Thứ sáu 22/11/2024 11:16

Cách phòng tránh lây lan của bệnh đau mắt đỏ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hiện nay bệnh đau mắt đỏ đang lây lan và bùng phát mạnh, đặc biệt tại một số tỉnh thành có mật độ dân số đông như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng…
người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần đến các cơ sở chuyên khoa mắt để được khám và hướng dẫn điều trị; cần lưu ý để tránh lây bệnh cho người khác và cộng đồng.
Người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần đến các cơ sở chuyên khoa mắt để được khám và hướng dẫn điều trị; cần lưu ý để tránh lây bệnh cho người khác và cộng đồng. Ảnh: Int

Đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc mắt, thường do vi khuẩn hoặc virút gây ra, nhưng phổ biến nhất là do một loại vi rút có tên Adenovirus. Khi bị nhiễm bệnh, người bệnh thường có các biểu hiện như: Đỏ mắt, có dử mắt, chảy nước mắt, có thể có giả mạc; Các biểu hiện khác có thể gặp là hơi sợ ánh sáng, sưng phù kết mạc, xuất huyết nhẹ dưới kết mạc. Tác nhân gây bệnh có thể gây viêm giác mạc (thường gặp sau khởi phát vài ngày, đây là dạng lâm sàng được ghi nhận hay gặp trong năm nay), ở thời điểm này mắt có thể đã đỡ sưng hoặc hết đỏ nhưng người bệnh có thể có các biểu hiện như: Nhìn mờ, chói, sợ ánh sáng.

Ngoài các biểu hiện tại mắt, người bệnh có thể bị viêm họng, nổi hạch trước tai và sốt nhẹ. Bệnh thường biểu hiện ở một mắt nhưng có thể xảy ra ở cả hai mắt.

Bệnh đau mắt đỏ có thể gặp ở mọi lứa tuổi và vào tất cả thời điểm trong năm, nhưng phổ biến là ở trẻ em và người trẻ. Bệnh thường gia tăng vào thời điểm giao mùa (hè-thu). Do tác nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là vi rút nên bệnh rất dễ lây lan và có thể bùng phát thành dịch trong cộng đồng.

Bệnh đau mắt đỏ thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, các dịch tiết từ mắt, mũi của bệnh nhân hoặc qua đồ dùng cá nhân, đồ chơi, khăn tay nhiễm nguồn bệnh, nước bị nhiễm khuẩn (nhất là nước ở các hồ bơi, bể bơi)…

Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, đối với đau mắt đỏ thì người bệnh thường được điều trị triệu chứng như: Vệ sinh mắt (rửa mắt), giảm đau, chống viêm, tăng cường sức đề kháng và dùng kháng sinh chống bội nhiễm. Người dân có các biểu hiện của đau mắt đỏ nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được khám loại trừ các nguyên nhân đau mắt khác và được hướng dẫn điều trị, phòng bệnh; Không nên tự mua thuốc điều trị (đặc biệt là các thuốc nhỏ mắt có Corticoid cần được dùng đúng chỉ định); Không nên sử dụng các biện pháp điều trị không khoa học như: Xông lá trầu không, đắp lá cây… để tránh gây biến chứng nặng nề hơn cho mắt.

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn tay bằng các dung dịch sát khuẩn; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; sử dụng nước sạch; không dùng chung vật dụng cá nhân như: Thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; Sử dụng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn để vệ sinh các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; Người bệnh có ý thức phòng ngừa, sử dụng các biện pháp phòng tránh lây bệnh khi tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

Đồng thời, Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần đến các cơ sở chuyên khoa mắt để được khám và hướng dẫn điều trị; cần lưu ý để tránh lây bệnh cho người khác và cộng đồng.

Dịch đau mắt đỏ xuất hiện nhiều ở các chung cư
TQ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động