BVĐK Thái Bình, BV Nhi Thái Bình - Điểm sáng của Đề án bệnh viện vệ tinh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTừ năm 2013 đến nay, BV Bạch Mai đã chuyển giao cho BVĐK Thái Bình nhiều kỹ thuật y học cao như: Kỹ thuật điều trị ung thư, kỹ thuật xét nghiệm và chẩn đoán mô bệnh học bằng phương pháp cắt lạnh…
Trong đó, Trung tâm Ung bướu thuộc BVĐK Thái Bình được chuyển giao kỹ thuật về chuyên khoa ung bướu. Ngoài ra, BVĐK Thái Bình còn tiếp nhận chuyển giao 13 gói kỹ thuật hiện đại, phức tạp từ BV Việt Đức như tán sỏi niệu quản ngược dòng bằng tia lazer, kỹ thuật gây mê hồi sức trong mổ bệnh nhân đa chấn thương, phẫu thuật chấn thương, vết thương mạch máu ngoại vi.
Thực hiện Đề án BV vệ tinh, BVĐK Thái Bình đã cử 62 bác sĩ tham gia đào tạo về 4 chuyên khoa: Ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch và huyết học từ các BV hạt nhân như BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV E và Viện Huyết học - truyền máu Trung ương.
Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ tại BVĐK Thái Bình đã làm chủ được nhiều kỹ thuật mới, có tính chuyên sâu. Điển hình như trong năm 2017, dưới sự hỗ trợ của BV E, BVĐK Thái Bình đã triển khai được nhiều kỹ thuật khó như: phẫu thuật nội soi lồng ngực cho 26 ca; 11 ca phẫu thuật cắt u phổi; 7 ca phẫu thuật nội soi kén khí màng phổi; 33 ca phẫu thuật chấn thương vết thương mạch máu.
Năm 2018, BV tiếp tục đề ra nhiều kế hoạch quan trọng trong đó có cải tạo, sửa chữa phòng mổ tim, thành lập khoa phẫu thuật tim mạch, lồng ngực, triển khai nhiều kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp như phẫu thuật tim hở, phẫu thuật phổi, phẫu thuật trung thất, phẫu thuật lồng ngực khác…
Một ca phẫu thuật tại BVĐK Thái Bình. (Ảnh tư liệu) |
BV Nhi Thái Bình cũng tham gia thực hiện Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020. Ths.BS Nguyễn Thị Hồng Thanh - Phó GĐ BV Nhi Thái Bình cho biết, đến nay, BV đã thực hiện nhận chuyển giao 9 gói hợp đồng từ BV Nhi Trung ương với nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu.
Nếu như trước đây, BV Nhi Thái Bình chỉ thực hiện các kỹ thuật nội nhi, đến nay, BV đã thực hiện được hầu hết kỹ thuật theo phân tuyến, bảo đảm hoạt động hiệu quả cả về nội, ngoại, ba chuyên khoa và cận lâm sàng, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đề án BV vệ tinh đã góp phần đưa BV Nhi Thái Bình trở thành BV hạng I năm 2018 (sau 10 năm thành lập).
Đánh giá quá trình 5 năm thực hiện Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013 – 2020, Phó GĐ Sở Y tế Thái Bình Đỗ Thanh Giang cho biết, Đề án BV vệ tinh được triển khai thực hiện tại 2 BV là BVĐK Thái Bình và BV Nhi Thái Bình đã mang nhiều lợi ích thiết thực, góp phần vào việc giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến, giảm gánh nặng, chi phí điều trị cho bệnh nhân, giảm tình trạng quá tải cho BV tuyến trên.
Đề án BV vệ tinh cũng đã tạo cơ hội cho các cán bộ, y bác sĩ của 2 BV được nâng cao trình độ chuyên môn. Đặc biệt, Đề án BV vệ tinh được triển khai đã tạo sự kết nối chặt chẽ giữa BV Trung ương với các BV tuyến dưới, giúp các ca bệnh khó được hội chẩn, nhờ đó bệnh nhân được cứu chữa kịp thời.
Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai thực hiện Đề án BV vệ tinh tại Thái Bình còn gặp một số khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí. Cụ thể, kinh phí cấp cho cán bộ đi học tại các BV tuyến Trung ương đều sử dụng từ nguồn quỹ phát triển sự nghiệp, quỹ đào tạo của BV, kinh phí đào tạo, đầu tư mua sắm trang thiết bị còn hạn chế…
PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, để các giải pháp giảm quá tải BV được thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững hơn ở các tuyến, các địa phương cần thực hiện tích cực Chỉ thị số 08/CT-TTg về tăng cường các giải pháp giảm quá tải BV, mở rộng mạng lưới BV vệ tinh.
Theo đó, Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo mở rộng mạng lưới BV vệ tinh, ưu tiên đầu tư cho các BV vệ tinh đảm bảo có đủ điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật.
BV tuyến trên tăng cường chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, một tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các BV.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống hỗ trợ y tế từ xa (telemedicine) trong việc hội chẩn, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, tư vấn, hội thảo, đào tạo giữa các BV. PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh không phân biệt BV Nhà nước hay BV tư nhân trong lựa chọn BV hạt nhân, BV vệ tinh.
Cùng với đó, ngành y tế cần hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở trên cơ sở gắn với mô hình bác sĩ gia đình bảo đảm phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng vùng, miền; triển khai nhân rộng kết quả thực hiện thí điểm mô hình bác sĩ gia đình để phục vụ nhu cầu, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của người dân.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại