Bộ trưởng Bộ TT&TT: Năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Năm 2024 còn là năm phát triển AI, nhất là AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực, các AI công nghiệp. Cung cấp công nghệ AI như dịch vụ. Năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Ảnh: TP |
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, 10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng trong công cuộc đổi mới lần thứ hai của ngành: Từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số; từ công nghệ thông tin sang công nghệ số; từ ứng dụng CNTT sang chuyển đổi số; từ tự động hoá sang thông minh hoá, sang trí tuệ nhân tạo; từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới.
Đặc biệt, từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Make in Vietnam (thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam); từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính; công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản; nhân tài số trở thành nguồn lực cơ bản; đổi mới sáng tạo số trở thành động lực cơ bản của phát triển.
Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Hạ tầng số Việt Nam thì phải dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Năm 2024 sẽ là năm thương mại hoá, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng số công nghiệp. Năm 2024 còn là năm phát triển AI, nhất là AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực, các AI công nghiệp. Cung cấp công nghệ AI như dịch vụ. Năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn.
Lợi thế căn bản nhất của chúng ta là người Việt Nam có gien về STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học). Mà STEM là căn bản của công nghệ bán dẫn, của thiết kế chip. Trong các lợi thế thì lợi thế gien là quan trọng nhất, chắc cũng không kém lợi thế về địa chính trị. Từ lợi thế nhân lực sẽ ra các lợi thế khác. Từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.
Chúng ta phát triển công nghiệp bán dẫn thì nên nhìn nó trong một ngữ cảnh lớn hơn, một bức tranh lớn hơn. Nếu nói về thị trường thiết lế chip bán dẫn thì chỉ có 60 tỷ $ mỗi năm, nếu nói cả ngành công nghiệp bán dẫn thì là 600 tỷ $, nhưng ngành công nghiệp điện tử thì trên 3.000 tỷ $, còn ngành công nghiệp chuyển đổi số thì trên 20.000 tỷ $, tức là lớn hơn 30 lần ngành công nghiệp bán dẫn.
Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam Trần Đức Lai đã ôn lại chặng đường 35 năm xây dựng và trưởng thành của hội. Trải qua 35 năm hoạt động, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam đã từng bước lớn mạnh và trở thành một tổ chức hội nghề nghiệp có uy tín trong nước và quốc tế với hàng ngàn hội viên. Trong 35 năm qua, Hội đã có nhiều hoạt động giúp phổ biến các kiến thức cơ bản về vô tuyến điện tử và ứng dụng tin học nhằm tạo ra môi trường cho việc phát triển vô tuyến điện tử tại Việt Nam. Hội đã tổ chức được 26 Hội nghị quốc gia về Điện tử - Truyền thông và Công nghệ thông tin; 16 hội nghị quốc tế về các công nghệ tiên tiến trong truyền thông. Hội cũng đã hình thành 1 diễn đàn quốc tế và quốc gia cho các nhà khoa học, hàng năm thu hút được nhiều công trình nghiên cứu có chất lượng, được cộng đồng khoa học đánh giá cao. Các công trình được đăng trong Tạp chí tiếng Anh của Hội đã được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước trong nhiều nhiệm kỳ đánh giá là điểm công trình tối đa đến 1 điểm. Những hoạt động đó đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ Nhà nước nói chung và lĩnh vực Thông tin và Truyền thông nói riêng.
Bên cạnh đó, Hội cũng thực hiện công tác tư vấn, phản biện và được các Bộ, ngành tin tưởng giao nhiệm vụ tư vấn, phản biện nhiều đề án, dự án lớn như dự án phóng vệ tinh VINASAT-1 của Việt Nam, Chuyển đổi số quốc gia, Quy hoạch hạ tầng Thông tin và Truyền thông Quốc gia, quy hoạch các băng tần cho thông tin vô tuyến tại Việt Nam, các dự án sửa đổi Luật Tần số, Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử… Hàng năm, Hội còn tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về điện tử, phát thanh truyền hình, các lớp nâng cao trình độ công nghệ mới, các triển lãm khoa học và công nghệ… để phổ biến các nội dung cần thiết trong cộng đồng.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ TTTTNguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Hội Vô tuyến - Điện tử sinh ra trong đổi mới, gắn liền với đổi mới và góp phần vào đổi mới của đất nước… Trong 50 năm qua, nhiều cuộc cách mạng đã diễn ra, cách mạng máy tính, cách mạng internet, cách mạng di động, cách mạng điện toán đám mây. Hiện nay là giai đoạn đầu của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI)… Tất cả những sự thay đổi mang tính cách mạng ấy đều xoay quanh các lĩnh vực vô tuyến, điện tử và máy tính - là các lĩnh vực hoạt động của Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra sứ mệnh mới của Hội là sứ mệnh làm chủ công nghệ; đầu tiên, và lâu dài là nghiên cứu khoa học. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam có thể đóng góp vào quá trình này thông qua việc trở thành cầu nối, gắn kết việc nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, gắn kết các nhà nghiên cứu với doanh nghiệp; thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp với các khoa, các trường, các viện nghiên cứu, biến các kết quả nghiên cứu khoa học thành các ứng dụng trong thực tiễn.
Nhân lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã trao tặng Bằng khen về những thành tích xuất sắc cho Hội Vô tuyến - Điện tử và các cá nhân của Hội. Ngay sau Lễ kỷ niệm, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam đã Đại hội khoá VIII nhiệm kỳ 2023-2028. Đại hội đã bầu Ban chấp hành mới; ông Trần Đức Lai tiếp tục được bầu giữ vị trí Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam nhiệm kỳ VIII. Ông Nguyễn Cảnh Minh được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam; các Phó Chủ tịch còn lại gồm ông Trần Xuân Nam, Nguyễn Nam Long, Đặng Hoài Bắc, Chử Đức Trình, Đoàn Quang Hoan.
Quy định chi tiết hơn để tăng tính khả thi, hiệu lực của điều luật |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại