Thứ năm 15/08/2024 09:17

Bổ sung quy định nghiêm cấm mua bán bào thai là cần thiết

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trong phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp, Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã bổ sung 1 khoản quy định về hành vi bị nghiêm cấm: “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp chuyên đề ngày 13/8.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp chuyên đề ngày 13/8. Ảnh: Quốc hội

Khó khăn đến từ đâu?

Nước ta được xem là điểm nóng của tình trạng mua bán người trong các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông với diễn biến ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng, xảy ra ở 63 tỉnh, TP đặc biệt là các tuyến đường biên giới, những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Theo CQCA, trong những vụ án mua bán bào thai, khó khăn không đến từ quá trình điều tra mà lại là khi xử lý hình sự đối tượng liên quan. Xét dưới góc độ pháp luật thì hành vi của người mẹ ra nước ngoài sinh con rồi bán có dấu hiệu của tội phạm mua bán người. Tuy nhiên trên thực tế, Việt Nam chưa khởi tố được người mẹ nào bán thai nhi như vậy. Ngoài lý do vì nhân đạo thì nguyên nhân khiến cơ quan chức năng chưa xử lý được là vì luật pháp của nước ta chưa quy định về hành vi mua bán bào thai.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), nhiều đại biểu cũng có ý kiến về vấn đề này. Cụ thể đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, số vụ phạm tội mua bán người có chiều hướng gia tăng hàng năm, đặc biệt thời gian vừa qua đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá. Theo đại biểu, hành vi mới xuất hiện là mua bán thai nhi trong bụng mẹ, việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm đang mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra dẫn tới khó khăn cho công tác xử lý.

Theo pháp luật hình sự nước ta hiện nay, chỉ được coi là con người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra; còn khi vẫn còn đang trong bào thai bụng mẹ, chưa thể coi là con người ,chưa là đối tượng hành vi phạm tội. Vì vậy, cơ quan chức năng không có căn cứ để pháp lý để xử lý hình phạt hành vi mua bán thai nhi.

Trong khi đó, pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay chưa quy định đối với trường hợp mua bán thai nhi, vì thai nhi không phải là trẻ em được sinh ra, tuy nhiên trên thực tiễn hiện nay tình trạng mua bán thai nhi đã xảy ra tại nhiều địa phương là hành vi nguy hiểm cho xã hội và vi phạm đạo đức vi phạm thuần phong mỹ tục và chưa có quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này; do đó cần bổ sung truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp mua bán thai nhi.

Hai đối tượng bị Công an tỉnh Nghệ An bắt vì tổ chức cho hơn 20 phụ nữ vượt biên bán bào thai. Ảnh: CACC
Hai đối tượng bị Công an tỉnh Nghệ An bắt vì tổ chức cho hơn 20 phụ nữ vượt biên bán bào thai. Ảnh: CACC

Sự cần thiết

Sáng 13/8, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong phiên cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), một lần nữa, hành vi mua bán bào thai lại một lần nữa được đưa ra. Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, đây là dự án Luật quan trọng, có nhiều chính sách mới liên quan đến việc xác định hành vi mua bán người, việc tiếp nhận, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng; đồng thời có nhiều nội dung nội luật hóa các quy định của các điều ước quốc tế có liên quan.

Về ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định trẻ em được sinh ra bởi nạn nhân bị mua bán cũng là nạn nhân, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, trên thực tế nhiều trường hợp trẻ em được sinh ra trong thời gian người mẹ bị mua bán. Các trẻ em này không thuộc đối tượng trực tiếp của hành vi mua bán người, trừ trường hợp thỏa thuận mua bán cháu bé từ khi còn trong bào thai. Tuy nhiên, để bảo đảm tính nhân đạo và bảo vệ quyền trẻ em, dự thảo Luật đã có quy định hỗ trợ người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân như hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, y tế, tâm lý, chi phí đi lại, hỗ trợ pháp luật, phiên dịch. Ngoài ra, để bảo đảm tính logic và chặt chẽ, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị chỉnh lý lại nội dung khoản 6, khoản 7 Điều 2 như trong dự thảo Luật- bà Lê Thị Nga cho biết.

Đối với hành vi mua bán bào thai, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, bào thai chưa được xác định là con người nên việc quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp. Vì vậy, để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, phúc đáp yêu cầu thực tiễn, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được bổ sung 1 khoản quy định về hành vi bị nghiêm cấm: “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.

Theo đại tá Vũ Xuân Đại, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, bộ đội Biên phòng, về tội phạm mua bán trẻ sơ sinh và mang thai hộ, qua thực tiễn đấu tranh của Bộ đội biên phòng ở khu vực biên giới, kết hợp với lực lượng CA đã phát hiện nhiều vụ việc rất nghiêm trọng. Các đối tượng này lợi dụng vào việc xuất nhập cảnh cho phép mang thai, rồi sang bên kia và sinh con. Việc mua bán này không chỉ vi phạm quyền của thai nhi mà vi phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người. Nếu xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ có con bán cũng có dấu hiệu phạm tội. Việc bổ sung các hành vi trên vào tội “Mua bán người” sẽ thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của thai nhi, phù hợp với các giá trị đạo đức và nhân văn.

Ông Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, nếu như mua bán người, một người đã được sinh ra rồi- trẻ em, đưa qua biên giới sẽ rất khó khăn. Bằng các thủ đoạn rất xảo quyệt ở chỗ là mua bán sớm giai đoạn bào thai. Bởi vậy cần có các biện pháp để ngăn chặn. Việc bổ sung quy định về việc mua bán thai nhi vào dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) là cần thiết. Như vậy sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng áp dụng và thực thi luật; bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm.

Hoàn thiện thể chế pháp lý để truy cứu trách nhiệm với hành vi mua bán bào thai
Ngọc Dung
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động