Bố trí nguồn vốn đối ứng đầu tư trường học, nâng cấp hệ thống y tế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu tại hội nghị. |
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên - Phó trưởng Ban chỉ đạo; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà - Phó trưởng Ban chỉ đạo.
Phê duyệt chủ trương đầu tư đạt 82% số dự án
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo), giai đoạn 2021 - 2030 ngân sách thành phố đã bố trí 15.156,2 tỷ đồng (37,4% kế hoạch), thực hiện 769 dự án, trong đó, đã bố trí 1.649,5 tỷ đồng thực hiện 23 dự án cấp thành phố; đã bố trí 13.506,7 tỷ đồng hỗ trợ cấp huyện thực hiện 746 dự án. Ngân sách cấp huyện đã bố trí vốn đối ứng để thực hiện các dự án Thành phố hỗ trợ vốn: 2.137,1/6.045,5 tỷ đồng (đạt 35% kế hoạch).
Về tiến độ thực hiện các dự án: Đã phê duyệt chủ trương đầu tư với 1.074/1.310 dự án (đạt 82%); đã phê duyệt quyết định đầu tư 851 dự án (đạt 65%); đã triển khai xây dựng 554 dự án (42,3%). Thành phố cũng đã hoàn thành 218 dự án trong giai đoạn 2021-2022; dự kiến năm 2023 có thêm 339 dự án hoàn thành.
Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục, có tổng số 139 dự án (gồm các trường THPT): 123 dự án được thành phố hỗ trợ 5.945,6 tỷ đồng; 15 dự án do ngân sách cấp huyện bố trí 2.927,6 tỷ đồng. Đến nay đã giao đơn vị lập đề xuất 130 dự án...; dự kiến hết 2023 hoàn thành 17 dự án (đã hoàn thành 14 dự án).
Lĩnh vực tu bổ, tôn tạo di tích có 49 dự án giai đoạn 2021-2025 và 9 dự án dự kiến thực hiện sau 2025. Đến nay đã giao đơn vị lập đề xuất 58 dự án, trong đó đã duyệt chủ trương đầu tư 17 dự án...; dự kiến hết 2023 hoàn thành 6 dự án (trong đó đã hoàn thành 4 dự án).
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tiến độ triển khai các dự án. |
Lĩnh vực y tế có tổng số 37 dự án (gồm cả 4 dự án đầu tư nguồn vốn xã hội hoá), đã duyệt chủ trương đầu tư 14/33 dự án (42,4% số dự án); đã phê duyệt quyết định đầu tư 7 dự án; đã thực hiện xây dựng 5 dự án (đã hoàn thành 1 dự án)....
Tỷ lệ bố trí vốn đối ứng chưa tương ứng
Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư như: Dự án Phục dựng không gian Điện Kính Thiên phải xin ý kiến Unesco. Công tác lập hồ sơ Dự án bảo tồn phục dựng thành hào khu di tích Cổ Loa phức tạp. Dự án bảo tồn khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu - phương án thiết kế thi tuyển chưa phù hợp với quy hoạch chi tiết do Thủ tướng Chính phủ duyệt.
Đồng thời cho biết, hiện chưa có hướng dẫn về suất đầu tư của bệnh viện chuyên khoa, chưa xác định danh mục, cấu hình trang thiết bị phù hợp với quy mô bệnh viện, ảnh hưởng tới tiến độ dự án lĩnh vực y tế; 7 dự án trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại chưa trình hồ sơ đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư do chưa được phê duyệt tiêu chí xây dựng. Việc đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng đạt tiêu chí trường công lập đạt chuẩn quốc gia khó khăn do quỹ đất còn hạn chế.
Bên cạnh đó, một số dự án còn vướng mắc về quy hoạch; tiến độ phê duyệt quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích theo quy định của Chính phủ chậm; khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng...
Tỷ lệ bố trí vốn đối ứng của các đơn vị trong năm 2021, 2022 và đầu năm 2023 chưa tương ứng với tỷ lệ thành phố đã hỗ trợ và chưa đáp ứng đủ vốn trách nhiệm của ngân sách cấp huyện để hoàn thành dự án (do thu ngân sách huyện còn khó khăn, nguồn thu từ đất không đạt kế hoạch, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án 100% ngân sách cấp huyện).
Quang cảnh hội nghị. |
Tại hội nghị, một số sở, ngành, quận, huyện cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai như vướng quy hoạch, tăng tổng mức đầu tư.
Đại diện UBND huyện Phúc Thọ chia sẻ, huyện có 2 di tích quốc gia đặc biệt nhưng vướng quy hoạch; đồng thời, huyện mong được thành phố tháo gỡ vướng mắc liên quan đến tăng tổng mức của các trường học để đạt chuẩn. Bệnh viện đa khoa của huyện cũng trong tình trạng tăng tổng mức đầu tư từ 100 lên 175 tỷ đồng, hiện huyện đã gửi hồ sơ ra Sở KH&ĐT.
Đại diện UBND huyện Ứng Hòa cho biết, về phân cấp dự án trường THPT, theo Nghị quyết 2 huyện có 5 dự án với tổng 103 tỷ đồng, nhưng sau khi hoàn thiện thủ tục đầu tư đã tăng tổng mức đầu tư...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với các Ban HĐND thành phố để tham mưu theo hướng chuẩn hóa, đặc biệt là trong việc cải tạo, xây dựng trường học. Các sở ngành, địa phương phải rà soát lại toàn bộ danh mục dự án, đảm bảo phải thực hiện được, nếu dự án nào có vướng mắc không thể triển khai, cần báo cáo Ban Chỉ đạo để đưa ra khỏi danh mục.
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, các sở ngành, quận huyện đã vào cuộc rất tích cực, sát việc, tập trung tháo gỡ được nhiều khó khăn vướng mắc. Theo các sở ngành và địa phương báo cáo cho thấy, tiến độ các dự án cơ bản đảm bảo theo yêu cầu, kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ kết quả, đặc biệt là về số liệu, hạn chế, khó khăn vướng mắc để tập trung đưa ra các giải pháp. Trong đó chú trọng ngay vào bước phê duyệt chủ trương đầu tư, đấu thầu, thi công.
Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, các địa phương phải lưu ý bố trí nguồn vốn đối ứng, đảm bảo kế hoạch được thực hiện đúng tiến độ. Giao các Ban HĐND thành phố tập trung theo dõi, giám sát tiến độ của địa phương; các sở ngành, địa phương, chủ đầu tư tập trung thực hiện, tuyệt đối không để vướng mắc làm chậm tiến độ.
Hà Nội: Dành 49.202,8 tỷ đồng thực hiện các dự án trường học, y tế, di tích |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại