Thứ ba 23/04/2024 18:04

Cách tính điểm ưu tiên và những điểm mới của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 được ban hành bởi Bộ GD&ĐT có nhiều điểm mới, trong đó nổi bật là việc điều chỉnh cách tính điểm ưu tiên nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau.
Cách tính điểm ưu tiên và những điểm mới của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022
Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ ngành giáo dục mầm non 2022 được ban hành với nhiều điểm mới. (Ảnh: Khánh Huy)

Những điểm mới trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022

Năm 2022 là năm đầu tiên thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng thực hiện theo hình thức trực tuyến (trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia), tạo điều kiện ứng dụng CNTT, thuận tiện cho thí sinh ở mọi nơi, mọi lúc.

Bên cạnh đó, tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đại học của thí sinh (theo các cơ sở đào tạo, các ngành, các phương thức xét tuyển) của đợt xét tuyển đợt 1 hình thức đào tạo chính quy sẽ được đăng ký và ghi nhận vào hệ thống trong khoảng thời gian quy định (từ sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT cho tới khi công bố kết quả thi và kết quả điểm phúc khảo). Thí sinh chủ động về thời gian và các nguyện vọng ĐKXT; việc đăng ký và điều chỉnh thực hiện trong một đợt (thay vì hai đợt như trước đây), thuận lợi cho thí sinh và cho các trường.

Tất cả các nguyện vọng ĐKXT (theo các ngành, theo các phương thức, các cơ sở đào tạo) của thí sinh trên toàn hệ thống được từng trường xét tuyển, sơ tuyển trước (nếu cần) và đưa lên phần mềm xử lý nguyện vọng - hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và cho kết quả thí sinh trúng tuyển ở một nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.

Như vậy, hệ thống hỗ trợ chắc chắn giúp thí sinh đỗ vào nguyện vọng ưu tiên nhất có thể, mà không phải lo lắng lựa chọn giữa các phương thức xét tuyển khác nhau.

Thí sinh không phải xác nhận nhập học trước đối với các phương thức khác, việc xác nhận nhập học trước có thể làm mất đi cơ hội được nhập học vào các trường và ngành mà thí sinh mong muốn, hoặc thí sinh phải nộp một khoản phí - phí giữ chỗ.

Với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp xét tuyển, các trường cần phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp; đảm bảo phương thức, tổ hợp xét tuyển lựa chọn được thí sinh có năng lực để học tập, đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh tham gia xét tuyển.

Việc thay đổi, bổ sung phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ và lộ trình hợp lý; không làm tỉ lệ phân bổ chỉ tiêu của một phương thức, tổ hợp đã sử dụng trong năm trước giảm quá 30% (trong cơ cấu chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo) trừ trường hợp việc thay đổi, bổ sung đó đã được công bố trước thời điểm mở đăng ký dự tuyển ít nhất 1 năm; qua đó, tránh làm ảnh hưởng tới việc học tập, ôn luyện của các thí sinh.

Theo Quy chế, các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường THPT rà soát và cập nhật lên cơ sở dữ liệu ngành kết quả học tập THPT của thí sinh để đồng bộ sang hệ thống hỗ trợ tuyển sinh, nhằm hỗ trợ thí sinh và các trường về dữ liệu trong công tác xét tuyển.

Thí sinh không cần công chứng hoặc yêu cầu trường THPT xác nhận kết quả học tập (giảm thủ tục cho các trường THPT), giảm thủ tục hành chính cho các em thí sinh, khi đăng ký hồ sơ xét tuyển vào nhiều CSĐT khác nhau. Các CSĐT có sẵn kết quả học tập THPT để xét tuyển hoặc sử dụng để sơ tuyển mà không cần phải nhập từ học bạ của thí sinh, từ đó giúp tránh các sai sót, nhầm lẫn.

Cùng với đó, các trường cần quy định phương án giải quyết các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tuyển sinh, làm rõ cam kết từ phía trường, từ đó giúp thí sinh có cơ hội tốt hơn dù có thể rủi ro xảy ra cũng đã có phương án. Từ năm 2023, các trường xây dựng quy chế tuyển sinh của riêng CSĐT, dựa trên các nguyên tắc và yêu cầu tối thiếu quy định trong Quy chế tuyển sinh 2022 mà Bộ GD&ĐT ban hành, trong đó có quy định về xét tuyển cho các hình thức đào tạo khác, công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo.

Quy chế quy định từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Không còn thí sinh trên 30 điểm

Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2022 cũng điều chỉnh việc tính mức điểm ưu tiên nhằm tạo sự công bằng giữa nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau.

Số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, chiếm tới 75% tổng số thí sinh tốt nghiệp hàng năm. Áp dụng chính sách ưu tiên là nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế. Việc áp dụng chính sách xã hội là cần thiết, tuy nhiên cũng cần đảm bảo sự công bằng, tránh để sự hỗ trợ này lại làm cho nhóm thí sinh khác bị rơi vào bất lợi và yếu thế.

Cách tính điểm ưu tiên và những điểm mới của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022
Cách tính điểm ưu tiên áp dụng từ năm 2023 được mong đợi sẽ tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh ở các khu vực khác nhau. (Ảnh: Khánh Huy)

Theo Báo cáo của Bộ GD&ĐT, qua phân tích phổ điểm kết quả xét tuyển các năm vừa qua, điểm xét tuyển của thí sinh trước và sau khi được cộng điểm ưu tiên có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt là từ mức điểm lớn hơn 22,5 điểm (tương đương với 7,5 điểm nếu quy ra mức thang điểm 10). Điều này cho thấy: Khi chưa được cộng điểm ưu tiên thì nhóm thí sinh ở KV1, KV2, KV2-NT có điểm trung bình thấp hơn nhóm không được cộng điểm ưu tiên (KV3), nhưng khi được cộng điểm ưu tiên thì điểm trung bình của nhóm được cộng điểm ưu tiên lại lớn hơn (thậm chí tỷ lệ lớn gấp nhiều lần) so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên.

Kết quả phân tích quá trình học tập của 2 nhóm thí sinh này trong trường đại học cho thấy: Nhóm sinh viên trúng tuyển do được cộng điểm ưu tiên có kết quả học tập thấp hơn so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên. Điều này cho thấy sự không công bằng giữa 2 nhóm đối tượng thí sinh trên và các trường, đặc biệt là các trường tốp đầu với các ngành hàng đầu cũng không lựa chọn được các thí sinh có thực lực tốt để đào tạo.

Nhóm thí sinh bị yếu thế, bất lợi, không được hưởng sự công bằng chính là nhóm ở KV3, khi xét tuyển vào các trường và ngành hàng đầu. Thống kê cũng cho thấy, ở nhiều ngành có mức độ cạnh tranh cao thì tỉ lệ thí sinh không được cộng ưu tiên trúng tuyển rất thấp, trong khi nhóm này có thực lực học tốt hơn nhóm được cộng điểm ưu tiên.

Để khắc phục sự bất hợp lý nêu trên, đảm bảo sự công bằng trong toàn hệ thống, và có lộ trình áp dụng (từ năm 2023), Quy chế đã quy định: Mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0).

Cụ thể theo công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Điểm ưu tiên tính theo quy chế sẽ được giảm tỷ lệ với tổng điểm đạt được của thí sinh tại các mức điểm, được làm tròn đến 0,01 điểm.

Theo cách tính này, những thí sinh đạt điểm thi, điểm xét học bạ hoặc điểm khác quy đổi về thang điểm 10 cho từng môn với tổng điểm là 30 thì với các thí sinh đạt tới tổng điểm 22,5 không có gì thay đổi trong điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng. Đối với các thí sinh đạt từ 22,5 trở lên, điểm ưu tiên của các thí sinh này sẽ được giảm dần đều cho đến khi điểm thi là 30 điểm thì điểm ưu tiên bằng 0.

Với công thức xác định trong Quy chế, thí sinh đạt điểm càng cao điểm ưu tiên càng giảm, tránh được hiện tượng như những năm trước, có thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, hoặc trường hợp những thí sinh ở KV3 có điểm thi rất cao nhưng vẫn không trúng tuyển do sự cạnh tranh ở những ngành có điểm trúng tuyển cao là rất lớn.

Để đảm bảo việc tuyển sinh được diễn ra ổn định, Quy chế tuyển sinh hiện hành cũng đã đưa ra lộ trình để áp dụng, cụ thể các thay đổi trên sẽ được thực hiện từ năm 2023.

Điều kiện để thí sinh là F0, F1 dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 Điều kiện để thí sinh là F0, F1 dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Hà Nội yêu cầu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 nghiêm túc, công bằng Hà Nội yêu cầu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 nghiêm túc, công bằng
146 thí sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 146 thí sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT năm 2022
181 địa điểm tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội 181 địa điểm tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động