Thứ sáu 29/11/2024 07:16

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và xây dựng con người mới

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hoá có tác dụng “sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, sửa xã hội cũ, xây xã hội mới”. Văn hoá tạo sức mạnh để chiến thắng ngoại xâm theo tinh thần “văn minh thắng bạo tàn”…

“Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”

Hồ Chí Minh cho rằng, văn hoá nói chung, chủ nghĩa Mác-Lênin nói riêng đóng vai trò quan trọng tạo bước nhảy vọt triệt để trong tư duy, hành động của con người và của các dân tộc bị áp bức, bị tha hoá đến vương quốc của con người phát triển tự do và toàn diện.

Ngay từ năm 1921, Người đã nói đến “luồng gió từ nước Nga thợ thuyền... đang thổi đến giải độc cho người Đông Dương”; rằng, “những người xã hội chủ nghĩa nếu lơ là việc giáo dục, thì giai cấp tư sản thực dân và bản xứ... cứ phụ trách giáo dục bằng phương pháp của chúng… Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”.

Hồ Chí Minh từng nói đến “văn hoá soi đường cho quốc dân đi”, “phải đem văn hoá lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”, phải “xúc tiến công tác văn hoá để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc” .

Văn hoá như một động lực thúc đẩy các dân tộc đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau. Với nhận thức như vậy, bằng sự nỗ lực hoạt động không mệt mỏi trên mặt trận văn hoá thông qua sách, báo, văn thơ... Hồ Chí Minh làm cho các dân tộc hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân ở các nước thuộc địa và con đường cách mạng chân chính cần phải thực hiện.

Theo Hồ Chí Minh, văn hoá có tác dụng “sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, sửa xã hội cũ, xây xã hội mới”. Văn hoá tạo sức mạnh để chiến thắng ngoại xâm theo tinh thần “văn minh thắng bạo tàn” . Kinh tế nâng cao đời sống vật chất, còn văn hoá có tác dụng nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân.

Hồ Chí Minh có ý thức rõ ràng về giá trị văn hoá dân tộc, văn hoá tinh thần và văn hoá vật chất. Người cho rằng, “càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông”. Người ca ngợi truyền thống yêu nước, thương người, tinh thần dân chủ, tinh thần quốc tế, đoàn kết, yêu đời, lạc quan, ngợi ca các anh hùng và danh nhân Việt Nam.

Hồ Chí Minh sớm có sắc lệnh về bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam (Sắc lệnh 65, ký ngày 23-11-1945 quy định nhiệm vụ và quyền lợi của Đông Phương Bác Cổ học viện). Người cũng rất quan tâm đến di sản văn hoá của dân tộc. Nói chuyện với nghệ sĩ sáo Đình Thìn, Người tâm sự: “Âm nhạc dân tộc của ta rất độc đáo. Bác đã đi nhiều nước trên thế giới, nhưng Bác vẫn nhớ những câu hát của dân ta. Ta có nhiều câu hát dân ca hay lắm. Bây giờ phải khai thác và phát triển nó lên. Cháu là thanh niên, cháu phải làm nòng cốt tiếp thu và phát triển âm nhạc dân tộc” .

Tiếp chuyện nhà văn Đức Irênê Phabe, người đã dịch truyện Kiều trong bảy năm, Hồ Chí Minh nói: “Nguyễn Du là một nhà thơ cổ điển vĩ đại của chúng tôi... những người cộng sản chúng ta rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn nguồn cổ điển đó”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh  về văn hóa và xây dựng con người mới
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ảnh: Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại quan hệ chặt chẽ

Nói đến văn hoá dân tộc và để văn hóa dân tộc có điều kiện phát triển, Hồ Chí Minh cho rằng: “Văn hóa Việt Nam ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại... Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta phải học lấy để phải tạo ra một nền văn hoá Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và văn hoá nay, trau dồi cho văn hoá Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”.

Hồ Chí Minh thường nhắc đến tấm gương các danh nhân thế giới và Người khâm phục nền văn hóa nghệ thuật tốt đẹp cổ truyền của các nước, các dân tộc. Một nhà báo Mỹ đã viết: “Cụ Hồ không phải là người dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, mà Cụ là một người yêu mến văn hoá Pháp trong khi chống thực dân Pháp, một con người biết coi trọng những truyền thống cách mạng Mỹ trong khi Mỹ phá hoại đất nước Cụ”.

Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới và hội nhập, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021) đã xác định: Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh.

Người giáo dục: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Hồ Chí Minh đòi hỏi phải “phát huy vốn cũ quý báu của dân tộc”, tức là khôi phục cái gì tốt, cái gì không tốt thì phải loại dần ra, tránh tình trạng khôi phục cả đồng bóng, rước xách thần thánh. Người khẳng định truyền thống “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa”.
TS. Lê Bá Tâm (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động