Thứ năm 25/04/2024 21:45

Bức xúc việc xăng giảm nhưng cước xe công nghệ không giảm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau một thời gian lao đao về giá xăng, gần đây, qua hai lần điều chỉnh, giá xăng hiện đã lùi về sát mức 25.000 đồng/lít với E5 RON91 và 26.000 đồng/lít với RON95. Đây là mức giảm khá mạnh so với giá thời điểm đầu tháng 7. Tuy nhiên, cho đến nay, cước taxi công nghệ vẫn chưa hề có động thái giảm cước. Với loại hình điều chỉnh giá cước linh hoạt theo giờ, theo nhu cầu cao điểm – thấp điểm như vận tải công nghệ, thì đây là điều khiến người dân bức xúc.
Cước xe taxi công nghệ vẫn không có dấu hiệu giảm khi giá xăng dầu đã giảm khá nhiều
Cước xe taxi công nghệ vẫn không có dấu hiệu giảm khi giá xăng dầu đã giảm khá nhiều

Giá vẫn cao ngất ngưởng cho mỗi cuốc xe

Theo đó, trong vài ngày nay, mức cước taxi công nghệ như GrabCar, GoCar Protecj, beCar ở khu vực Hà Nội đều không có dấu hiệu giảm giá. Thậm chí trong những khung giờ được các ứng dụng này cho là cao điểm thì mức cước còn cao chót vót. Chị Nguyễn Hải Dương (quận Long Biên) cho biết, lúc 12h trưa ngày 26/7, chị có đặt một cuốc xe từ Lý Thường Kiệt đến Huỳnh Thúc Kháng. “Quãng đường trên ứng dụng báo 3,6km, cước GrabCar là 88.000 đồng. Bởi thấy mức cước cao, tôi chuyển sang GoCar nhưng mức cước cũng tương tự, không rẻ hơn là mấy kể cả có khuyến mại. Tiếp tục thử beCar thì ứng dụng này xuống được 13.000 đồng!” – chị Dương nói.

Vì công việc không gấp gáp, nên chị đã thử lùi giờ đến 1h30 chiều để đặt xe. “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” – chị Dương cho biết. Bởi lẽ, không những giá ở thời điểm đó không những giảm còn tăng… đáng kể. “Lúc này giá của Grab đã là 91.000 đồng, GoCar cao hơn nữa là 101.000 đồng. Ứng dụng beCar mới có thiện cảm vì rẻ nhất thời điểm trước đến giờ cũng đã tăng để… “bằng anh, bằng chị” với giá 101.000 đồng” – chị Dương kể.

Tiếp đà câu chuyện của chị Dương, PV có khảo sát cùng cung đường của chị Dương vào lúc 3h kém chiều, và ghi nhận, thời điểm này GrabCar đã báo giá cước là 92.000 đồng, GoCar là 76.000 đồng và beCar là 88.000 đồng. Như vậy, sau 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu, giá cước taxi công nghệ vẫn không hề có dấu hiệu giảm. Khi được hỏi về vấn đề này, chị Dương cho rằng, việc không giảm giá của các hãng taxi công nghệ như thế này là bất công với người tiêu dùng. “Khi giá xăng tăng, để hợp thức mức cước cao đột biến, các hãng taxi công nghệ xoa dịu khách hàng bằng “chiêu bài” điều chỉnh cước để bù đắp chi phí. Thế tại sao đến lúc xăng giảm lại không giảm cước cho khách hàng. Và khi giá xăng giảm, tại sao khách hàng vẫn phải chấp nhận cước cao để “bù đắp chi phí” cho các hãng”. Chị Dương bức xúc.

Anh Trần Quang Thành (huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng cho biết, bình thường do công việc nên anh hay đi lại giữa Long Biên – Đông Anh. Thời điểm trước khi sử dụng taxi công nghệ, với quãng đường 17km anh thường phải chi trả mức cước 200.000 đồng đến hơn 200.000 đồng, nhưng thời điểm vừa rồi, mặc dù không gọi ở giờ cao điểm, nhưng mức trả cho cùng 1 quãng đường đã tăng từ 20 – 30.000 đồng. “Mức tăng như thế là khá cao, tuy nhiên thời điểm xăng tăng kỷ lục, lên đến 30 – 32.000 đồng thì có thể lý giải mức chi phí này. Nhưng giờ sau 2 lần xăng giảm mà mức cước vẫn thế thì các DN vận tải cũng nên xem lại. Bởi như vậy là bất công với người tiêu dùng” – anh Thành nói.

Xăng tăng không ảnh hưởng trực tiếp đến khối DN này

Việc cước của taxi công nghệ tăng cao khiến các khách hàng ở khu vực Hà Nội phàn nàn và bức xúc. Anh N.V.T – tài xế hãng Grab cho biết, những ngày gần đây khi chở khách anh thường nhận được thắc mắc của khách hàng về phụ phí, cũng như mức cước mà hãng thu của khách. “Tôi cũng rất ngại mỗi lần giải thích với khách. Đồng thời cũng e ngại việc không điều chỉnh giá cước sẽ khiến khách hàng quay lưng với hãng này mà gọi hãng khác. Như vậy, đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là chúng tôi, những tài xế chạy xe công nghệ” – anh T cho biết.

Anh cũng nói thêm, thời gian trước việc thu thêm phụ phí của khách hãng có đưa ra lý do là góp phần hỗ trợ đối tác trong quá trình hoạt động dưới thời tiết nắng nóng gay gắt. Tuy nhiên mức thu phí lại cộng vào cước chuyến xe nên hãng cũng được hưởng chiết khấu từ phụ phí đó. Như thế, mục đích thu phụ phí này hoàn toàn không phải là vì tài xế.

Bàn về vấn đề này, các chuyên gia thương mại phân tích với mức giảm gần 7.000 đồng cho mỗi lít xăng, dù chưa đáp ứng được kỳ vọng của DN và người dân, nhưng đây cũng là mức giảm khá mạnh nếu so với tổng số tiền tăng thêm gần 10.000 đồng/lít xăng kể từ đầu năm. Vì vậy, các DN cần xem xét để thực hiện giảm giá, trong đó, có thể giảm đầu tiên là các DN vận tải vì xăng dầu có tác động trực tiếp. Tuy nhiên, khi thông tin về việc tăng – giảm giá theo giá xăng dầu, đại diện ứng dụng Be Group cho hay, hiện hãng vẫn tiếp tục theo dõi biến động giá xăng dầu, sau đó mới có quyết định. Còn theo đại diện Gojek, kể từ thời điểm xăng tăng liên tục tăng giá từ tháng 4 đến giờ, Gojek đã thực hiện điều chỉnh giá cước 1 lần. Mức giá được điều chỉnh chủ yếu bởi tình hình cung – cầu trên thị trường.

Và trong khi chờ các hãng xe công nghệ… xem xét, theo dõi giá xăng dầu, thì người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận mức cước cao ngất ngưởng. Bức bối về việc này, anh Trần Quang Thành phân tích, việc tăng giá cước nếu xem xét kỹ thì có lợi cho phía ứng dụng gọi xe. Bởi các ứng dụng gọi xe hiện có mức chiết khấu phổ biến là khoảng 30%. Theo đó, cứ mỗi 1.000 đồng tăng theo giá cước thì phía ứng dụng gọi xe nghiễm nhiên bỏ túi tương ứng 300 đồng. Như vậy, việc xăng hay giảm không hề ảnh hưởng trực tiếp đến khối DN này. Đây là một điều bất hợp lý, vì dòng tiền thay vì để bù đắp cho tài xế thì một phần lại chảy về túi đối tượng không bị ảnh hưởng trực tiếp vì giá xăng tăng – phía ứng dụng gọi xe.

Và việc dùng giải pháp tăng giá cước thì sẽ tăng đến bao giờ và tăng đến mức nào nếu trong vài tháng tới giá của loại nhiên liệu này tiếp tục tăng thêm? “Đã hoạt động theo thị trường thì cũng cần phải có sự phản ứng, điều chỉnh theo thị trường cho hợp lý. Như vậy mới thể hiện sự chuyên nghiệp, sòng phẳng và tôn trọng khách hàng” – anh Thành nói.

Hà Nội khôi phục biển cấm xe taxi, xe công nghệ trên nhiều tuyến phố
Shipper vẫn hoạt động trong thời gian giãn cách, Sở GTVT Hà Nội chỉ đạo khẩn
Phụ phí nắng nóng: Khách hàng “hoảng hốt” tài xế băn khoăn
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động