Hướng về người dân bị thiệt hại do bão số 3
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội chịu nhiều thiệt hại sau cơn bão số 3 (ảnh chụp tại khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) Ảnh: Ngô Sơn |
Tổng lực khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Cơn bão Yagi được dự báo cơn bão lớn nên trước khi bão đổ bộ, Hà Nội đã chủ động triển khai các phương án phòng, chống. Các quận, huyện đã kịp thời di dời gần 400 hộ dân với gần 1.000 người ra khỏi các khu nhà cũ nguy hiểm, nhà yếu, có nguy cơ đổ sập; bố trí nơi tránh trú an toàn và các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ người dân. TP bố trí các lực lượng ứng trực kịp thời xử lý các sự cố, hỗ trợ người dân trong mưa bão; duy trì thông suốt các cơ sở hạ tầng thiết yếu; bảo đảm an ninh an toàn…
Hà Nội cũng đã sử dụng hệ thống công nghệ thông tin, mạng xã hội khuyến cáo người dân về sức tàn phá của bão số 3 và được người dân thực hiện nghiêm túc việc không ra đường trong lúc mưa bão, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người.
Nhưng cơn bão lớn nhất trong nhiều năm qua đổ bộ vào Hà Nội đã gây thiệt hại lớn cho Thủ đô, thống kê ban đầu: người chết 1, bị thương 23, nhà bị ngập, hư hại 6.522 ngôi nhà. Về nông nghiệp: lúa bị ngập úng, thiệt hại 27.318ha; hoa màu bị ngập úng, 4.046ha; cây ăn quả bị hư hại 3.924ha. Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng: 12 đoạn đường dây 500kV, 36 đường dây 220kV, 173 đường dây 110kV bị sự cố, hơn 25.000 cây trên địa bàn bị gãy đổ...
Với tinh thần khẩn trương nhất, tiếp tục tập trung công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu chữa miễn phí cho người bị thương, tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ, lo hậu sự chu đáo cho người thiệt mạng. Đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Công điện số 15/CĐ-UBND nhằm tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Tập trung chỉ đạo kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, DN và công trình cơ sở hạ tầng của Nhà nước trên địa bàn. Kiểm tra tình trạng kết cấu công trình xây dựng, tháo dỡ, sửa chữa các hạng mục, kết cấu hư hỏng, mất ổn định.
Đặc biệt đối với các công trình trường học, bệnh viện, chung cư, công trình tập trung đông người trên địa bàn cần kiểm tra, rà soát tình trạng cửa, lan can, vật treo, neo trên cao, tường vách, mái, hệ thống kỹ thuật điện, cơ điện, hệ thống cấp nước, thoát nước và có các giải pháp khoanh vùng cảnh báo, xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn khai thác sử dụng. Riêng đối với cửa sổ, cửa đi, hệ tường kính, vách kính và hệ bao che bằng kim loại tham khảo các tiêu chuẩn hiện hành.
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô, Giám đốc CATP chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai lực lượng, phương tiện để hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của các địa phương. Sở Y tế được giao chỉ đạo cứu chữa người bị thương; kịp thời cung cấp cơ số thuốc, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho người dân tại những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố ngay. Yêu cầu Giám đốc Sở Công Thương có phương án cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường
Hơn 44,6 tỷ đồng ủng hộ Nhân dân bị thiệt hại do bão lũ
Tính đến 16h ngày 12/9, tổng số tiền các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ Nhân dân bị thiệt hại do bão lũ chuyển về Quỹ Cứu trợ của TP Hà Nội là 44,626 tỷ đồng.
Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã tiếp nhận ủng hộ của 13 tổ chức, đơn vị, cá nhân với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng. Trong đó, có gia đình ông Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Văn phòng Thành ủy Hà Nội ủng hộ 40 triệu đồng; cán bộ và Nhân dân quận Hai Bà Trưng ủng hộ 800 triệu đồng; Sở Nội vụ TP ủng hộ 100 triệu đồng; Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) ủng hộ 500 triệu đồng; cán bộ và Nhân dân phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm ủng hộ 300 triệu đồng và nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức khác...
Bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, TP phía Bắc. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có công văn gửi Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và các DN bảo hiểm đề nghị các DN bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.
Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến 17h ngày 12/9, qua số liệu báo cáo từ DN bảo hiểm, các DN đã tiếp nhận thông tin hơn 9.000 số vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới; ghi nhận 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hiện nay Chính phủ nhiều nước cung cấp viện trợ trị giá hàng triệu USD giúp Việt Nam ứng phó hậu quả bão số 3 như: Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) quyết định viện trợ vật tư cứu trợ khẩn cấp (thiết bị lọc nước, tấm plastic đa chức năng) để khắc phục những thiệt hại do bão gây ra tại Việt Nam. Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam thông báo, Hàn Quốc quyết định cung cấp viện trợ nhân đạo trị giá 2 triệu USD nhằm hỗ trợ.
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam thông báo, Chính phủ Australia cung cấp cho Việt Nam khoản viện trợ ban đầu là 3 triệu đôla Australia và lô hàng cứu trợ khẩn cấp đầu tiên đã được chuyển đến Hà Nội ngày 11/9. Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), cung cấp 1 triệu USD viện trợ nhân đạo khẩn cấp để hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão số 3...
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại