Thứ sáu 22/11/2024 13:23
Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022)

Tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, Người coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền Nhà nước.
Tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp
Bác Hồ với các trí thức cách mạng là đại biểu Quốc hội. Ảnh: Báo Nhân dân

Công tác tư pháp phải “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”

Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, trong Nội các của Chính phủ lâm thời đã có Bộ Tư pháp, điều này cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ vai trò của công tác tư pháp trong hoạt động Nhà nước. Một năm sau khi thành lập nước, Người đã chỉ đạo xây dựng Hiến pháp năm 1946- bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta. Xuất phát từ tư tưởng coi trọng pháp luật và xác định vai trò của công tác tư pháp đối với hoạt động Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành một tình cảm đặc biệt cho ngành, người nhiều lần để lại những lời căn dặn thiết thực, ý nghĩa.

Trên cơ sở hiểu rõ đặc trưng, nhiệm vụ đặc thù của đội ngũ cán bộ tư pháp, Bác Hồ đã khẳng định: “Tư pháp là cơ quan trọng yếu của chính quyền”. Bác dặn dò: Tư cách đạo đức của cán bộ được đo bằng sự tin yêu, quý mến của người dân. Với riêng cán bộ tư pháp phải lấy công việc phụng sự nhân dân làm lẽ sống, làm mục tiêu phấn đấu, đặt lợi ích của Nhân dân, của dân tộc lên trên hết, phải tuân thủ pháp luật, giữ gìn và bảo vệ pháp luật. Trong thư gửi Hội nghị công tác tư pháp tháng 2/1948, Người viết: “Cán bộ tư pháp phải tuyệt đối trung thành”, “các bạn là những người phụ trách thi hành luật pháp, lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao tấm gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho Nhân dân noi theo”.

Đối với người cán bộ tư pháp, Người không chỉ đòi hỏi phải chí công vô tư mà còn phải biết phụng công, thủ pháp. Cán bộ tư pháp là những người phụ trách thi hành pháp luật, nên lẽ dĩ nhiên, phải hết lòng vì cái chung, vì Nhân dân mà bảo vệ pháp luật, bảo đảm sự công bằng, công minh trong việc áp dụng pháp luật với tinh thần cao nhất. "Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư" là những tiêu chuẩn làm nên bản chất mới của cán bộ tư pháp, suy rộng ra là của cả nền tư pháp mới.

Người hết sức quan tâm tới việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm cơ sở để mọi người dân và cán bộ tôn trọng, thực hiện. Trong suốt thời gian giữ cương vị Chủ tịch nước, Người đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp năm 1946 và năm 1959; đã ký Lệnh công bố 16 Luật, 613 Sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có công lớn nhất trong sự nghiệp lập hiến và lập pháp. Nhưng điều quan trọng hơn là Người tập trung chỉ đạo đưa pháp luật vào cuộc sống, làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế, tạo cơ chế bảo đảm cho pháp luật được thi hành.

Người cán bộ tòa án là “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”

Tại Hội nghị cán bộ ngành tư pháp năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung tòa án. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối, chính sách của Chính phủ.

Theo Bác, người cán bộ tòa án cũng là con người nên không thể tránh được những thiếu sót. Muốn làm tốt công tác xử án thì ngoài phải liêm khiết, trong sạch thì người cán bộ tòa án phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng, khúc mắc của người dân, qua đó sẽ giúp dân, cảm hóa dân và học ở dân những đức tính tốt đẹp, những kinh nghiệm nhằm giúp cho công tác xét xử tốt hơn.

Năm 1950, trong không khí khẩn trương chuẩn bị cho Chiến dịch biên giới, lớp nghiên cứu chính trị, pháp lý cho gần 100 cán bộ tư pháp từ liên khu 5 trở ra đã được tổ chức tại một cánh rừng ở chiến khu Việt Bắc. Lớp học vinh dự được Bác Hồ đến thăm và căn dặn nhiều điều quý báu. Sau khi phân tích sự khác biệt giữa tòa án của ta và của đế quốc, Bác nói: Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn.

Với những quan điểm chỉ đạo của Bác đã mở đầu cuộc Cải cách tư pháp lần thứ nhất ở nước ta trên cơ sở quan điểm tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tăng cường cán bộ công – nông, đẩy mạnh việc học tập chủ nghĩa Mác – Lê-nin, rèn luyện “óc pháp lý mới”. Sau đó, Bộ Tư pháp đã trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh dự án Sắc lệnh Cải cách bộ máy tư pháp và Luật Tố tụng với những mục đích rất rõ ràng là bộ máy tư pháp cần được “dân chủ hóa”, “để công việc xét xử được nhanh chóng và gần dân hơn”, “thủ tục tố tụng cần được hợp lý và giản dị hơn”. Với ý nghĩa đó, ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 85 về cải cách bộ máy tư pháp, xây dựng nên những nguyên tắc tiến bộ đầu tiên cho nền tư pháp non trẻ của nước ta.

Thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ngành Tư pháp đã chủ động xây dựng kế hoạch, phát động, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức bằng nhiều hình thức đa dạng; đưa việc học tập và làm theo gương Bác trở thành công việc tự giác, thường xuyên của Đảng bộ, của mỗi cán bộ, đảng viên; lồng ghép nội dung học tập và làm theo gương Bác vào Kế hoạch phát động phong trào thi đua hàng năm, lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên hàng năm;

Chú trọng việc xây dựng, tổng kết và nhân rộng những điển hình tiên tiến về làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh trong ngành. Riêng đối với ngành tư pháp, từ những lời căn dặn của Người, Ngành tư pháp đã cụ thể hóa thành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp được ban hành tại Quyết định số 2659/QĐ-BTP ngày 3/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Có thể nói, lời Bác dạy đã hơn nửa thế kỷ qua mà vẫn còn tươi nguyên những giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Học tập và làm theo tấm gương của Người, mỗi cán bộ, công chức tư pháp chúng ta hôm nay càng thấm thía hơn những lời dạy của Người dành cho Ngành Tư pháp trong công tác chuyên môn cũng như trong quan hệ, xử sự hàng ngày. Và qua đó càng ý thức hơn vai trò, vị trí của mình, của Ngành Tư pháp mình trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Thời điểm hiện nay và thời gian tới, hơn bao giờ hết, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cần đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đấu tranh triệt để, không khoan nhượng với tham nhũng, lãng phí. Các cơ quan tư pháp phải phát huy cao độ hơn nữa năng lực, trách nhiệm trong quản lý Nhà nước và trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án chức vụ, tham nhũng, kinh tế; chung tay đùi lùi tệ nạn tham nhũng. Điều này đòi hỏi mỗi chúng ta cần nghiêm túc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là phải thực hiện cho bằng được lời Bác dạy: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.
Những bài học vô giá về nghiệp vụ ngoại giao theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh
Ra mắt Bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ
Triển lãm tranh cổ động nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ tìm đường cứu nước
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Người là niềm tin tất thắng”
Thái Yên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động