Thứ hai 25/11/2024 13:45
Quận Tây Hồ:

Bồi dưỡng cho 500 hơn giáo viên về tư tưởng Hồ Chí Minh trong quản lý giáo dục

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hơn 500 cán bộ, giáo viên cơ sở giáo dục trên địa bàn quận đã được nghe Tiến sĩ Bùi Xuân Việt - Giảng viên Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ, trao đổi nhiều kiến thức, thông tin về tư tưởng Hồ Chí Minh trong quản lý giáo dục.
Nâng cao kiến thức cho giáo viên về tư tưởng Hồ Chí Minh trong quản lý giáo dục
Thông qua buổi tập huấn, đội ngũ cán bộ giáo viên trên địa bàn quận thêm một lần nữa thấm nhuần về tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là vấn đề giáo dục để từ đó vận dụng, áp dụng trong quá trình giảng dạy để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục của quận Tây Hồ nói riêng và Thủ đô nói chung. Ảnh: UBND quận Tây Hồ

Ngày 31/8, quận Tây Hồ đã tổ chức tập huấn chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục; Xây dựng mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội tạo môi trường phát triển trường học hiện nay” cho hơn 500 cán bộ, giáo viên cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Tại buổi tập huấn, Tiến sĩ Bùi Xuân Việt đã trao đổi, phân tích về tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh với 3 nội dung, gồm: Con đường hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục; Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục; Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng mối quan hệ gia đình - nhà trường - xã hội tạo môi trường phát triển trường học hiện nay.

Theo đó, tư tưởng của Người là xây dựng một nền giáo dục mang tính Nhân dân. Đó là nền giáo dục quốc dân có mục đích tu dưỡng nhân cách con người từ ngay trong quá trình trưởng thành và với tất cả mọi đối tượng.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự phát triển giáo dục của đất nước. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục có một vị trí và vai trò vô cùng quan trọng. Người chỉ rõ nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục vì con người, có vai trò huấn luyện, bồi dưỡng, phát triển toàn diện con người Việt Nam mới - con người xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ của nền giáo dục là “phải phục tùng đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân, học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”.

Cùng với vai trò, nội dung, phương pháp giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành sự chú ý đáng kể đối với các giải pháp phát triển giáo dục. Trong các giải pháp phát triển giáo dục được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập, vấn đề kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội có vị trí khá nổi bật. Người luôn đánh giá cao vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Giáo dục các em là việc chung của gia đình, của trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương cho các em trước mọi việc”.

Vì vậy, giáo dục phải kết hợp cả ba khâu giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội. Quan điểm kết hợp giáo dục nhà trường, gia đình, xã hội của Người đã trở thành phương châm giáo dục được các cấp quản lý và các cơ sở giáo dục cố gắng thực hiện. Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở những người làm công tác giáo dục phải nhận thức đúng đắn giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, các cấp, các ngành và toàn dân, kết quả giáo dục tuỳ thuộc rất nhiều vào sự tham gia tích cực, sự giúp đỡ thiết thực và sự giác ngộ về trách nhiệm đối với giáo dục của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp và toàn xã hội.

Cùng với việc khái quát lại tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, định hướng các biện pháp nhằm xây dựng mối quan hệ gia đình - nhà trường - xã hội tạo môi trường phát triển trường học hiện nay, TS Bùi Xuân Việt đã trực tiếp giải đáp những thắc mắc của giáo viên, cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và xây dựng con người mới
Tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp
Văn Biên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động