Các địa phương phải công khai danh mục dự án, quỹ đất
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChỉ thị của Chính phủ yêu cầu các địa phương tổ chức công khai danh mục DA, quỹ đất, trình tự thủ tục phát triển nhà ở, BĐS trên địa bàn. Ảnh: G.B. |
Hà Nội thông báo kiểm tra việc thực hiện quy định của Luật Kinh doanh BĐS
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Chỉ thị nói rõ, bên cạnh những kết quả tích cực, sự phát triển của lĩnh vực BĐS cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như: cơ cấu hàng hóa BĐS chưa hợp lý, giá sản phẩm BĐS nhất là giá nhà ở còn khá cao so với thu nhập của người dân, cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường BĐS chưa đồng bộ, đầy đủ, thiếu tin cậy, thiếu minh bạch...
Nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên và tiếp tục thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát các quy định của pháp luật để giải quyết các vấn đề trước mắt cũng như lâu dài theo hướng xây dựng công cụ chính sách lành mạnh, phù hợp, hiệu quả để bảo đảm liên thông, an toàn, chắc chắn giữa các thị trường vốn với thị trường BĐS, đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường BĐS; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cấp, nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất thí điểm cơ chế chính sách tạo động lực, xung lực mới cho phát triển thị trường.
Tại Hà Nội, trước khi Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 của Chính phủ được ban hành, Sở Xây dựng Hà Nội có thông báo kiểm tra việc thực hiện quy định của Luật Kinh doanh BĐS 2014; Luật Nhà ở 2014 tại các DA nhà ở trên địa bàn TP.
Theo đó, Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ thực hiện kiểm tra, rà soát các DA nhà ở đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS về nội dung: DA có thế chấp ngân hàng hay không; tiến độ bàn giao nhà cho người mua nhà và việc bảo lãnh tiến độ bàn giao nhà của chủ đầu tư cho khách hàng, chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân...
Đoàn kiểm tra cũng thực hiện kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh BĐS, đặc biệt là các DA nhà ở chưa đủ điều kiện pháp lý đã đưa vào kinh doanh.
Ngăn chặn nguy cơ "bong bóng" BĐS, ngay từ đầu năm 2022, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các Sở, ban ngành và quận, huyện thực hiện giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS lành mạnh, tránh để xảy ra tình trạng "bong bóng". Cùng với đó, UBND TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì công bố công khai các đồ án về quy hoạch, tiến độ triển khai các DA.
TP cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư thực hiện quản lý, kiểm soát chặt chẽ công tác đấu giá đất, việc định giá đất, tập trung rà soát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tư vấn đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường. Bên cạnh đó các đơn vị này có trách nhiệm rà soát các DA BĐS đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đặc biệt là các DA BĐS nhà ở cao cấp để xử lý…
Nhiều biện pháp quản lý thị trường BĐS
Theo Bộ Xây dựng, sáu tháng đầu năm 2022, giá đất nền tiếp tục tăng với mức tăng bình quân 5-7% so cuối năm 2021. Trong đó, các vùng ven Hà Nội, TP HCM và các tỉnh, TP: Thái Bình, Bắc Giang, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương… đều có hiện tượng tăng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh vào cuối tháng 3/2022.
Giá nhà đất tăng nhanh, nhưng lượng giao dịch, thanh khoản thấp đang gây ra nhiều hệ lụy trên thị trường BĐS. Trong khi đó, việc xác định giá đất khi thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng; thời hạn, chế độ sử dụng đất đối với các loại BĐS mới, BĐS hỗn hợp… còn bất cập, dẫn đến giá trị đất đai bị đảo lộn do việc xác định thông tin giá đất khó khăn.
Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các DA phát triển cơ sở hạ tầng, các DA BĐS đặc biệt là các DA lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Khẩn trương xây dựng Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn từ nay đến năm 2025 và 2030 và Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm theo quy định của Luật Nhà ở trong đó xác định rõ có danh mục các DA nhà ở để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư DA nhà ở trên địa bàn. Rà soát lập danh mục các DA nhà ở, BĐS trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các DA đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các DA nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường.
Chỉ thị yêu cầu tổ chức công khai danh mục DA, quỹ đất, trình tự thủ tục phát triển nhà ở, BĐS trên địa bàn để kêu gọi đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể dễ dàng tiếp cận và tham gia đầu tư nhà ở, BĐS…
Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững gồm: Thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Không siết chặt tín dụng bất hợp lý, tăng cường kiểm tra, giám sát; Đánh giá cụ thể, chính xác về tình hình và cung – cầu; Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; Xây dựng hệ thống thông tin thị trường BĐS gắn với thông tin đất đai; Kiểm soát huy động vốn của các DN BĐS trên thị trường chứng khoán, tránh đầu cơ, thao túng; Công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng; Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; Ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại