Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGây dựng được niềm tin với doanh nghiệp
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua thông tin thu thập từ 180 Hiệp hội doanh nghiệp (DN) và Liên minh hợp tác xã (HTX) trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 10-2015, 70% hiệp hội DN và liên minh HTX cho biết các thông tin về TTHC trong lĩnh vực thuế là sẵn có, dễ tìm; 44% DN đánh giá thông tin được cơ quan thuế cung cấp nhanh chóng, kịp thời. Kết quả khảo sát cũng cho thấy tác phong phục vụ của cán bộ ngành thuế được đánh giá khá tích cực về thái độ giao tiếp (28% đơn vị đánh giá tốt và rất tốt và 55% đánh giá khá). Về tình hình thực hiện TTHC về hải quan, 75% DN được hỏi hài lòng với các phương thức cung cấp thông tin TTHC của ngành hải quan. 66% đơn vị cho biết thông tin về TTHC trong lĩnh vực hải quan là sẵn có, dễ tìm.
Ghi nhận những kết quả đạt được trong quá trình cải cách TTHC của ngành thuế và hải quan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Nguyễn Hoài Nam nhận định: “Trong số các Bộ, ngành có tên trong Nghị quyết 19, thì thuế và hải quan tích cực nhất, có tinh thần vì DN tốt nhất”. “Hoạt động của ngành thủy hải sản liên quan tới khá nhiều Bộ, ngành, trong đó, một số trường hợp cụ thể, nhiều ngành vẫn coi DN là đối tượng chứ không phải đối tác như 2 ngành thuế và hải quan. Với việc coi DN là đối tác thì những vấn đề đặt ra cho vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh hoàn toàn có thể giải quyết được”- ông Nam cho biết. Cùng quan điểm bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết, ông Nguyễn Hải Giang - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhận định: Cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế và hải quan trong thời gian qua đã mang tới những luồng gió mới. Những luồng gió này đã làm cho DN tin tưởng hơn vào đường lối chính sách của Đảng.
Về những nỗ lực cải cách TTHC của ngành thuế và hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin: 420 giờ mà DN lẽ ra dành để khai thuế đã được cắt giảm trong năm qua, giúp số giờ thực hiện TTHC về thuế giảm từ 537 giờ xuống còn 117 giờ. Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo cơ quan thuế triển khai mạnh các dự án hiện đại hóa công tác thu nộp thuế, tạo thuận lợi tối đa cho DN khi làm các thủ tục về thuế. Kết quả đến nay đã có hơn 98,95% số DN thực hiện khai thuế điện tử và 90,81% DN đăng ký tham gia nộp thuế điện tử. Với việc thông qua Luật Hải quan năm 2014 và triển khai thành công Hệ thống thông quan hàng hóa tự động VNACCS/ VCIS đã giảm thời gian thông quan đối với luồng xanh chỉ còn 3 giây. Triển khai Cơ chế hải quan một cửa quốc gia tại 12 cảng biển với sự tham gia của 9 Bộ, ngành, DN chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ duy nhất đã giảm được 10-20% chi phí thực hiện TTHC, cắt giảm 30% thời gian thực hiện TTHC về xuất khẩu, nhập khẩu... Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Bùi Văn Quân cho biết, những con số ấn tượng nêu trên thực sự đã đem lại lợi ích cụ thể, thiết thực cho DN như tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế sự can thiệp, tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với DN trong quá trình khai thuế, tính thuế...
Theo đại diện nhiều DN, cần quan tâm đào tạo nghiệp vụ và văn hóa ứng xử cho cán bộ thuế và hải quan để cải cách TTHC trong thời gian tới mang lại nhiều kết quả hơn nữa. Ảnh tư liệu
Chú trọng cải cách cán bộ
Bên cạnh kết quả đã đạt được, báo cáo cũng ghi nhận những mặt tồn tại. TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI nêu vấn đề là hiện mới chỉ có có 20% DN đánh giá cán bộ công chức tận tình với DN, vậy số còn lại mới chỉ hoàn thành phận sự của mình hoặc có thể còn gây khó khăn với DN. Đây là dư địa cải cách của ngành thuế và hải quan trong thời gian tới.
Trưởng Ban pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn thông tin, trong khi 23% đơn vị đánh giá ở mức tốt và rất tốt với chỉ tiêu cán bộ thuế "không hách dịch, nhũng nhiễu gây khó khăn, phiền hà" thì tỷ lệ đánh giá kém và rất kém vẫn còn tới 27%; chỉ tiêu tận tình, chu đáo của cán bộ thuế cũng được 19% đơn vị đánh giá là tốt và rất tốt nhưng 27% vẫn có đánh giá là kém và rất kém.
Với ngành hải quan, chỉ 21% đơn vị đồng tình cán bộ có lắng nghe ý kiến của DN ở mức tốt; 26% đơn vị vẫn đánh giá cán bộ hải quan còn thiếu sự tận tình khi hướng dẫn giải quyết công việc. Thậm chí, 30% hiệp hội được khảo sát cũng chấm mức "kém" với tiêu chí lắng nghe ý kiến của DN với ngành hải quan. Còn 6 nhóm thủ tục được đánh giá vẫn gây nhiều phiền hà cho DN là: Giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm hành chính và thủ tục thông quan (đối với lĩnh vực hải quan), thanh tra, kiểm tra thuế; hoàn thuế và miễn giảm thuế (đối với lĩnh vực thuế). Các chi phí không chính thức vẫn tiếp tục là mối quan ngại mà nhiều hiệp hội DN và liên minh HTX tiếp nhận từ các hội viên và thành viên do tâm lý không chi trả sẽ bị phân biệt đối xử (64%) như kéo dài thời gian hoặc yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ. “Sự quyết liệt và quyết tâm từ Trung ương là rất cao nhưng dường như càng đi xuống địa phương thì lại càng giảm.
Do vậy, trong thời gian tới cần phải làm quyết liệt hơn tới từng cán bộ trực tiếp làm việc. Có như vậy mới tạo niềm tin cho người dân thực hiện” - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Hải Giang nhận định. Đại diện nhiều DN cũng cho rằng, con người là nhân tố quyết định của mọi sự cải cách, do đó cần quan tâm đào tạo nghiệp vụ và văn hóa ứng xử cho cán bộ thuế và hải quan để cải cách TTHC trong thời gian tới sẽ mang lại nhiều kết quả hơn nữa.
Đồng tình, Cục trưởng Cục thuế TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: “Còn một lời phàn nàn của người dân cũng đồng nghĩa với việc cần phải tiếp tục thay đổi, cải cách. Đây cũng là kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Hà Nội trong thời gian qua. Khi có phản ánh, kiến nghị của người nộp thuế, lãnh đạo Cục có trách nhiệm trực tiếp kiểm tra, tìm hiểu rõ nguyên nhân nhằm sớm tạo sự đồng thuận giữa người dân và cơ quan thuế. Những cuộc trao đổi tiếp xúc trên thực tế đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Trường hợp phát hiện cán bộ yếu kém về chuyên môn, cố tình gây phiền hà cho người dân, quan điểm của ngành thuế Hà Nội là xử lý nghiêm, thuyên chuyển nhiệm vụ ít tiếp xúc với người dân, thậm chí đề nghị chuyển công tác khác”. Cũng theo Cục trưởng Hà Minh Hải, hiện tại Cục Thuế TP Hà Nội đang thực hiện cải cách TTHC và hiện thực hóa nhằm nâng cao năng suất lao động, xác định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, xây dựng quy chế và đưa vào thực hiện.Trong năm 2016, Cục thuế Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra và đánh giá chất lượng cấp dưới. Bên cạnh đó, Cục sẽ tổ chức nhiều khóa đào tạo và chia cán bộ làm 3 tiêu chí để tham gia các lớp đào tạo như lớp đào tạo cơ bản, lớp đào tạo nâng cao và và lớp đào tạo lãnh đạo…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, điều đáng mừng là 75-80% các DN khi khảo sát đều cho rằng những năm gần đây, cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế và hải quan đã có những tiến bộ nhất định. Với tinh thần những mặt làm tốt cần phát huy hơn nữa, việc làm chưa được thì củng cố thêm, việc làm gần được thì cố gắng nữa để làm được, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề xuất, thông qua hội nghị, các đại diện của đơn vị giám sát phối hợp rút ra bài học và tìm ra phương thức cách làm thực hiện trong năm 2016. Có thể tiếp tục kiểm tra ở 6 tỉnh thuộc 3 vùng miền; chọn những tỉnh, TP có lượng hàng hóa lớn, một số địa phương có cửa khẩu biên giới, cảng lớn liên quan tới xuất nhập khẩu (dự kiến khoảng 10-15 tỉnh, thành) để giám sát được tốt hơn.
Viện trưởng Viện quản lý Trung ương Nguyễn Đình Cung: “Với nền kinh tế mở như Việt Nam, chỉ số cải cách trong lĩnh vực thuế và hải quan tác động tới hơn 333 tỷ USD. Một chuyên gia Hoa Kỳ của Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương tính toán, nếu chúng ta giảm 1 ngày về việc thực hiện thủ tục này thì hàng năm tiết kiệm được khoảng 1 tỷ USD. Hiện nay có hơn 300 văn bản kiểm tra chuyên ngành. Chính điều này đã gây ra tình trạng “8 không” của các quy định pháp luật Việt Nam. Đó là không cụ thể, không rõ ràng, không nhất quán, không minh bạch, không hợp lý, không tiên lượng được, không hiệu quả và không hiệu lực”. |
T. Hải – M. Quang
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại