Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Kết quả nghiên cứu khoa học cần gắn với địa chỉ ứng dụng”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc với Viện Khoa học lao động và xã hội về công tác nghiên cứu khoa học nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Viện.
Bộ trưởng đánh giá, trong quá trình phát triển và những thành tựu của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội thời gian qua có sự đóng góp tích cực của Viên Khoa học lao động và xã hội. Nhiều kết quả nghiên cứu của Viện mang dấu ấn quan trọng trong các giai đoạn phát triển của bộ, ngành Lao động – Thương binh & Xã hội như: Ban hành Bộ luật Lao động năm 1994 và các luật chuyên ngành sau này; xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, Chương trình việc làm quốc gia, các chính sách về dịch vụ xã hội cơ bản, chính sách bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý, các lĩnh vực quản lý của ngành Lao động – Thương binh & Xã hội rất rộng, vấn đề đặt ra rất nhiều, nhiều vấn đề mới xuất hiện. Trong khi đó những nghiên cứu cơ bản của Viện trong thời gian qua vẫn còn chưa bao phủ hết, chưa cung cấp kịp thời các căn cứ lý luận, bằng chứng thực tiễn cho xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách của Bộ. Thiếu các nghiên cứu quy mô để giải quyết thấu đáo, toàn diện những vấn đề lớn của ngành cả về lý luận, tổng kết thực tiễn và đề xuất giải pháp, mô hình triển khai.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trước một số vấn đề xã hội nảy sinh, xu hướng già hóa dân số, biến đối khí hậu và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Viện Khoa học lao động và xã hội thời gian tới sẽ rất nặng nề.
Bộ trưởng mong muốn Viện sẽ nỗ lực hơn nữa, sớm khẳng định vị trí đầu tàu trong nghiên cứu khoa học; góp phần đưa khoa học công nghệ trở thành yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sự nghiệp lao động, người có công và xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Nghiên cứu khoa học góp phần quan trong vào xây dựng chính sách pháp luật lao động, người có công và xã hội". Ảnh Mạnh Dũng |
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị trong thời gian tới, Viện Khoa học lao động và xã hội cần chú trọng các nghiên cứu đón đầu, dự báo mang tầm chiến lược để giải quyết các vấn đề mới trong lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội như: Việc làm bền vững; đào tạo nhân lực, chuyển đổi việc làm và giải quyết việc làm dưới tác động của kỷ nguyên tự động hóa và số hóa; quan hệ lao động trong nền kinh tế chia sẻ; sinh kế và chuyển đổi sinh kế cho người dân thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển hệ thống an sinh xã hội công bằng, bền vững, hỗ trợ hiệu quả các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và thích ứng với xu hướng già hóa dân số, vì mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình phát triển… Kết quả nghiên cứu cần gắn với từng địa chỉ ứng dụng, nghiên cứu xong thì phải ứng dụng ngay.
“Chúng tôi đặt hàng các đồng chí 2 vấn đề, một là cung - cầu lao động, hai là giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0” – Bộ trưởng nói.
Trước đó báo cáo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội Đào Quang Vinh cho biết, thời gian qua, Viện đã triển khai nghiên cứu đồng thời trên cả 3 lĩnh vực: Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và nghiên cứu triển khai, luôn cố gắng tổ chức nghiên cứu đón đầu những vấn đề mới phát sinh liên quan đến các lĩnh vực của ngành. Trong năm 2017, Viện đã đề xuất trình bộ xây dựng và triển khai nghiên cứu 03 chương trình nghiên cứu cấp bộ; riêng Viện đã thực hiện 12/40 đề tài cấp bộ (chiếm 30%) và 16 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng. Công tác quản lý khoa học của Viện được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế hoạt động khoa học công nghệ. Các hoạt động nghiên cứu đã bám sát nhiệm vụ của ngành, cung cấp kịp thời cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ công tác quản lý và hoạch định chính sách.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại