“Bốc bát họ” núp bóng tín dụng đen sẽ bị xử phạt như thế nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHai đối tượng Huy và Thành cho vay lãi nặng núp bóng "bốc bát họ" tại CQCA. Ảnh: CQCA cung cấp |
CA quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, đang tạm giữ hình sự đối với Phùng Văn Huy, SN 1989, trú tại Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây, Hà Nội; tạm trú tại Đại Thanh, huyện Thanh Trì, Hà Nội và Đỗ Tiến Thành, SN 2000, ở xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội; tạm trú tại Đại Thanh, huyện Thanh Trì, Hà Nội để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, quy định tại Điều 201, BLHS.
Trước đó, qua công tác nắm bắt tình hình, CQCA xác định, Phùng Văn Huy có 1 tiền án về tội "Trộm cắp tài sản" liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Theo CQCA, Huy có biểu hiện đi thu tiền “họ” của người dân trên địa bàn quận Hà Đông. Trinh sát nắm được ổ nhóm này có biểu hiện kinh doanh tài chính (cho vay dưới hình thức “bốc bát họ” với lãi suất cao) hoạt động tại nhiều quận, huyện thuộc địa bàn TP Hà Nội.
Ngày 17/7, CQ CSĐT CA quận Hà Đông và các đơn vị nghiệp vụ triển khai các tổ công tác đồng loạt ra quân, khám xét khẩn cấp nơi ở của Phùng Văn Huy và Đỗ Tiến Thành. Tại CQ CSĐT, các đối tượng khai nhận, để điều hành hoạt động kín kẽ, các đối tượng đã bàn bạc và phân công từng nhiệm vụ, từng khâu như: quảng cáo - khai thác người có nhu cầu vay tiền; kiểm tra thông tin khách vay; làm thủ tục cho khách vay tiền và nhắc khách đóng tiền hàng ngày.
Để quản lý khách vay tiền, Huy và Thành sử dụng các ứng dụng mạng xã hội cùng ứng dụng quản lý khách vay trên mạng internet... Để đối phó với cơ quan chức năng, nếu một trong các đối tượng trong đường dây “tín dụng đen” này bị phát hiện thì các đối tượng trong nhóm sẽ lập tức xóa dữ liệu, tiêu hủy chứng cứ của cả nhóm trên không gian mạng.
Từ lời khai của các đối tượng và tài liệu ban chuyên án thu thập cho thấy, nhóm đối tượng này có thời gian khá dài hoạt động kinh doanh tài chính trên không gian mạng dưới hình thức cho vay "bốc bát họ” với tỷ lệ 10 ăn 8, cắt lãi trước, trả trong vòng 50 ngày (khách vay 10 triệu đồng sẽ nhận về 8 triệu đồng, cắt lãi trước 2 triệu đồng); lãi suất cho vay 146%/năm.
Trong khoảng thời gian từ tháng 10/2022 đến tháng 7/2023, nhóm đối tượng này đã cho nhiều khách vay ở nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội như: Hà Đông, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thanh Trì…. với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Hiện, CQ CSĐT CA quận Hà Đông đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Luận bàn về vụ án này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trên cơ sở điều tra ban đầu, các đối tượng cho váy dưới hình thức bốc “bát họ” với tỷ lệ 10 ăn 8, cắt lãi trước, trả trong vòng 50 ngày (khách vay 10 triệu đồng sẽ nhận về 8 triệu đồng, cắt lãi trước 2 triệu đồng); lãi suất cho vay 146%/năm.
“Bởi vậy, cơ quan chức năng hoàn toàn đủ cơ sở để xử lý trách nhiệm hình sự nhóm đối tượng vi phạm. Trên cơ sở xem xét, điều tra cũng như những yếu tố khách quan, chủ quan hoặc vai trò từng đối tượng, cơ quan chức năng sẽ lấy đó làm căn cứ để làm rõ, xử lý", luật sư Nguyên phân tích.
Luật sư Nguyên cho biết, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (tức cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên) thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" theo Điều 201, BLHS năm2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tùy mức thu lợi bất chính từ hành vi cho vay lãi nặng mà khung hình phạt tội này có thể là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm.
Trường hợp cho vay vượt mức 20%/năm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (tức chưa tới mức lãi suất 100%/năm) thì bị xử phạt hành chính với quy định tại khoản 4 và khoản 7 Điều 12, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm như sau: Mức xử phạt là 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với cá nhân vi phạm (đối với tổ chức thì mức phạt tiền là 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng). Đồng thời người vi phạm phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi vi phạm.
Ngoài ra, cho vay nặng lãi thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản,… thì tùy từng trường hợp họ còn bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Luật sư Nguyên khuyến cáo, khi có nhu cầu vay vốn người dân cần cẩn trọng tìm hiểu rõ tính pháp lý của đơn vị cho vay và đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng vay tiền xem lãi suất là bao nhiêu, cách tính lãi suất và có phương án trả nợ cụ thể. Trong trường hợp cần thiết, người vay có thể đến UBND nơi mình cư trú nhờ sự giúp đỡ của các đoàn thể, qua đó sẽ tiếp cận với các nguồn vốn vay phù hợp. Có như vậy mới vừa bảo vệ quyền lợi, tính mạng của bản thân, vừa góp phần giữ vững ổn định về an ninh trật tự ở cơ sở.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại