Thứ ba 26/11/2024 01:42

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “Đặt tính mạng, tài sản của con người lên cao nhất”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
 “Tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm trong lĩnh vực xây dựng và trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu trong phần giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018”, chiều 13-11.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, trong báo cáo của Đoàn giám sát và các vị đại biểu Quốc hội cũng rất bức xúc tại sao có những công trình chưa nghiệm thu mà trong đó có phòng cháy, chữa cháy thì đã đưa vào sử dụng. Một số các vi phạm đã phát hiện ra nhưng xử lý không nghiêm dẫn tới chủ đầu tư, một số chủ thể liên quan có biểu hiện nhờn.

Với trách nhiệm là người đứng đầu, Bộ trưởng nhận trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm trong lĩnh vực xây dựng và trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng.

Thông tin về công tác hoàn thiện các thể chế, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: Hiện nay có ba luật điều chỉnh vấn đề phòng cháy chữa cháy, là Luật Phòng cháy và chữa cháy; Luật Xây dựng; Luật Nhà ở. Ngoài ra, ít nhất có bốn nghị định và nhiều thông tư của các bộ để điều chỉnh các vấn đề này.

Trong các quy định này đã có những quy định hết sức cụ thể trong tất cả các khâu của lĩnh vực đầu tư xây dựng. Ví dụ, khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật, thẩm định thiết kế chi tiết và kiểm tra, nghiệm thu công trình. Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện nay liên quan đến phòng cháy, chữa cháy trong lĩnh vực xây dựng có 8 quy chuẩn và 26 tiêu chuẩn.

Trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn này quy định rất cụ thể về quy hoạch hệ thống đường giao thông để phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, các trạm phòng cháy, chữa cháy, bố trí các trụ nước, quy định về việc phòng cháy, báo cháy, ngăn cháy lan, chữa cháy và cũng có những quy định rất cụ thể về phòng, chống cháy trong một số công trình chuyên ngành.

Ví dụ như nhà ở, chung cư, chợ, công trình thương mại, dịch vụ, v.v. trong Luật Nhà ở cũng đã quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, của Ban quản trị nhà chung cư trong việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy cũng như việc mua bảo hiểm về cháy, nổ.

Mặc dù các quy định đã cơ bản phủ hầu hết các lĩnh vực về xây dựng, các công trình xây dựng và đủ sức điều chỉnh các hoạt động thực tiễn về phòng cháy, chữa cháy, tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà là còn tồn tại một hạn chế rất căn bản là “còn tản mạn”. Một số nội dung đã lạc hậu, còn thiếu một số quy định để đáp ứng đối với yêu cầu và sự phát triển rất nhanh của lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị. “Ví dụ, hiện nay nhà chung cư cao trên 150m là chúng ta chưa có các quy chuẩn cụ thể, nhất là trong việc tổ chức thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy trong công tác quy hoạch, xây dựng, thẩm định dự án, thiết kế, nghiệm thu công trình”, Bộ trưởng dẫn chứng.

bo truong bo xay dung dat tinh mang tai san cua con nguoi len cao nhat
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà: "Tôi cũng xin nói thật, khi rà soát, làm việc nhiều với doanh nghiệp, nhà đầu tư thì cũng có những đòi hỏi phải hạ thấp các tiêu chuẩn này. Quan điểm của chúng tôi là không thể hạ thấp những quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy mà đặt tính mạng, tài sản của con người lên cao nhất".

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết sẽ tập trung cao cho bổ sung hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, đặc biệt là hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy.

“Báo cáo với Quốc hội hiện nay theo đề án của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Bộ Xây dựng và các bộ chuyên ngành, một số địa phương cũng đang tập trung thực hiện việc này. Chúng tôi định hướng sẽ bổ sung các quy định mới để đáp ứng các yêu cầu về tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Ví dụ như vật liệu xây dựng thì có vật liệu xây dựng rất mới, nó cũng không phải là thép, do đó cần phải có những quy định rất cụ thể về phòng cháy, chữa cháy đối với những loại vật liệu mới này”, Bộ trưởng thông tin.

Về quy mô và chiều cao công trình, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện nay ở Việt Nam đã đủ sức tự thiết kế và tự thi công công trình đến 100 tấn. Tuy nhiên cần phải bổ sung các quy định, quy chuẩn liên quan về công trình này. Đồng thời bổ sung những quy định về các công trình đa năng, hỗn hợp của nhiều chức năng. Đưa những quy định về thiết kế chịu lực, những yêu cầu với phương tiện phòng cháy, chữa cháy.

“Cơ bản các phương tiện chữa cháy của chúng ta mới vươn tới độ cao khoảng 20 tầng. Có một vài địa phương tôi được biết đã mua sắm trực thăng chữa cháy nhưng còn rất ít. Do đó quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng cũng cần phải phù hợp với những đặc thù này để có những giải pháp cụ thể trong mức độ hiện nay của đầu tư về phương tiện phòng cháy, chữa cháy”, Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành Xây dựng cũng nhấn mạnh sẽ tổ hợp lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho gọn, dễ tra cứu, áp dụng. “Riêng lĩnh vực xây dựng đã có 8 quy chuẩn và 26 tiêu chuẩn, cho nên phải tổ hợp lại cho dễ tra cứu, cho gọn, dễ áp dụng và đồng thời cũng đáp ứng được yêu cầu vừa bảo đảm phòng cháy, chữa cháy nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp”.

“Quan điểm là phải ưu tiên phòng cháy, chữa cháy, tài sản, tính mạng con người là trên hết. Đối với nhà cao tầng chúng ta có những quy định ở một số chiều cao phải có tầng lánh nạn. Nếu làm tầng lánh nạn này nếu không có cháy thì để không, nhưng buộc vẫn phải làm, bởi vì khi có cháy phải có thoát nạn, có chỗ lánh nạn để các phương tiện, lực lượng phòng cháy, chữa cháy đến chữa”.

“Tôi cũng xin nói thật, khi rà soát, làm việc nhiều với doanh nghiệp, nhà đầu tư thì cũng có những đòi hỏi phải hạ thấp các tiêu chuẩn này. Quan điểm của chúng tôi là không thể hạ thấp những quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy mà đặt tính mạng, tài sản của con người lên cao nhất.

Theo báo cáo giám sát: “Cả nước vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, trong đó chủ yếu là các công trình được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy chữa cháy (năm 2001) có hiệu lực.

Tính đến tháng 7-2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy"

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: "Trong năm 2019, cụ thể tháng 12, sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Xây dựng sẽ ban hành hai quy chuẩn mới, cơ bản nhất để đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, đó là Quy chuẩn 01 về quy hoạch xây dựng; Quy chuẩn 06 về phòng cháy, chữa cháy".
Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động