Các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để khắc phục hậu quả mưa lũ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác trường ĐH tiếp tục tinh thần hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ năm 2020 | |
Các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ | |
Quảng Nam tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ |
Mưa lũ gây hậu quả nặng nề
- Nhà dân ở huyện Cẩm Xuyên bị ngập sâu trong đợt lũ tháng 10 năm 2020. Ảnh: Báo Lao động. |
Nghị quyết nêu rõ, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã gây bão lớn, siêu bão, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, nắng nóng… với cường độ và tần suất ngày càng lớn. Trên địa bàn tỉnh, từ năm 2010 - 2019, thiên tai đã làm 105 người chết, 344 người bị thương; hàng ngàn ngôi nhà bị sập, trôi, tốc mái; sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong tháng 10-2020, tỉnh Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra các đợt mưa lớn gây ngập lụt 42.456 hộ thuộc 118/216 xã, phường, thị trấn, nhất là các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh; tình trạng sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi. Mưa lũ đã làm 6 người chết; hơn 6.980ha lúa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản, rau màu bị hư hại, mất trắng; hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại trên 5.300 tỷ đồng.
Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức trong hệ thống chính trị đã phát huy cao sức mạnh toàn dân, huy động nguồn lực trên từng địa bàn; với sự giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của Trung ương, các địa phương, lực lượng vũ trang Quân khu 4, các doanh nghiệp và sự đồng cảm, sẻ chia, ủng hộ về tinh thần, vật chất của đồng bào cả nước, kiều bào ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các cơ quan thông tấn, báo chí, đã phần nào bù đắp thiệt hại.
Tuy nhiên, những tổn thất do thiên tai gây ra ảnh hưởng nặng nề, lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cuộc sống của Nhân dân, đòi hỏi phải có sự tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Các giải pháp cụ thể
Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng nhấn mạnh, không để xảy ra tình trạng người dân bị đói, rét, thiếu thuốc điều trị, nhu yếu phẩm thiết yếu; tổ chức tốt công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh sau thiên tai. Phấn đấu đến hết tháng 6 năm 2021, đảm bảo 100% gia đình bị thiệt hại về nhà ở do thiên tai gây ra đều có chỗ ở an toàn; những hộ dân có nhà bị đổ, sập, hư hỏng nặng được hỗ trợ xây dựng nhà ở mới hoặc sửa chữa kiên cố.
- : Lực lượng thanh niên tham gia dọn dẹp vệ sinh sau lũ tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. |
Ưu tiên nguồn lực khôi phục ngay các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống, đảm bảo các cơ sở y tế, trường học, điện, nước sạch sinh hoạt trở lại hoạt động bình thường trong tháng 11/2020. Huy động các nguồn lực, tập trung khôi phục, sửa chữa nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu bị hư hại như giao thông, thủy lợi, thông tin liên lạc, điện lực, văn hóa, giáo dục, y tế... để phục vụ sản xuất và ổn định cuộc sống của người dân.
Có các chính sách hỗ trợ để sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhất là phục hồi sản xuất vụ đông muộn năm 2020, bảo đảm an sinh cho người dân; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, nhất là giống năng suất cao, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo vụ xuân và vụ hè - thu năm 2021 giành thắng lợi toàn diện, bù đắp thiệt hại do thiên tai gây ra.
Phấn đấu đến cuối năm 2021, người dân vùng thường xuyên bị ngập lụt cơ bản được trang bị áo phao cứu sinh; 100% thôn, xóm, tổ dân phố, vùng thường xuyên bị ngập lụt có thuyền nhỏ dân sinh để chủ động ứng phó với lũ, lụt.
Từ nay đến cuối năm 2025, phấn đấu mỗi xã thường xuyên bị ngập lụt xây dựng được 1 - 3 nhà phục vụ cộng đồng cho Nhân dân tránh trú lụt, bão trên cơ sở nâng cấp các nhà văn hóa thôn xóm, trụ sở, trường học hoặc xây dựng mới. Có giải pháp đảm bảo thông tin, liên lạc trong mọi tình huống; tất cả các thôn, xóm, tổ dân phố phải nhận được thông tin về tình hình trước khi thiên tai xảy ra và thông tin đến tận hộ dân để chủ động ứng phó; hạn chế tới mức thấp nhất việc mất nước sinh hoạt, mạng viễn thông, mất điện khi có thiên tai.
Các nhiệm vụ trọng tâm để khắc phục thiên tai
- Hình ảnh chụp từ trên cao cho thấy huyện Cẩm Xuyên bị ngập sâu trong nước lũ. Ảnh: TTXVN. |
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy vai trò chủ động của người dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Chỉ đạo lập, rà soát các quy hoạch xây dựng, nhất là quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nghiên cứu điều chỉnh, sắp xếp dân cư ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao, vùng ngập lụt thường xuyên, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Rà soát tổng thể, toàn diện việc cấp mỏ đất đá, đề ra các giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân, hạn chế tới mức thấp nhất khả năng sạt lở đồi núi.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, như: nâng cao dung tích phòng lũ các hồ chứa, nâng cấp hệ thống đê điều, các âu thuyền tránh trú bão, nạo vét luồng lạch; xúc tiến đầu tư các dự án mới, nhất là các dự án nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi, cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế, công trình phòng, chống thiên tai, hệ thống điện, thông tin, liên lạc, hệ thống dự báo và cảnh báo thiên tai, xây dựng bản đồ các vùng thường xuyên xảy ra ngập lụt, sạt lở.
Tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái; địa phương, đơn vị, gia đình khó khăn ít giúp đỡ những địa phương, đơn vị, gia đình khó khăn nhiều, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau chung tay khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.
Tập trung nguồn lực, huy động sức mạnh của cả cộng đồng, lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể để giúp Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Chủ động chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho vụ xuân và vụ hè - thu năm 2021, không để thiếu giống, phân bón và đảm bảo giống có chất lượng tốt.
Từng bước khôi phục, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, văn hóa, giáo dục, y tế, công trình phòng, chống thiên tai, hệ thống điện, thông tin liên lạc, hệ thống dự báo và cảnh báo thiên tai, xây dựng bản đồ ngập lụt cho các vùng thường xuyên bị ngập lụt khi có mưa lớn; đối với những công trình, dự án đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, Ban Cán sự đảng UBND chỉ đạo UBND tỉnh lập kế hoạch đề nghị Trung ương và các tổ chức quốc tế hỗ trợ đầu tư xây dựng…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại