Thứ sáu 22/11/2024 22:04

Các món làm từ bì heo kém chất lượng có thể khiến người tiêu dùng bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bì heo là món ăn chứa hàm lượng protein cao nổi trội trong nhóm thực phẩm từ thịt lợn. Các sản phẩm chế biến từ bì heo được sử dụng khá phổ biến trong bữa ăn hàng ngày, có thể kể đến: Cơm tấm, các loại nem chua, nem nắm… nhưng chất lượng an toàn thực phẩm của các món ăn này đến đâu vẫn là câu hỏi lớn với người tiêu dùng.

Qua kiểm tra đột xuất tại các cơ sở chế biến thực phẩm, chợ dân sinh, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện tình trạng thịt lợn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP. Người bán hàng tại các chợ dân sinh, chợ cóc không chứng minh được nguồn gốc thịt lợn. Khu vực chế biến được kiểm tra thường không bảo đảm vệ sinh có côn trùng, động vật gây hại (có ruồi trong khu vực chế biến), sàn nhà khu vực chế biến gạch vỡ, bong tróc.

Người lao động tại cơ sở có mang mặc trang phục bảo hộ theo quy định nhưng không đầy đủ, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm hoặc không mang khẩu trang. Thậm chí phát hiện chất tẩy trắng để tẩy bì heo đã bị bốc mùi.

cac mon lam tu bi heo kem chat luong co the khien nguoi tieu dung bi nhiem khuan lien cau lon
Bì lợn khi để ôi thiu lâu ngày sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn phát triển, sinh ra nhiều độc tố

Theo BS Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ từng tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân 45 tuổi ở Hưng Yên bị sốt cao, đau đầu, suy hô hấp sau hai ngày ăn nem chạo. Chụp CT, các bác sĩ chẩn đoán màng não bệnh nhân tổn thương nặng do vi khuẩn liên cầu lợn gây ra. Tuy cứu được người, nhưng bệnh để lại di chứng rất nặng là bị giảm thính lực, mất trí nhớ, lơ ngơ thần kinh.

“Bì lợn khi để ôi thiu lâu ngày sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn phát triển, sinh ra nhiều độc tố. Thêm nữa, khâu chế biến bì lợn, có thể không đảm bảo vệ sinh khiến tình trạng mất vệ sinh thực phẩm càng trầm trọng hơn. Hậu quả là bạn có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, lâu dần chất bẩn, hóa chất tái chế bóng bì có khả năng tích tụ trong cơ thể sẽ gây nên nhiều bệnh mãn tính, trong đó phải nói đến nguy cơ ung thư”- PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm) cho hay.

Để loại bỏ mùi hôi thối từ bì lợn,chắc chắn người bán hàng sẽ phải sử dụng một lượng lớn chất tẩy rửa. Chất tẩy trong quá trình chế biến không chỉ dừng ở mức gây ngộ độc mà có thể gây tử vong lập tức. Trước khi gây nên các bệnh mãn tính, lá gan của bạn sẽ ốm yếu dần vì phải tiếp nhận quá nhiều chất độc.

Theo TS Trần Đáng (Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm), nếu chẳng may bì lợn thối được sử dụng nước javen, oxy già và chất phụ gia công nghiệp như kalisunfit, hydrosunfit để tẩy rửa thì càng đáng sợ hơn nữa. Đây đều là những hóa chất có tính tẩy mạnh. Nếu ăn thường xuyên sẽ bị ngộ độc, tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tiêu hóa và tăng nguy cơ ung thư .

Nhiều người cho rằng sử dụng nước oxy già sẽ giúp tẩy trắng, sát khuẩn bì lợn. Thực tế, đây lại là chất xúc tác khiến bóng bì đã bẩn nay còn nguy hại hơn. Sử dụng oxy già để tẩy trắng chỉ có tác dụng làm trắng bì lợn chứ không thể diệt bỏ vi khuẩn, mầm gây bệnh từ lợn chủ. Nếu chẳng may sử dụng bì lợn từ những con lợn bệnh thì sẽ đẩy cao gấp đôi nguy cơ mắc bệnh.

cac mon lam tu bi heo kem chat luong co the khien nguoi tieu dung bi nhiem khuan lien cau lon

Theo TS.BS Nguyễn Hương, Viện Sốt rét ký sinh trùng và côn trùng trung ương, nhiều người ăn thịt lợn sống, tái chưa nấu chín thường mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn, viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết, bệnh đường ruột, ấu trùng sán… phải điều trị từ 3 tuần đến 2 tháng, tốn kém hàng trăm triệu đồng.

Chưa kể, nếu ăn phải bì lợn cạo lông chưa kỹ sẽ gây hại trực tiếp cho dạ dày. Nếu nhai phải bì lợn vẫn còn lông, nhất là dạng lông cứng, sẽ khiến tổn thương dạ dày, ruột non nếu lông cứng cắm vào niêm mạc.

Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất bây giờ là đội quản lý thị trường cần phải thường xuyên kiểm tra, siết chặt quản lý để phát hiện kịp thời những cơ sở đang làm ăn kiểu dối trá, ngay cả những cửa hàng cơm tấm có thương hiệu, uy tín. Ngoài ra, khi ăn bì lợn, người dân cũng cần lưu ý nhận biết bì lợn bẩn thường dai hơn và độ giòn không được lâu, màu sắc trắng tinh và lớp mỡ bám bì thường bị loại bỏ hoàn toàn.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) khuyên, trong điều kiện như hiện nay, để phòng bệnh tốt nhất người dân nên mua thịt tươi sống ở những nơi có xác nhận kiểm dịch của thú y; Nên từ bỏ thói quen ăn những món thịt sống, tái; Luôn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, cần rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Không dùng phân tươi tưới rau để tránh ấu trùng sán dây lợn, dây bò... Khi thấy sốt cao, nhiều khi kèm theo rét run, mệt, đau mỏi người, đau đầu, buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy, nếu nặng có thể mê sảng, ngủ gà, hôn mê... nên tới bệnh viện ngay để tránh hậu quả đáng tiếc.

Xuân Thanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động