Thị Mộng Thường (SN 1978, trú xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) tạo và sử dụng tài khoản Facebook “Đào Ngọc Minh” và đăng tải nhiều hình ảnh thiếu nữ trẻ đẹp lên tài khoản này.
Mộng Thường đã dùng tài khoản này kết bạn làm quen, nhắn tin với một người đàn ông trú tại thành phố Vinh (Nghệ An). Thường giới thiệu là Đào Ngọc Minh (SN 1994) có bố, mẹ là Việt kiều, hiện làm doanh nghiệp về vận tải tàu biển, đang sinh sống tại Canada. Do tính chất công việc nên Ngọc Minh thường xuyên đi lại giữa Canada và Việt Nam.
Để thêm tin tưởng, Thường còn tạo nhiều tài khoản mạng xã hội đóng vai là người thân của Đào Ngọc Minh sau đó nói chuyện, trao đổi với nạn nhân.
Khi bị hại tin tưởng và có tình cảm yêu đương với Ngọc Minh thì đối tượng đưa ra nhiều thông tin không có thật về việc Ngọc Minh cần tiền để lo công việc, mua sắm, trả nợ, làm thủ tục thừa kế, làm giấy tờ cá nhân... Sau nhiều lần lừa đảo, đối tượng Thường chiếm đoạt số tiền hơn 12 tỷ đồng.
Các đối tượng liên quan đến vụ án lừa đảo tiền của anh N.V.U. Ảnh: CACC |
Không sợ, không tham, không kết bạn với người lạ
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trên thực tế, hình thức lừa đảo thông qua các ứng dụng hẹn hò hoặc hẹn hò qua mạng không mới và có dấu hiệu gia tăng trong thời gian vừa qua khi xu hướng tìm kiếm bạn bè trên mạng ngày càng được nhiều người quan tâm.
Mặc dù, mỗi đối tượng sẽ có những mánh khóe riêng để thực hiện hành vi của mình, nhưng mục đích cuối cùng đều nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Nhiều nạn nhân vì xấu hổ, sợ lộ thông tin danh tính mà không dám tố cáo. Điều này khiến cho các đối tượng lừa đảo càng dễ dàng thực hiện hành vi mà không bị phát hiện, xử lý.
Liên quan đến quản lý các app hẹn hò hiện nay, theo luật sư Hùng, hiện chưa có quy định nào để kiểm soát chặt chẽ các app này. Vì vậy, đây vẫn là nơi được các đối tượng tận dụng để thực hiện các hành vi phạm tội của. Theo quy định của pháp luật, tùy từng trường hợp cụ thể sẽ phải xét trên bản chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2 – 5 triệu đồng, đối với tổ chức thì mức phạt tiền gấp đôi. Thậm chí, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự với hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến mức phạt cao nhất là chung thân.
Còn theo TS. Thượng tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia Tội phạm học của Bộ Công an, để phòng ngừa tội phạm ở “thị trường” hẹn hò online, mọi người nên ghi nhớ, thực hiện tốt khẩu hiệu “4 không”.
“Không sợ, không tham, không kết bạn với người lạ, không chuyển khoản” – Thượng tá Đào Trung Hiếu cho biết.
Theo đó, Thượng tá Hiếu dẫn giải, không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân, thông báo có liên quan đến các vụ việc, vụ án…
Không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận “phi thực tế” mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao”...
Khi có người lạ mặt trên mạng xã hội kết bạn làm quen, mời tham gia các hội nhóm mà không rõ là ai, mục đích thì không nên kết bạn, bắt chuyện, tham gia; không được cung cấp các thông tin cá nhân để đối tượng có thể lợi dụng;
Khi các cá nhân không quen biết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu chuyển tiền hay làm một số việc thì tuyệt đối không được làm theo.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm “2 phải”, theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, đó là chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: Thông tin thẻ căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội...
“Khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo hoặc không có cơ sở khẳng định nội dung thì các cá nhân phải báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý” – Thượng tá nói.
Nam thanh niên mất 1,4 tỷ đồng khi tham gia ứng dụng hẹn hò online | |
Mất trắng 10 tỷ vì hẹn hò online qua ứng dụng "Mỹ nhân Love" |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại