Dịch đau mắt đỏ xuất hiện nhiều ở các chung cư
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo thống kê của BV Mắt Trung ương, thời gian gần đây trong bình mỗi ngày tiếp nhận điều trị cho khoảng 150-200 ca tới khám và điều trị. Đây là con số không tăng so với dịp này các năm trước. Bệnh nhân chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Theo TS Lê Xuân Cung – Phó trưởng khoa Kết giác mạc (BV Mắt Trung ương), trong những ngày gần đây, bệnh nhân bị viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ có tăng so với ngày thường, tuy nhiên chưa đến mức bùng phát thành dịch. Theo các bác sỹ chuyên ngành về nhãn khoa, vào thời điểm hiện tại với số lượng trên thì cũng có thể cho là “bất thường”. Bởi, bệnh đau mắt đỏ thường có nhiều trường hợp mắc bệnh chủ yếu vào dịp hè, khi thời tiết nắng nóng … tuy nhiên vào mùa xuân đã có số lượng bệnh nhân bắt đầu tăng nhẹ, thì đó cũng là điểm bất thường. Nguyên nhân dẫn đến tính trạng trên có thể là do thời tiết năm nay nắng nóng ngay trong những ngày đầu xuân. Đáng lưu ý là số người mắc bệnh lại tập trung nhiều ở các khu chung cư đông đúc, nơi sự lưu thông không khí không tốt, dẫn tới hiện tượng lây lan bệnh rất nhanh chóng.
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay bệnh đau mắt đỏ chưa có vắcxin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Theo TS, bác sĩ Trần Hải Yến, nguyên Phó GĐ BV Mắt TP HCM, bệnh đau mắt đỏ thực chất là bệnh viêm kết mạc cấp. Bệnh thường xảy ra nhiều vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi. Vào mùa dịch thì bệnh chủ yếu do nhiễm virus adenovirus. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là đỏ mắt. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn bị sưng nề mi mắt, cảm thấy cộm, chảy nước mắt và đặc biệt là chảy nhiều ghèn. “Bệnh đau mắt đỏ thường kéo dài trong khoảng hai tuần và hầu hết tự khỏi. Tuy nhiên nếu không được điều trị đúng có thể gây ra các biến chứng nặng như: nhiễm trùng mắt, viêm loét giác mạc, thủng giác mạc, viêm tổ chức tại mắt hoặc nặng nhất có thể gây mù mắt”, bác sĩ Yến cho biết. Theo bác sĩ Yến, trong mùa dịch, nhiều người thấy mắt bị đỏ thì nghĩ bị đau mắt đỏ. Tuy nhiên, thực tế có nhiều bệnh về mắt cũng có triệu chứng đỏ mắt như: viêm màng bồ đào trước, viêm giác mạc, loét giác mạc, viêm củng mạc, glaucoma (cườm nước), chấn thương gây rách kết mạc, giác mạc... Bệnh đau mắt đỏ không gây đau nhức mắt và nhìn mờ. “Nếu bệnh nhân cảm thấy mắt mờ hoặc đau nhức phải lưu ý bệnh có biến chứng nặng hoặc đã mắc các bệnh về mắt khác có kèm đỏ mắt”, bác sĩ Trần Hải Yến lưu ý. Vì vậy, để chẩn đoán đúng bệnh, bệnh nhân nên đến khám bác sĩ.
Còn bác sỹ Hoàng Minh Anh - Trưởng khoa Tổng hợp (BV Mắt Trung ương) nhấn mạnh, trong điều kiện thời tiết ẩm của mùa Xuân, virus gây bệnh đau mắt đỏ phát triển và phát tán trong không khí, khiến ai cũng có thể mắc bệnh. Virus gây bệnh đau mắt đỏ sau đó lây lan nhanh qua tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt và bắt tay. Vì vậy, các bác sỹ khuyến cáo người dân khi bị đau mắt đỏ, cần đến các cơ sở y tế có chuyên ngành nhãn khoa để khám. Không nên tự mua thuốc điều trị vì có thể mua không đúng chủng loại thuốc, không đúng với bệnh. Có trường hợp bệnh nhân đau mắt đỏ nếu không sử dụng đúng thuốc theo chỉ định của bác sỹ nhãn khoa thì có thể gây những biến chúng dẫn đến mất thị lực.
Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh. Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
Người dân cần vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng. Đặc biệt, người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
T. Dũng / PL&XH
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại