Thứ tư 02/10/2024 09:20

Các nguyên tắc trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự án Luật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hỏi: Tôi được biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2024. Xin quý báo cho biết, quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự án Luật phải bảo đảm các nguyên tắc nào? (Trần Mai Thảo, huyện Gia Lâm, Hà Nội)
Các nguyên tắc trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự án Luật

Trả lời:

Về câu hỏi của quý bạn đọc, xin trả lời như sau:

Ngày 22/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 148/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2024. Theo đó, quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự án Luật phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đáp ứng kịp thời các diễn biến nhanh chóng và yêu cầu cấp bách của thực tiễn. Nội dung các dự án Luật, các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật phải cụ thể hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

- Xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng, bám sát và lấy thực tiễn làm thước đo; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không cầu toàn, không nóng vội; lấy người dân, ND làm trung tâm, chủ thể của quan hệ pháp luật. Các quy định của pháp luật phải tháo gỡ khó khăn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn; các vấn đề “đã chín, đã rõ”, được thực tiễn kiểm nghiệm, đa số Nhân dân đồng tình, ủng hộ, thực hiện có hiệu quả thì quy phạm hóa thành các quy định cụ thể của dự thảo Luật, thể hiện rõ tại các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật; các vấn đề chưa ổn định, cần sự điều chỉnh trong quá trình thực hiện thì giao Chính phủ quy định nhằm bảo đảm sự điều hành linh hoạt của Chính phủ.

- Quy định của luật phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng; thiết kế công cụ để tăng cường hậu kiểm, giám sát, kiểm soát quyền lực; không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

- Thực hiện nghiêm chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính đi đôi với bố trí nguồn lực hợp lý; nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Thủ tục hành chính phải được cắt giảm tối đa, góp phần giảm chi phí cho ND, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; áp dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, thực hiện thủ tục hành chính; không tạo môi trường nảy sinh các hiện tượng “sách nhiễu”, cơ chế “xin - cho”.

- Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng pháp luật. Các bộ, cơ quan ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật; bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng dự án luật; đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, nội dung dự án luật; tiếp tục lấy ý kiến Nhân dân, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, các cơ quan, tổ chức có liên quan và tổ chức tiếp thu đầy đủ, cầu thị các ý kiến góp ý, công khai, minh bạch việc giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý.

- Các cơ quan nhà nước tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước: xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, thể chế, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, tiêu chí, công cụ để giám sát kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật...

Đối với các dự án luật đang được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8: Các đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung cao độ sức lực, trí tuệ chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan, hoàn thiện dự án Luật với chất lượng cao nhất. Đối với các dự án luật được Chính phủ trình Quốc hội lần đầu tại tại Kỳ họp thứ 8, sau khi được Chính phủ thông qua, các Bộ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, gửi Quốc hội đúng thời hạn quy định, phối hợp, trao đổi với các cơ quan của Quốc hội để tạo sự đồng thuận, thống nhất về nội dung chính sách, nội dung dự án Luật.

Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung chỉ đạo việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, bảo đảm các nguyên tắc sau: văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành phải được ban hành để có hiệu lực đồng thời với luật, pháp lệnh, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật; không để xảy ra khoảng trống pháp lý, vướng mắc gây khó khăn cho địa phương, ND, người dân, ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của Luật do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật theo đúng chủ trương của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp giải quyết thủ tục hành chính, giấy tờ công dân. Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc ban hành văn bản quy định chi tiết của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và tình hình tổ chức thi hành pháp luật…

Hà Nội chuẩn bị các nội dung hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi)
Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp
LS. Nguyễn Trung Tiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động