Thứ sáu 29/03/2024 20:38

Hà Nội: Giải quyết các thách thức trong quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích có trên địa bàn. Cụ thể, toàn TP Hà Nội hiện có 5.922 di tích được kiểm kê; trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp TP. Phong phú về loại hình, giàu có về giá trị, các di tích trên địa bàn TP là niềm tự hào của Thủ đô văn hiến, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị.
Hà Nội triển khai thực hiện cam kết về thống nhất quản lý di sản về di tích và di vật, triển khai Chương trình giáo dục di sản và nâng cao chất lượng điểm đến khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.  Ảnh: Khánh Huy
Hà Nội triển khai thực hiện cam kết về thống nhất quản lý di sản về di tích và di vật, triển khai Chương trình giáo dục di sản và nâng cao chất lượng điểm đến khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Khánh Huy

Nhiều dự án còn vướng mắc về quy hoạch

Mới đây, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn Quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo của Hà Nội, báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, giai đoạn 2021 - 2030, ngân sách TP đã bố trí trên 15.156 tỷ đồng (37,4% kế hoạch). Trong đó, đã bố trí trên 1.649 tỷ đồng thực hiện 23 dự án cấp TP; đã bố trí trên 13.506 tỷ đồng hỗ trợ cấp huyện thực hiện 746 dự án. Ngân sách cấp huyện đã bố trí vốn đối ứng để thực hiện các dự án TP hỗ trợ vốn là trên 2.137/6.045 tỷ đồng (đạt 35% kế hoạch).

Về tồn tại, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, quá trình triển khai một số dự án còn gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, do biến động giá nguyên vật liệu nên một số dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với kế hoạch. Tỷ lệ bố trí vốn đối ứng của các đơn vị trong năm 2021, 2022 và đầu năm 2023 chưa tương ứng với tỷ lệ TP đã hỗ trợ và chưa đáp ứng đủ vốn trách nhiệm của ngân sách cấp huyện để hoàn thành dự án (do thu ngân sách huyện còn khó khăn, nguồn thu từ đất không đạt kế hoạch, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án 100% ngân sách cấp huyện).

Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, còn một số dự án còn vướng mắc về quy hoạch, cụ thể như một số di tích chưa được phê duyệt quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích theo quy định tại Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ.

Do vậy, một số quận, huyện, thị xã chưa có cơ sở để lập dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích. Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư như: Dự án Phục dựng không gian Điện Kính Thiên phải xin ý kiến UNESCO. Công tác lập hồ sơ Dự án bảo tồn phục dựng thành hào khu di tích Cổ Loa phức tạp. Dự án bảo tồn khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu - phương án thiết kế thi tuyển chưa phù hợp với quy hoạch chi tiết do Thủ tướng Chính phủ duyệt.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình nhận định, để triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích, các sở, ngành, quận huyện đã vào cuộc rất tích cực, tập trung tháo gỡ được nhiều khó khăn vướng mắc. Theo tiến độ các sở, ngành và địa phương báo cáo cho thấy, tiến độ các dự án cơ bản đảm bảo theo yêu cầu.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND TP yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ về kết quả, đặc biệt là về số liệu, tồn tại hạn chế, khó khăn vướng mắc để tập trung đưa ra các giải pháp, trong đó, chú trọng ngay vào bước phê duyệt chủ trương đầu tư, đấu thầu, thi công. Các địa phương phải lưu ý bố trí nguồn vốn đối ứng, đảm bảo kế hoạch được thực hiện đúng tiến độ và tập trung thực hiện, tuyệt đối không để vướng mắc làm chậm tiến độ.

Đẩy mạnh khai thác các di tích để phát triển du lịch văn hoá

Theo đánh giá, sau hơn 2 năm triển khai Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025, nút thắt trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích được, Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được Hà Nội chú trọng.

Công tác xếp hạng di tích tiếp tục được Hà Nội chú trọng như xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho: Cụm di tích Thăng Long Tứ Trấn (đền Kim Liên, đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Quán Thánh); xây dựng hồ sơ nâng cấp di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, Thanh Oai). Nâng cấp xếp hạng di tích cấp Quốc gia cho 3 di tích; xếp hạng di tích cấp TP cho 52 di tích. Tính đến nay đạt 50% chỉ tiêu Chương trình 06.

Bên cạnh công tác tu bổ, tôn tạo các di tích, Hà Nội đẩy mạnh khai thác các di tích để phát triển du lịch văn hoá. Thời gian qua, cá đơn đơn vị quản lý các di tích trọng điểm như: Đền Ngọc Sơn, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… đã chủ động xây dựng các sản phẩm đa dạng, phong phú nhằm thu hút khách thăm quan du lịch, nghiên cứu học tập. TP đang tiếp tục thi công công trình phục dựng tòa Phương Đình và tôn tạo gò Kim Châu thuộc hồ Văn, khu di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Với Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội triển khai thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban Di sản thế giới về thống nhất quản lý di sản về di tích và di vật, triển khai Chương trình giáo dục di sản và nâng cao chất lượng điểm đến khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Triển khai dự án xây dựng Đền thờ Ngô Quyền, nghiên cứu kịch bản tổng thể lễ hội Ngô Quyền xưng vương, xây dựng nội dung phương án bài trí nội, ngoại thất đền Ngô Quyền tại khu di tích Cổ Loa.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong hơn 2 năm, công tác bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa Phi vật thể được Ban chỉ đạo Chương trình 06 rất chú trọng, các quận, huyện đã triển khai thực hiện góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng và sự phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Đến nay, TP có thêm 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia 27 di sản. Công tác truyền dạy và phát huy giá di sản văn hoá phi vật thể được các cấp, các ngành triển khai thực hiện, tiến hành hỗ trợ nhiều lớp truyền dạy cho các di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình trình diễn dân gian tại cộng đồng, như: hát ca trù, hát xẩm, múa rối, hát chèo…

Các di sản sau khi được hỗ trợ truyền dạy đã nhân cấy được người thực hành di sản. Chính quyền và cộng đồng người di sản có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản...

Khảo sát thực tế tại làng cổ Đường Lâm: Phát huy di tích đảm bảo 3 mục tiêu
"Thổi hồn" cho những di tích bằng nhiều trải nghiệm mới
Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển báo công, dâng hương tại Khu di tích Phủ Chủ tịch
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động